Mỹ khẳng định quyết tâm xả kho dự trữ dầu chiến lược bất chấp giá dầu giảm sâu

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

OPEC+ dường như đang tính loại bỏ đi kế hoạch nâng sản lượng sau khi biến chủng Omicron gây ra đợt suy giảm tồi tệ nhất trên thị trường năng lượng trong hơn 1 năm.

Ảnh: GettyImages
Ảnh: GettyImages

Mỹ sẽ tiếp tục với kế hoạch xả 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược dù rằng biến chủng Omicron mới gây ra tình trạng sụt giảm nghiêm trọng của giá dầu.

Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Jen Psaki, nói: “Chúng tôi sẽ không cân nhắc lại”.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo về việc xả dầu từ kho dự trữ chiến lược quốc gia của Mỹ (SPR) trong tuần trước như một phần trong nỗ lực phối kết hợp với các nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới nhằm kiềm chế giá nhiên liệu tăng cao. Tuyên bố của bà vào ngày thứ Hai được đưa ra chỉ ngay trước khi OPEC và các nước đồng minh có kế hoạch gặp gỡ nhằm thảo luận về cách ứng phó với biến chủng Omicron.

Nhóm này dường như đang tính loại bỏ đi kế hoạch nâng sản lượng sau khi biến chủng Omicron gây ra đợt suy giảm tồi tệ nhất trên thị trường năng lượng trong hơn 1 năm.

Cũng trong ngày thứ Hai, tư vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ - ông Amos Hochstein nói với CNBC rằng chính quyền sẵn sàng xả thêm dầu từ dự trữ nếu nhu cầu tăng lên. “Chúng tôi muốn làm điều gì đó có thể gây ra ảnh hưởng đến thị trường, chúng tôi có đủ khả năng và thừa sự linh hoạt để có thể tiếp tục làm điều đó”, ông cho biết.

Khi được hỏi liệu chính quyền có lo lắng về việc phía Trung Quốc không công bố chi tiết về kế hoạch của Trung Quốc liên quan đến việc công bố dự trữ dầu riêng, bà Psaki tuyên bố: “Chúng tôi luôn chào đón bất kỳ nước nào trên thế giới trong đó có Trung Quốc càng minh bạch càng tốt về chính sách của họ. Tuy nhiên tôi không muốn bình luận gì thêm nữa trong ngày hôm nay”.

Theo phân tích của giới đầu tư, hiện vẫn còn nhiều điều cần phải quan tâm về diễn biến mới của giá dầu.

Việc Mỹ công bố xả 50 triệu thùng dầu đã mang đến con số lớn hơn so với 35 triệu thùng mà thị trường kỳ vọng, theo phân tích của trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại U.S. Bank Wealth Management, ông Rob Haworth. Tuy nhiên, chi tiết của kế hoạch, trong đó có việc sử dụng các hợp đồng hoán đổi, đồng nghĩa dầu mua từ dự trữ quốc gia sẽ cần phải được hoàn trả trong vòng 1 đến 3 năm tới, sẽ có thể làm giảm tác động thực tế đến thị trường, ông Haworth nói thêm.

“Thực tế là tác động sẽ chỉ ở mức hạn chế và câu chuyện ở đây là sẽ cần phải làm gì tiếp theo. Nếu nhìn vào các số liệu thống kê, trong đó có số liệu của Cơ quan An ninh Giao thông Mỹ, nhu cầu đi lại của người dân vẫn rất cao”, ông Haworth chỉ ra.

Ông Haworth phân tích thêm nhu cầu sử dụng phương tiện đi lại của người dân nhiều khả năng sẽ không bị cản trở bởi việc số lượng ca nhiễm COVID-19 tăng và các biện pháp hạn chế đi lại tại châu Âu, như vậy cũng có nghĩa rằng việc số ca nhiễm tăng cao trong thời gian gần đây chưa hề gây ra tác động mạnh lên nhu cầu dầu.

Vậy thị trường sẽ còn đón nhận bao nhiêu triệu thùng dầu nữa? Cho đến nay, Ấn Độ công bố xả 5 triệu thùng dầu, Nhật 4 triệu thùng, sự tham gia của Trung Quốc, Hàn Quốc và Anh sẽ nâng tổng số thùng dầu được bán thêm ra thị trường ước tính khoảng từ 65 đến 70 triệu thùng, tính toán của RBC Capital Markets cho hay.

Chuyên gia thuộc RBC Markets viết trong nghiên cứu mới đây nhất: “Chúng tôi hiểu rằng chính quyền đang cố gắng giữ giá dầu ở dưới mức 80USD/thùng và tin rằng họ có khả năng làm tương tự như vậy thêm lần nữa thông qua cơ chế hoán đổi. Họ muốn bằng mọi cách giảm được giá xăng và dầu diesel trước thềm dịp nghỉ lễ cuối năm, tuy nhiên đây cũng có thể coi như một phần trong chiến lược lớn hơn nhằm đương đầu với áp lực lạm phát và thách thức trong chuỗi cung ứng”.

Không ít chuyên gia phân tích không quá lạc quan với quy mô của các đợt xả kho dầu lần này. Hàn Quốc, Nhật và Anh nhiều khả năng sẽ công bố chi tiết kế hoạch của họ trong những ngày tới, còn nhà đầu tư cũng đang chờ đợi thông điệp chính sách từ Trung Quốc.

Giám đốc điều hành bộ phận giao dịch năng lượng tương lai tại công ty chứng khoán Mizuho Securities, ông Robert Yawger, nhận xét: “Thị trường tăng lên bởi bản chất không quá mạnh mẽ của chương trình hoán đổi từ phía Mỹ, số lượng dầu xả ra khá nhỏ cũng như việc phía Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ cam kết nào cụ thể”.