Mỹ - Trung đàm phán thương mại lần thứ 13: Rồi tất cả ngã về không?

Theo Cẩm Anh/enternews.vn

Mỹ và Trung Quốc đã đồng thuận tiến hành vòng đàm phán thương mại và kinh tế cấp cao lần thứ 13 vào đầu tháng 10 tới tại Washington.

Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí tiến hành đàm phán thương mại lần thứ 13.
Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí tiến hành đàm phán thương mại lần thứ 13.

Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra thông báo trên sau cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Dự kiến, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), Dịch Cương cũng tham gia cuộc điện đàm này.

Trong cuộc điện đàm, hai bên đã nhất trí cùng triển khai những hành động cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các cuộc tham vấn song phương. Trước vòng đàm phán vào tháng 10 tới, phái đoàn thương mại hai nước sẽ tiến hành các cuộc tham vấn vào giữa tháng này.

"Hai bên đồng ý nên làm việc cùng nhau và có những hành động thiết thực để tạo những điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán", tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ. 

Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cũng nói với các phóng viên rằng, Bắc Kinh hy vọng Washington có thể hủy bỏ việc tăng thuế theo kế hoạch để tránh sự leo thang trong cuộc chiến thương mại.

"Điều quan trọng nhất vào lúc này là tạo điều kiện cần thiết cho cả hai bên để tiếp tục đàm phán", ông nói trong cuộc họp ngắn hàng tuần. Trung Quốc có các biện pháp đối phó "phong phú" để trả đũa thuế quan, nhưng các cuộc đàm phán trong hoàn cảnh hiện tại nên tập trung vào việc liệu thuế quan có thể bị hủy bỏ hay không. 

Mặc dù vậy, trên Twitter cá nhân, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ đang làm rất tốt trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh các đòn thuế quan của ông đang khiến nền kinh tế Trung Quốc gồng mình chịu trận.

Tổng thống Mỹ cảnh báo Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với các điều khoản thương mại cứng rắn hơn trong nhiệm kỳ hai của ông nếu cố tình dây dưa kéo dài các cuộc đàm phán.

"Muốn chốt thỏa thuận với tôi sẽ càng khó hơn (sau tháng 11/2020). Chuỗi cung ứng của Trung Quốc sẽ sụp đổ và các doanh nghiệp, công việc, tiền bạc của họ sẽ biến mất. Do đó, tôi nghĩ rằng họ muốn thực hiện một thỏa thuận. Và chúng tôi sẽ xem điều gì sẽ xảy ra", ông Trump cho biết.

Theo giới quan sát, nhiều khả năng Trung Quốc đang muốn giảm bớt tác động của cuộc chiến thuế quan. Mặc dù chính phủ Trung Quốc có nhiều biện pháp để hạn chế những tác động tiêu cực của thương chiến, nhưng các nhà sản xuất sẽ nhanh chóng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc gây sức ép để Chính phủ phải ngồi lại vào bàn đàm phán với Mỹ.

Hiện nay, chưa có thị trường nào thay thế được Mỹ trong việc tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc. Nếu hàng hóa Trung Quốc tăng giá thì người tiêu dùng Mỹ sẽ giảm bớt tiêu dùng, gây ra hiện tượng tồn đọng, dẫn đến việc hàng loạt nhà sản xuất Trung Quốc bắt buộc phải trì hoãn hoặc đóng băng hoạt động. Nếu điều này xảy ra, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chịu tổn thất nặng nề.

Do đó, một số nhà phân tích nhận định, cuộc gặp sắp tới sẽ không có nhiều thay đổi và có thể không đủ xoa dịu Washington. Trừ phi Bắc Kinh thật sự đồng thuận với những điều khoản của Mỹ, trước mắt là đẩy mạnh mua hàng hóa trở lại.