Logistics toàn cầu đổ hơn 35 tỷ USD vào các thương vụ M&A

PV.

Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2016, trên toàn thế giới, các hãng logistics và vận tải đã đổ hơn 35 tỷ USD vào các thương vụ mua lại và sát nhập (M&A), riêng khu vực châu Á chiếm 62% tổng giá trị các thương vụ.

Đối diện với nguy cơ thiếu nguồn nhân lực vận hành

Đứng trước bối cảnh người tiêu dùng ngày càng kỳ vọng cao hơn ở dịch vụ logistics, các doanh nghiệp (DN) logistics đối mặt với khủng hoảng về nhân sự có năng lực quản lý, sáng tạo và thay đổi.

Ông Julien Brun, Tổng Giám đốc CEL Consulting  - Đơn vị tư vấn và đào tạo về lĩnh vực quản trị cung ứng toàn cầu cho biết: Hơn 67% DN logistics trên thế giới thừa nhận rằng họ đang vận hành ở mức 95-97% công suất. Đối với vận tải đường bộ, ở các nước phát triển như khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, dân số bị già hóa khiến cho ngành vận tải thường xuyên thiếu tài xế.

Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải Mỹ, hằng năm toàn ngành vận tải Mỹ cần thêm 100.000 tài xế nhưng hầu như người dân Mỹ lại không mấy mặn mà với công việc này. Ngoài Mỹ, những quốc gia thiếu hụt nguồn cung tài xế bao gồm Anh, Đức, Úc, Nhật Bản, Canada.

Nhận thức được nguy cơ này, DN logistics trên thế giới đã có thay đổi cách tiếp đối với vấn đề này. Điển hình như DHL tích cực tham gia cải thiện giáo trình đào tạo ngành logistics của những trường đại học để đáp ứng đúng nhu cầu của DN. Ngoài ra, họ cũng cung cấp những khóa thực tập có trả lương, tài trợ cho những dự án nghiên cứu về logistics và triển khai những chương trình quản trị tập sự cho sinh viên mới ra trường.

UPS, một DN vận tải hàng đầu khác, lại tiếp cận vấn đề theo hướng đầu tư tự động hóa vận hành kho bãi và logistics. Bên cạnh đó, những cách tiếp cận hiệu quả khác bao gồm sử dụng công nghệ quản trị năng suất với dữ liệu thời gian thực và nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo để phân bổ nguồn lực một cách tối ưu hơn.

“Hiện nay đã có 33 tập đoàn đã bắt tay vào việc đầu tư cho công nghệ xe tự vận hành ứng dụng cho giao nhận hàng hóa như trường hợp mẫu xe ô tô tự vận hành của Uber giao hàng thành công cho bia Budweiser tại Colorado, Mỹ, cuối tháng 10 vừa qua; hay chuỗi cửa hàng pizza Domino ứng dụng phương tiện tự vận hành đi giao bánh pizza cuối năm 2015”, ông Julien Brun thông tin thêm.

Thương mại điện tử và áp lực thay đổi

Theo phân tích của CEL Consulting, ngành Thương mại điện tử phát triển rất nhanh ở các thị trường mới nổi nhờ vào sự phổ biến của mạng internet. Ông Julien Brun cho biết: Kể từ khi Amazon ra đời từ hơn 10 năm về trước, cho đến nay, thương mại điện tử luôn là nguồn động lực khiến cho ngành Logistics và vận tải phải không ngừng sáng tạo và thay đổi.

Nếu như vào thời điểm 2007, người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận hàng hóa đặt mua trực tuyến được giao đến nhà sau 48 giờ, thì tại thời điểm này, yêu cầu đó đã giảm xuống còn 24 giờ bất kể thứ 7, chủ nhật.

Để có thể giao nhận trong vòng 24 giờ một cách hiệu quả về chi phí là một bài toán khó đối với hầu hết các DN logistics. Đầu tư vào các ứng dụng công nghệ là điều hiển nhiên, tuy nhiên để vận hành logistics phục vụ thương mại điện tử hiệu quả DN logistics cũng phải nâng cấp cách thức quản lý và xây dựng một nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo và năng động.

Xu hướng sáp nhập và liên kết logistic toàn cầu được đẩy mạnh

Theo ông Julien Brun, logistics đóng vai trò huyết mạch của kinh tế toàn cầu và hiện đang có nhiều xu hướng thay đổi lớn. Nhìn chung, ngành Logistics toàn cầu sẽ chuyển dịch trọng tâm về thị trường đang phát triển tại châu Á.

Các thương vụ M&A sẽ đóng vai trò quan trọng ở giai đoạn đầu, phần nào giúp giảm phân mảnh thị trường, tuy nhiên, về lâu về dài, chính sự đầu tư vào công nghệ và con người mới là yếu tố quyết định giúp ngành Logistics phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy, các hãng tàu biển hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu sức tải, trong khi, giá xăng dầu tăng, giá thành vận tải biển rớt giá. Nhiều DN lớn trong Ngành đi theo hướng liên minh và hợp tác với nhau để giảm các cuộc chiến về giá. Các hãng vận tải đường bộ có xu hướng mua lại và sát nhập những nhà xe nhỏ lẻ để giảm độ phân mảnh của phân khúc này.

Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2016, trên toàn thế giới, các hãng logistics và vận tải trên toàn thế giới đã đổ hơn 35 tỷ USD vào các thương vụ thâu tóm và sát nhập. Riêng khu vực châu Á chiếm 62% tổng giá trị các thương vụ.