Mỹ đang giữa đại dịch Covid-19, tại sao Phố Wall vẫn lập đỉnh lịch sử?

Theo Như Tâm/Reuters/ndh.vn

Kinh tế Mỹ vẫn “bầm dập” vì đại dịch Covid-19 trong khi quốc hội nước này đang bất đồng về gói kích thích tiếp theo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trái với áp lực tin xấu đang đè nặng lên nhiều hộ gia đình Mỹ, Phố Wall vẫn có lý do để tăng, thậm chí là có thể đi lên hơn nữa. Chốt phiên 18/8, S&P 500 đóng cửa ở 3.389,78 điểm, vượt đỉnh 3.386,15 điểm hôm 19/2, xác lập giai đoạn thị trường giá xuống ngắn nhất lịch sử.

“Phố Chính tập trung vào hiện tại trong khi Phố Wall chú trọng ngày mai”, Sam Stovall, giám đốc đầu tư chiến lược tại CFRA, nói. “Có các gói kích thích tài chính và tiền tệ khổng lồ… và niềm tin ngày càng tăng về việc các công ty dược phẩm tiến gần một loại vaccine”. Phố Chính (Main Street) là nhóm chịu nhiều thiệt hại từ khủng hoảng tài chính và hưởng rất ít lợi ích từ kế hoạch giải cứu nền kinh tế.

Fed châm ngòi cho sự phục hồi bằng chính sách hỗ trợ 3.000 tỷ USD, lớn chưa từng có, và sẵn sàng mua trái phiếu doanh nghiệp nếu cần. Động thái này khiến nhiều nhà đầu tư nhắc lại câu thần chú “Đừng trái ý Fed”, đi theo sự dẫn dắt từ ngân hàng trung ương Mỹ.

Quy mô bảng cân đối của Fed mở rộng chưa từng có trong tháng 6.
Quy mô bảng cân đối của Fed mở rộng chưa từng có trong tháng 6.
 

Gói hỗ trợ kinh tế từ quốc hội Mỹ càng có lợi cho nỗ lực của Fed, khuyến khích nhà đầu tư hơn nữa, bởi nhiều công ty có triển vọng lợi nhuận quý II vượt kỳ vọng. Đồng thời, khả năng Fed sẽ giữ lãi suất cận 0 trong tương lai gần đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ một số kỳ hạn xuống thấp kỷ lục, khiến thị trường cổ phiếu hấp dẫn.

“Có nhiều tiền trong nền kinh tế và phần lớn số đó chọn cổ phiếu làm điểm đến”, Jeff Buchbinder, chiến lược gia cổ phiếu tại LPL Financial, nhận định.

Trong khi tăng trưởng kinh tế Mỹ quý II tệ nhất kể từ Đại Suy thoái do ảnh hưởng từ Covid-19, một số bên trong thị trường lại kỳ vọng vào một đợt phục hồi mạnh mẽ sau đó.

Tăng hay giảm?

Sau đợt tăng mạnh, nhà đầu tư đang cân nhắc các rủi ro cận kề như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, lo ngại tranh cãi về kết quả bầu cử sẽ khiến thị trường biến động.

Định giá cũng là một vấn đề. S&P 500 đang được giao dịch ở 24,5 lần lợi nhuận kỳ vọng, cao chưa từng thấy kể từ giai đoạn bong bóng dot com 20 năm trước. Ngoài ra, Covid-19 vẫn diễn biến khó lường và tác động từ đại dịch lên tăng trưởng kinh tế.

“Phần lớn những tin tốt đều đã đưa vào thị trường và định giá bắt đầu bị kéo căng”, theo Bob Doll, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Nuveen.

S&P 500 vừa có thị trường giá xuống ngắn nhất lịch sử.
S&P 500 vừa có thị trường giá xuống ngắn nhất lịch sử.
 

Trong khi đó, nhà đầu tư đang tập trung vào một nhóm cổ phiếu công nghệ và internet có tỷ trọng lớn trong S&P 500, gia tăng lo ngại chỉ số sẽ đảo chiều mạnh nếu họ bán ra đồng thời.

5 cổ phiếu của Microsoft, Apple, Amazon, Google và Facebook chiếm hơn 22% vốn hóa thị trường của S&P 500. Tháng trước, 74% số nhà quản lý quỹ tham gia khảo sát của BofA Global Research nói nắm giữ cổ phiếu công nghệ là “xu hướng giao dịch nhiều người chọn nhất”.

Đợt tăng bất thường của Phố Wall còn giúp thay đổi quan điểm của một số nhà quản lý quỹ, từ tiêu cực sang tích cực hơn, như Scott Minerd của Guggenheim. Minerd tin Phố Wall tiếp tục tăng sau ngày bầu cử 3/11, bất kể ai chiến thắng.

Jeffrey Gundlach của DoubleLine nằm trong số những người vẫn giữ quan điểm tiêu cực. Cuối tháng 7, Gundlach cho rằng thị trường tăng nhờ một nhóm cổ phiếu công nghệ lớn là “sự tăng của thị trường giá xuống cổ điển”.

Cổ phiếu công nghệ ngày càng hấp dẫn bởi lợi suất trái phiếu xuống thấp kỷ lục, giảm lợi nhuận, Buchbinder nói. Dù đà tăng trong quý II phần nào đã suy giảm, cổ phiếu lĩnh vực công nghệ vẫn đang diễn biến tốt hơn thị trường chung.

“Khoảng cách giữa người thắng và kẻ thua đang nới rộng. Kẻ mạnh đang ngày càng mạnh hơn nữa”.