Liệu ông Trump có thoát được ra ngoài cuộc thương chiến đắt đỏ với Trung Quốc?

Theo Chí Thành/nhadautu.vn

Những cố vấn lạc quan nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như cũng phải đối đầu với những khó khăn, nhưng cơ hội để có được một thỏa thuận tốt nhất lại hiển hiện rõ hơn nhiều so với tình huống họ đang gặp phải, bài viết mới nhất trên The Guardian bình luận.

Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông Trump luôn nhắc đến những khoản trợ cấp xuất khẩu của Trung Quốc, trong các bài nói chuyện của mình, như là những 'điều xấu xa' và ông tuyên bố cam kết loại bỏ những thỏa thuận có lợi cho phía Trung Quốc để bảo vệ và giúp đỡ các doanh nghiệp, cũng như các công nhân của Mỹ.

_0 00 ChinaGood

Các container hàng hóa chất đầy trên một tàu vận tải Trung Quốc trước giờ xuất bến. Ảnh UPI/Barcroft Images

Trong suốt nhiều thập kỷ nghiền ngẫm thấu đáo cuốn sách "Death by China" (Chết bởi Trung Quốc) của các học giả Peter Navarro và Greg Autry do người con rể Jared Kushner tặng, trong đó giải thích cách Trung Quốc thao túng hệ thống thương mại toàn cầu cho các mục đích riêng của mình, Tổng thống Mỹ đã biến những suy tư của mình thành một sứ mệnh chính sách cụ thể.

Ông Pater Navarro, đồng tác giả cuốn sách từ đó đã trở thành 'Sa hoàng' thương mại của Tổng thống Trump, cùng với ông Robert Lighthizer, nhà đàm phán chính của Nhà Trắng, đã cung cấp nền tảng trí tuệ cho các nỗ lực của ông Trump trong việc buộc Trung Quốc phải mở cửa thị trường.

Còn người đồng tác giả còn lại, ông Greg Autry, trong chương trình Ngày nay của BBC vào tuần trước cũng đã cổ vũ nhiệt thành cho ông Trump khi ông quyết định tăng mức thuế quan từ 10% lên 25% cho số lượng hàng hóa của Trung Quốc, bao gồm thiết bị vận chuyển, hóa chất và một loạt thực phẩm, tất cả có giá trị cỡ các 200 tỷ USD.

Thông điệp từ Nhà Trắng cho rằng Bắc Kinh đã vi phạm các thỏa thuận cải cách tự do thương mại mà họ đã đồng ý trước đó, điều này đồng nghĩa rằng số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc cũng có thể sớm được đưa vào danh sách tăng thuế, như vậy là toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đều sẽ bị đánh thuế cao hơn.

_0 00 ManTariffs WST

Ông Pater Navarro (đứng bên phải), tác giả cuốn sách "Death by China" đồng thời cũng được cho là 'cha đẻ' của chính sách gia tăng thuế quan của ông Trump. Ảnh WSJ

Học giả Autry nói rằng sẽ tốt hơn nếu các quốc gia giao dịch với nhau mà không có rào cản, nhưng nền kinh tế toàn cầu vẫn có thể phát triển trong một thế giới có mức thuế cao, hoặc ít nhất là Mỹ có thể làm điều đó.

Ông Antry ví tình hình hiện nay với những gì đã xảy ra ở thế kỷ 19 khi nước Anh ưu tiên thương mại tự do, nhưng theo ông, lúc đó Anh đã gặp phải những bất lợi khi các nước như Mỹ ẩn sau bức tường bảo hộ thuế. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã dẫn đầu phong trào thương mại tự do mà nước Anh khởi xướng và đó là một sai lầm, ông nói. Thương mại tự do đã khiến nước Anh bị hạ gục trong khi chủ nghĩa bảo hộ đóng một vai trò lớn trong thành công của nước Mỹ.

Đó không phải là một quan điểm về lịch sử được nhiều nhà sử học kinh tế chia sẻ. Có quá nhiều yếu tố khác trong thế kỷ 19 có thể quan trọng hơn, từ chế độ nô lệ ở Mỹ vốn cung cấp lao động tự do cho nông dân đến việc duy trì rất tốn kém đế chế đang phát triển của Anh lúc đó.

_0 00 Adviser Trump AP

Các cố vấn của ông Trump được cho là nhân tố trung tâm trong cuộc tái chiến thương mại với Trung Quốc lần này. Ảnh Evan Vucci/AP

Những người luôn dõi theo và quan sát Nhà Trắng không chắc rằng ông Trump liệu đã thực sự đọc cuốn sách của Navarro hay chưa, vì các mục tiêu của ông dường như khá hạn hẹp: ví dụ, ông tuyên bố Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ, hay tuyên bố sẽ buộc Trung Quốc phải chấm dứt chế độ trợ cấp xuất khẩu trái phép, ngưng chế độ quản lý nhân công lỏng lẻo và tuân theo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

Trong khi các ông Lighthizer và Navarro lo ngại hơn trước việc Bắc Kinh đưa ra các qui định luật pháp buộc các công ty nước ngoài phải trao các bí quyết công nghệ khi hợp tác với doanh nghiệp trong nước của Trung Quốc để có thể bán hàng tại nước này. Họ cũng muốn có một thỏa thuận về qui trình trọng tài trung gian nằm ngoài sự kiểm soát của các cơ quan quản lý của Trung Quốc.

Những vấn đề thiên nhiều hơn về mặt cấu trúc, chính là nội dung trung tâm trong cuốn sách của Navarro và là mấu chốt của tranh chấp hiện tại, hiện đang được nhóm thân cận với ông Trump, đứng đầu bởi ông Lighthizer thúc đẩy mạnh mẽ.

Hầu hết các nhà phân tích tin rằng sẽ có chi phí cao cho cả hai bên từ mức thuế cao hơn, mặc dù tác động đối với nền kinh tế toàn cầu có thể gia tăng khi các nền kinh tế ở châu Âu và Mỹ mất đà.

Angus Armstrong, cựu Giám đốc kinh tế vĩ mô tại Viện nghiên cứu Kinh tế và Xã hội quốc gia cho biết, sự sụt giảm trong thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể lấy mất đi từ 0,2% đến 0,3% GDP toàn cầu. "Có thể điều đó không quá nhiều, nhưng nếu điều đó xảy ra khi có một sự tăng trưởng chậm lại ở phạm vi rộng hơn, nó sẽ khiến động lực gia tăng và có thể làm cho vấn đề tồi tệ hơn nhiều", ông nói.

Các nhà phân tích tại Công ty Tư vấn Kinh tế Oxford cho biết chi phí do thuế quan tăng cao - phát sinh từ nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ ít đi do các biện pháp trả đũa và chi phí tăng thêm cho người tiêu dùng Mỹ - có thể gia tăng tại Hoa Kỳ và làm tổn thương các bang và ngành công nghiệp chính yếu, rồi phá vỡ phần còn lại của thế giới.

_0 00 Goods_gettyimages

Khi Trung Quốc trả đũa thì hàng hóa Mỹ cũng sẽ vào Trung Quốc ít hơn, ảnh hưởng trực tiếp tới nông dân và các nhà đầu tư Mỹ vào thị trường Trung Quốc. Ảnh Getty Images

Các nhà phân tích cho biết, việc "Chính quyền của ông Trump tăng cao thuế quan sẽ khiến nền kinh tế Mỹ mất đi 62 tỷ USD sản lượng hàng hóa vào năm 2020, tương đương 0,3% GDP, so với mức GDP dự kiến ​​của Mỹ trong các dự báo cơ bản hiện nay".

"Phí tổn cho nền kinh tế toàn cầu sẽ vượt qua mức 360 tỷ USD vì sản lượng hàng hóa ít đi so với tính toán cơ bản của chúng tôi cho năm 2020", các nhà phân tích nói thêm.

Hai nhà kinh tế Bo Zhuang và Eleanor Olcott tại Công ty tư vấn TS Lombard, nói rằng những tác động tốn kém cho cả hai bên trong một cuộc chiến kéo dài đồng nghĩa với việc vẫn có khả năng cho một thỏa thuận cho hai phía.

Ngay cả khi mức thuế quan cao vẫn được duy trì, các nguyên tắc cơ bản vẫn là kêu gọi cho một thỏa thuận. Ông Trump sẽ duy trì các cuộc đàm phán với Trung Quốc, giống như ông đã làm với Triều Tiên sau khi Hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội bị sụp đổ. Tỷ lệ phá sản ngày càng nhiều của các nông dân Mỹ và sự biến động lớn hơn trên thị trường sẽ khiến ông Trump  tăng quyết tâm để đi tới một thỏa thuận, hai nhà kinh tế nói trên phân tích.

"Một số nhà bình luận cho biết Bắc Kinh sẽ kêu gọi tẩy chay hàng hóa Mỹ và đặt hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa Mỹ. Ở giai đoạn này, chúng tôi tin rằng các biện pháp trả đũa khắc nghiệt như vậy là không thể. Các sự kiện trong tuần này đã đẩy lùi khoản thời gian cần thiết cho một thỏa thuận nhưng ngôn ngữ hòa giải và phản ứng đo lường từ Bắc Kinh đang trấn an điều đó", hai nhà kinh tế cho biết thêm.

Ở một mức độ nào đó, ông Trump đã chiến thắng. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm qua nếu tính đến tháng 3 vừa qua, chỉ ở mức 28,3 tỷ USD khi lượng hàng hóa nhập khẩu chậm lại và lượng hàng xuất khẩu từ Mỹ tăng cao.

Bước ngoặt đó mang đến cho ông Trump cơ hội tuyên bố cuộc chiến thương mại do ông phát động đang mang lại kết quả mong muốn. Thêm vào đó, những tiếng kêu la, phàn nàn từ những người nông dân trồng đậu nành ở Iowa, những doanh nhân Mỹ đang bị mất doanh số bán hàng ở Trung Quốc do thuế quan cao, và nhiều áp lực khác sẽ buộc ông Trump phải đồng ý với một thỏa thuận quan trọng có tính chất bao trùm trong tương lai.