Mỹ nới lỏng luật ngân hàng hậu khủng hoảng

Theo Lâm Ngọc/ndh.vn

Ngày 22/5, Hạ viện Mỹ thông qua quyết định giảm áp lực của Đạo luật Dodd-Frank 2010 lên các ngân hàng vừa và nhỏ. Đây được coi là một chiến thắng lập pháp lớn với Tổng thống Donald Trump dù không thay đổi các điều khoản chính của Dodd-Frank.

Ngày 22/5, Hạ viện Mỹ thông qua quyết định giảm áp lực của Đạo luật Dodd-Frank 2010 lên các ngân hàng vừa và nhỏ. Nguồn: Internet
Ngày 22/5, Hạ viện Mỹ thông qua quyết định giảm áp lực của Đạo luật Dodd-Frank 2010 lên các ngân hàng vừa và nhỏ. Nguồn: Internet

Được phê duyệt với 258 phiếu thuận, 159 phiếu chống, dự luật mới nâng mức quy mô ngân hàng được coi là "rủi ro có hệ thống" từ 50 tỷ USD lên 250 tỷ USD. Ngoài ra, các quy tắc giao dịch, cho vay và vốn của các ngân hàng với tài sản ít hơn 10 tỷ USD cũng được nới lỏng.

Tuy nhiên, dự luật không ảnh hưởng đến cơ quan giám sát Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB), ra đời dựa trên Dodd-Frank. Tổ chức này liên tục bị đảng Cộng hòa cáo buộc vượt quyền hạn. Lệnh cấm ngân hàng tham gia vào các thương vụ rủi ro cũng không được bãi bỏ.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Heidi Heitkamp, người ủng hộ chính của dự luật, cho biết quốc hội chỉ muốn khắc phục các "lỗi" chứ không làm suy yếu Dodd-Frank.

Quan chức Nhà Trắng ca ngợi dự luật như một “cột mốc quan trọng” trong sứ mệnh “hồi sinh kinh tế Mỹ” bằng cách bỏ bớt các rào cản đối với kinh doanh. Ông Trump dự kiến ký văn bản thành luật trong tuần.

Dự luật được Thượng viện phê chuẩn vào tháng 3, đánh dấu nỗ lực đầu tiên để nới lỏng giám sát nghiêm ngặt nhất đưa ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Đảng Cộng hòa chỉ trích Dodd-Frank đã "đi quá xa" khi hạn chế khả năng cho vay của ngân hàng và làm tổn thương tăng trưởng kinh tế trong khi đảng Dân chủ khẳng định đạo luật là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng và người nộp thuế.