Mỹ - Trung Quốc tiến gần tới thỏa thuận?

Theo Ngọc Khánh/daibieunhandan.vn

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc gần đây có nhiều tiến triển, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được kỳ vọng sẽ sớm ký kết thỏa thuận thương mại nhằm kết thúc cuộc chiến thuế quan giữa hai bên. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, cuộc chiến thương mại giữa hai bên sẽ chưa kết thúc...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tín hiệu khả quan

Đầu tháng 3, truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc bước vào “giai đoạn cuối”, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên kế hoạch gặp nhau tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida cuối tháng này.

Trước đó, một số quan chức Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Ngoại trưởng Mike Pompeo cho hay, Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần tới thỏa thuận. Theo Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow: “Tiến triển giữa hai bên rất tuyệt vời”.

Trên thực tế, đã xuất hiện những tín hiệu “xuống thang” trong cuộc chiến áp thuế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cụ thể, ngày 1/3, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ thông báo, hoãn kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, như một động thái nhằm thúc đẩy đàm phán thương mại song phương.

Theo đó, mức thuế áp lên 200 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ vẫn giữ ở mức 10% hiện nay, thay vì tăng lên 25% như kế hoạch. Mỹ còn cho biết, hai bên đã đạt được thỏa thuận về các vấn đề tiền tệ tuy nhiên chưa có chi tiết nào được công bố. Về phần mình, Trung Quốc cam kết sẽ mua hơn 11 triệu tấn đậu tương của Mỹ và tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ lên 1.200 tỷ USD trong vòng 6 năm tới.

Bên cạnh đó, Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc dự kiến sẽ thông qua dự luật Đầu tư nước ngoài (sửa đổi), nhằm đáp ứng các yêu cầu của Mỹ liên quan đến thương mại. Người phát ngôn của Quốc hội Trung Quốc Trương Nghiệp Toại cho biết, dự thảo Luật Đầu tư nước ngoài (sửa đổi) sẽ mang lại những thay đổi căn bản, nhằm đáp ứng những vấn đề liên quan tới lợi ích lớn của các nhà đầu tư, chẳng hạn như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hay chuyển giao công nghệ. Các nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào môi trường đầu tư minh bạch, có khả năng dự đoán và được hưởng “sự đối xử” công bằng như những doanh nghiệp Trung Quốc.

Sức ép lớn

Các nhà phân tích cho rằng, sức ép kỳ vọng sẽ dồn lên cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc dự kiến diễn ra cuối tháng 3 tại Mar-a-Lago. Mặc dù hai bên đã thu hẹp bất đồng về những vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường và giảm thâm hụt thương mại song phương, nhưng những bất đồng lớn liên quan tới đề xuất của Mỹ yêu cầu Trung Quốc thay đổi trong các lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước, trợ cấp, chuyển giao công nghệ bắt buộc và tội phạm mạng... vẫn tồn tại.

Các chuyên gia cho biết, Trung Quốc khó có khả năng đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu từ phía Mỹ và chỉ có thể đáp ứng các mục tiêu dễ dàng hơn như tăng mua hàng hóa từ Mỹ, mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty Mỹ cũng như một số biện pháp giám sát các vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, cưỡng ép chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc... Trung Quốc cũng yêu cầu Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng cụ thể. Nếu điều này không được thực hiện, sẽ rất khó để các lãnh đạo Trung Quốc chấp nhận một thoả thuận thương mại với Mỹ.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo, có thể rời khỏi bàn đàm phán với Chủ tịch Trung Quốc khi thỏa thuận hạt nhân chưa thể đi đến đồng thuận. Điều này khiến dư luận hoài nghi về triển vọng ký kết một thỏa thuận thương mại tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Florida cuối tháng này. Hơn nữa, nội bộ chính quyền Tổng thống Donald Trump đang bất đồng về việc đây có phải thời điểm thích hợp để ký thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh?

Một số cố vấn kinh tế cho rằng, thuế quan chỉ nên được gỡ bỏ hoàn toàn một khi Bắc Kinh tuân thủ tất cả các cam kết của mình và để làm được điều đó có thể sẽ phải mất vài tháng hoặc nhiều năm. Thậm chí, ngay cả khi hầu hết các mức thuế quan được gỡ bỏ, Mỹ vẫn có thể đảo ngược quyết định như một phần của cơ chế thực thi, nhằm trừng phạt Trung Quốc nếu nước này vi phạm các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận thương mại nào, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cảnh báo.

Giới quan sát dự đoán, trong vài tuần tới, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ thống nhất những vấn đề tồn tại liên quan đến cơ chế thực thi và các bộ chỉ số giám sát. Ít nhất, việc đạt được những kết quả này sẽ giúp giảm nguy cơ các bên tiếp tục áp đặt thêm thuế nhập khẩu trong vòng 18 tháng tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, điều này sẽ chỉ là tạm thời. Nếu Bắc Kinh không thể thực hiện được những cam kết về cải cách trước thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, Washington sẽ tiếp tục các biện pháp đáp trả thương mại.