Mỹ đứng trước nguy cơ rơi vào "suy thoái kép"

Theo Khởi Vũ/doanhnhansaigon.vn

Thay vì đà hồi phục hình chữ V như giới đầu tư ở Wall Street vẫn kháo nhau, nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ rơi vào cuộc suy thoái kế tiếp.

Lần cuối cùng nước Mỹ đối mặt với suy thoái kép là đầu những năm 1980 - thời điểm xảy ra cuộc Đại Suy thoái. Nguồn: internet
Lần cuối cùng nước Mỹ đối mặt với suy thoái kép là đầu những năm 1980 - thời điểm xảy ra cuộc Đại Suy thoái. Nguồn: internet

Nhận định trên đến từ chuyên gia kinh tế Stephen Roach - cựu Chủ tịch Morgan Stanley chi nhánh châu Á. Vị chuyên gia cũng đồng thời nhận định, số ca nhiễm Covid-19 mới tăng mạnh trở lại trong thời gian qua tại Mỹ càng khiến cho kịch bản vừa nêu thêm phần chắc chắn.

"Kịch bản suy thoái lặp lại, hay 'suy thoái kép', là rất thật; và nó xảy ra không phải chỉ do virus, mà còn bởi chính các vấn đề của nền kinh tế", Roach nói.

Trong kinh tế, khái niệm suy thoái kép, còn gọi là suy thoái theo mô hình chữ W, diễn tả tình trạng nền kinh tế trải qua sự phục hồi sau một cú sốc, và thậm chí tăng trưởng trong ngắn hạn, trước khi nhanh chóng đối mặt với một đợt suy thoái khác.

Được biết, lần cuối cùng nước Mỹ đối mặt với suy thoái kép là đầu những năm 1980 - thời điểm xảy ra cuộc Đại Suy thoái. 

Cụ thể, từ quý I-II/1981, nền kinh tế Mỹ sụt giảm mạnh, trước khi phục hồi trong giai đoạn quý II-III/1980, rồi tiếp tục suy thoái cho đến tận đầu năm 1982.

Có nhiều lý do dẫn đến suy thoái kép, song nguyên nhân phổ biến nhất là hiện tượng suy giảm nhu cầu sản phẩm, dịch vụ do tình trạng sa thải và cắt giảm chi tiêu gây ra từ lần suy thoái trước đó. Một lần suy thoái kép, hoặc thậm chí suy thoái lặp lại đến lần thứ 3, là kịch bản xấu nhất.

Với trường hợp của nước Mỹ, ông Roach cho rằng, "sự sụt giảm về nhu cầu sẽ tiếp tục gây ra hàng loạt vấn đề cho các hộ kinh doanh, thị trường việc làm, cũng như dẫn đến làn sóng phá sản doanh nghiệp trong nửa còn lại của năm".

So sánh tình trạng hiện tại của Mỹ với những gì đã xảy ra tại Trung Quốc, vị chuyên gia kinh tế cho rằng, nhu cầu tiêu dùng sẽ khó có thể phục hồi trong ngắn hạn, một khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn. 

"Cả 2 nền kinh tế đều có thể nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, song lại đang hết sức chật vật trong việc đưa nhu cầu của người tiêu dùng trở lại, nhất là với các ngành dịch vụ có tiếp xúc trực tiếp", vị chuyên gia nói.

Ngoài Stephen Roach, nhiều chuyên gia khác, trong đó có nhà đầu tư kỳ cựu Mark Mobius cũng cho rằng, Covid-19 sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái theo mô hình chữ W. Trong khi đó, theo các chuyên gia phân tích tại IHS Markit, số ca mắc bệnh mới tăng kỷ lục ở Mỹ, Brazil hay Ấn Độ và các nền kinh tế lớn những tuần qua, sẽ khiến khả năng phục hồi của nền kinh tế trở nên mong manh.

Thậm chí, làn sóng tái bùng phát này còn đe doạ tạo nên những "bước ngoặt lớn", gây ra tình trạng suy thoái kép. Tuần trước, IHS Markit cho rằng, xác suất xảy ra suy thoái kép là 20%. Tuy nhiên, khi số ca nhiễm Covid-19 mới ngày càng tăng, xác suất này có thể sẽ tăng lên trong những tháng tới, và thời điểm suy thoái thứ 2 xảy ra có thể là vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021.

Quan điểm nói trên cũng tương đồng với nhận định của các chuyên gia từ Moody's Analytics, khi cho rằng chính việc tái mở cửa nền kinh tế quá sớm có thể đã gây ra tình trạng bùng phát dịch trở lại. 

"Thiệt hại gây ra cho nền kinh tế đã dần trở nên rõ ràng. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 6 hiện đã chững lại quanh mức hơn 2 triệu đơn/tuần", chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi tại Moody's Analytics cho biết, và nói thêm rằng con số này sẽ còn tăng lên.

"Điều này là dấu hiệu của suy thoái kép hay còn gọi là mô hình chữ W", Zandi nói.

Dù vậy, theo các chuyên gia từ IHS Markit, tín hiệu tích cực là đợt suy thoái sắp tới sẽ không nghiêm trọng như những gì mà thế giới đã phải trải qua trong những tháng đầu tiên của đại dịch, với điều kiện là các nước triển khai được những biện pháp quản lý tốt hơn để làm giảm nguy cơ phải phong tỏa trên diện rộng.