Mỹ có thể lặp lại sai lầm trong khủng hoảng 2009

Theo Hà Thu/vnexpress.vn/NYT

Trong đợt suy thoái trước, chính phủ Mỹ giảm chi khá sớm, khiến quá trình phục hồi kéo dài và người dân không thể tìm việc trong nhiều năm.

  Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ảnh: NYT
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ảnh: NYT

Hàng nghìn tỷ USD trợ cấp liên bang dành cho các hộ gia đình và doanh nghiệp đã giúp kinh tế Mỹ hồi phục trong đại dịch tốt hơn nhiều so với kỳ vọng. Tuy nhiên, khoản trợ cấp này đang dần cạn kiệt và triển vọng có gói kích thích mới trước ngày bầu cử 3/11 ngày càng mờ mịt. Trong khi đó, đại dịch vẫn đang lây lan và hàng triệu người Mỹ vẫn thất nghiệp.

Nhiều dấu hiệu cho thấy đà phục hồi của Mỹ đang dần mất đà, khi số liệu tăng trưởng tiêu dùng và việc làm giảm sút. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tại Mỹ tuần trước lại tăng, với 25.000 đơn.

Sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế chậm lại và trợ cấp của chính phủ giảm dần gợi nhớ đến giai đoạn sau khủng hoảng 2007 - 2009. Theo quan điểm của nhiều nhà phân tích, việc chính phủ Mỹ rút hỗ trợ sớm khi đó đã làm đà phục hồi chững lại, khiến rất nhiều người không thể tìm việc trong nhiều năm. Vài tuần gần đây, nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng đã cảnh báo cả Mỹ và châu Âu về nguy cơ lặp lại sai lầm này. Nhiều nước phản ứng sớm tại châu Âu cũng đang dần chấm dứt hỗ trợ.

"Phản ứng chính sách ban đầu rất tốt, nhưng chúng ta cần nhiều hơn nữa", Karen Dynan - cựu kinh tế trưởng tại Bộ Tài chính Mỹ dưới thời cựu tổng thống Barack Obama nhận xét, "Quyết định giảm chi tiêu công cách đây một thập kỷ thực sự đã kéo dài thời kỳ kinh tế yếu kém sau suy thoái".

Hôm qua (24/9), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đồng ý khởi động lại các cuộc nói chuyện về gói kích thích tiếp theo. Tuy nhiên, bà Pelosi lại thận trọng hơn về việc đàm phán và hai bên vẫn bất đồng sâu sắc cả về quy mô lẫn nội dung hỗ trợ.

Khả năng hai bên đạt thỏa thuận trong các tuần tới càng xa vời do cuộc chiến tìm người thay thế Thẩm phán Tòa án Tối ca Mỹ Ruth Bader Ginsburg vừa qua đời. "Đây là điều tôi rất lo ngại. Rằng chúng ta có thể sẽ chẳng có gói kích thích nữa", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Roy Blunt hôm qua nhận xét.

Còn một yếu tố khác khiến việc đạt thỏa thuận nhanh chóng càng bất khả thi. Đó là đà phục hồi kinh tế đúng là đang chậm lại, nhưng không giảm tốc nhanh như các nhà kinh tế học cảnh báo trong trường hợp các chương trình hỗ trợ dần cạn kiệt.

Tăng trưởng việc làm trong tháng 7 và 8 chậm lại, nhưng vẫn tích cực. Tiêu dùng, vốn tăng mạnh sau khi dòng tiền hỗ trợ chảy vào nền kinh tế hồi tháng 4, đã tăng chậm lại nhưng chưa giảm. Số vụ sa thải (được theo dõi bằng số đơn xin bảo hiểm thất nghiệp) vẫn có xu hướng giảm, dù còn ở mức cao so với trước đây.

Dù vậy, nhiều nhà phân tích cho biết việc để nền kinh tế tăng trưởng ở mức chậm như hiện tại, với hàng triệu người thất nghiệp, có thể tạo ra hậu quả kinh tế dài hạn. Số vị trí các công ty tuyển lại chưa bằng nửa số lao động đã bị sa thải trong tháng 3 và 4. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang cao hơn đỉnh của rất nhiều đợt suy thoái trước. Ngay cả những dự báo lạc quan nhất cũng cho rằng GDP năm nay sẽ giảm mạnh hơn cuộc suy thoái trước.

"Đà phục hồi chững lại khi chúng ta đang mắc kẹt tại thời điểm tồi tệ nhất của khủng hoảng là điều rất tồi tệ", Tara Sinclair - nhà kinh tế học tại Đại học George Washington cho biết.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết trong cuộc điều trần trước Quốc hội tuần này rằng nền kinh tế đang phục hồi, nhưng có thể cần nhiều hỗ trợ hơn. "Tất cả chúng ta đều cần duy trì hỗ trợ tài khóa. Đà phục hồi sẽ nhanh hơn nếu cả Quốc hội và Fed cùng ra tay", ông nói.

Một số nhà kinh tế học cảnh báo nền kinh tế có thể sẽ co lại nếu Quốc hội không hành động. Nhiều hộ gia đình đã tiết kiệm được tiền hồi đầu năm, nhờ các khoản hỗ trợ của chính phủ và hàng quán đóng cửa khiến họ cũng chẳng có nơi tiêu tiền. Các hộ gia đình tiết kiệm khoảng một phần ba thu nhập sau thuế trong tháng 4. Tỷ lệ tiết kiệm từ đó đã giảm xuống, nhưng vẫn ở mức khá cao so với các cuộc khủng hoảng trước. Việc này có thể tạo ra bộ đệm tài chính cho người dân.

Tuy nhiên, quỹ dự phòng này khó giúp duy trì cuộc sống cho các gia đình có người thất nghiệp, do chương trình trợ cấp thất nghiệp bổ sung đã hết hạn và gói hỗ trợ tạm thời của chính phủ cũng sắp cạn kiệt. Các doanh nghiệp được duy trì trong mùa hè cũng có thể chật vật khi mùa lạnh đang tới gần, đặt dấu chấm hết cho các hoạt động và dịch vụ ăn uống ngoài trời.

Khủng hoảng tài chính là ví dụ khó quên cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi chính phủ giảm trợ cấp trong thời kỳ kinh tế bất ổn. Giai đoạn đầu khủng hoảng, Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng - ban đầu là dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, rồi sau đó là cựu Tổng thống Barack Obama - đã bơm hàng tỷ USD vào nền kinh tế dưới dạng giảm thuế cho cá nhân và doanh nghiệp, chi cho cơ sở hạ tầng, gia hạn trợ cấp thất nghiệp và nhiều chính sách khác.

Tuy nhiên, ông Obama lại không giành được sự ủng hộ cho các nỗ lực kích thích lớn hơn sau đó. Đến năm 2010, Quốc hội Mỹ giao lại cho Fed nhiệm vụ xử lý đà phục hồi kinh tế khi đó vẫn còn yếu.

"Bài học từ cuộc khủng hoảng trước là tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài nhiều năm và chúng ta lại mất nhiều thời gian để hạ xuống", Robert S. Kaplan - Chủ tịch Fed Dallas cho biết, "Giờ đây chúng ta đang có cơ hội khác, nếu hành động nhanh, để không phải gánh thiệt hại như lần trước".

Việc giảm chi tiêu công sớm hậu khủng hoảng tài chính tại các nước châu Âu còn nghiêm trọng hơn. Các nền kinh tế yếu hơn, có mức nợ cao tại khu vực này đã thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất năm 2011, tức là bỏ nới lỏng tiền tệ sớm hơn Fed tới 4 năm. Các nền kinh tế châu Âu tiếp tục rơi vào khủng hoảng sau đó, khiến khu vực này trải qua nhiều năm thất nghiệp ở mức cao, lạm phát thấp và tăng trưởng yếu.

Dĩ nhiên, lần này và lần trước có nhiều khác biệt quan trọng, đặc biệt là tại Mỹ. Nền kinh tế này trước đại dịch mạnh hơn nhiều so với năm 2007. Thời đó, giá nhà tại đây đang tăng mạnh, các khoản vay rủi ro cao cũng khiến hệ thống ngân hàng dễ tổn thương. Còn ngày nay, giới chức đã hành động nhanh và mạnh tay hơn rất nhiều.

Hồi tháng 3, Fed hạ lãi suất xuống quanh 0%, trước cả khi các số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang bị tàn phá. Còn trong cuộc khủng hoảng trước, Fed chưa hành động cho đến cuối năm 2008 - một năm sau khi suy thoái bắt đầu. ECB cũng đã tung chương trình mua lại trái phiếu khổng lồ - biện pháp mà các nhà hoạch định chính sách tiền tệ eurozone không thực hiện ngay sau khủng hoảng 2009.

Tuy nhiên, hiện tại, các ngân hàng trung ương cũng có ít dư địa để điều chỉnh chính sách hơn so với một thập kỷ trước. Lãi suất và lạm phát đều đã ở mức rất thấp tại hầu hết quốc gia phát triển.

Vì thế, đây là lúc cần đến chính sách tài khóa - thông qua thuế và chi tiêu công. Các lý thuyết kinh tế nói rằng chính sách tài khóa sẽ hiệu quả trong các thời điểm chính sách tiền tệ không thể phát huy tác dụng.

Đầu khủng hoảng, Quốc hội Mỹ thông qua chính sách hỗ trợ tiền trực tiếp cho các gia đình, trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ, bổ sung trợ cấp thất nghiệp 600 USD một tuần và mở rộng diện hỗ trợ người thất nghiệp. Tổng cộng, các chương trình này có quy mô áp đảo so với cuộc khủng hoảng trước.

Sự mạnh tay này đã rất thành công. Sau khi sa thải hàng triệu nhân viên trong tháng 3 và 4, các công ty dần tuyển lại họ trong tháng 5 và 6. Tiền hỗ trợ cho gia đình và khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung đã kéo thu nhập người dân lên trong tháng 4 và 5, từ đó kích thích tiêu dùng. Dự báo về làn sóng tịch biên tài sản và vô gia cư đã không xảy ra. Đến tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 8,4%, đập tan các dự báo rằng múc hai chữ số sẽ kéo dài sang năm sau.

Powell cho biết chi tiêu chính phủ đã tạo ra sự phục hồi này. Tuy nhiên, rủi ro sẽ vẫn đeo bám nếu các chương trình chủ chốt bị hoãn vô thời gian.Khi người thất nghiệp tiêu hết tiền tiết kiệm, họ sẽ giảm chi và mất nhà.

"Nếu không có thêm hỗ trợ, sớm muộn nền kinh tế cũng sẽ phải trải qua thời gian duy trì tăng trưởng khó khăn. Đó chính là rủi ro", ông nói.

Các nhà kinh tế học cho rằng ông Powell có vẻ đã rút ra bài học từ cuộc suy thoái trước. Khi đó, Fed bị buộc phải đơn độc giải cứu nền kinh tế. Kết quả là quá trình phục hồi chậm chạp, kéo dài nhiều năm.

"Đại dịch lần này có thể khiến bất bình đẳng tại Mỹ càng tăng mạnh", Andy Kim - nghị sĩ đảng Dân chủ tại New Jersey cho biết, "Một số sẽ vượt qua khủng hoảng tốt hơn nhiều so với những người khác. Rất nhiều người sẽ kiệt quệ cả đời nếu chúng ta không làm điều cần thiết trong vài tuần hoặc vài tháng tới".