Mỹ chặn Telegram gây quỹ bằng dự án tiền điện tử

Theo Anh Hiển/TTXVN

Ngày 11/10, giới chức Mỹ đã thành công trong việc đề nghị tòa án nước này ngăn chặn ứng dụng nhắn tin Telegram gây quỹ bằng cách bán tiền điện tử chưa được đăng ký cho các nhà đầu tư.

Biểu tượng của Telegram. Ảnh: Reuters
Biểu tượng của Telegram. Ảnh: Reuters

Trong thông báo, Ủy ban An ninh và Trao đổi của Mỹ cho biết Telegram đã bán 2,9 tỷ tiền điện tử có tên gọi “Gram” mà không đăng ký, làm dấy lên những quan ngại về an ninh cho các nhà đầu tư.

Theo thông báo, Telegram đã kêu gọi gây quỹ được hơn 1,7 tỷ USD từ các nhà đầu tư ở Mỹ và quốc tế.

Tháng trước, truyền thông Mỹ cho biết trong 1 năm qua, dịch vụ tin nhắn Telegram đã “âm thầm” triển khai một dự án mới cho ra mắt tiền điện tử có tên gọi là "Gram".

Tờ New York Times dẫn nguồn các nhà đầu tư giấu tên cho biết tiền điện tử Gram khả năng sẽ bắt đầu được đưa vào lưu thông trong 2 tháng tới.

Theo Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ, để thực hiện mục tiêu này, Telegram đã kêu gọi được khoản đầu tư cao kỷ lục 1,7 tỷ USD từ 200 nhà đầu tư tư nhân thông qua Các Dịch vụ tiền xu ban đầu (ICO).

Trong khi đó, nhật báo Nga Vedomosti cho biết các chuyên gia Nga sáng lập ra Telegram cam đoan sẽ cho ra mắt tiền số Gram trước ngày 31/10 tới, nếu không sẽ  hoàn lại tiền cho các nhà đầu tư.

Trong một tài liệu bị rò rỉ trên mạng, các nhà sáng lập của Telegram bày tỏ mong muốn tạo ra đồng tiền số chuẩn được dùng để giao dịch thường xuyên trong sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Theo tài liệu, Telegram dự định thiết kế một hệ thống thanh toán nhanh, bảo mật và hướng tới trở thành “phương tiện thay thế các loại thẻ Visa và Mastercard trong nền kinh tế phi tập trung mới”.