Năm 2020: Sự khởi đầu của Kỷ nguyên châu Á?

Theo An Thu/Financial Times/baoquocte.vn

Các chuyên gia kinh tế nhận định, thế giới sắp bước vào Kỷ nguyên châu Á không chỉ nhờ lực đẩy từ 2 nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Ấn Độ mà còn từ sự tăng trưởng khá đồng đều từ nhiều quốc gia có quy mô kinh tế nhỏ và vừa tại châu lục này.

Vào năm 2020, các nền kinh tế châu Á sẽ lớn hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại. Nguồn: Financial Times
Vào năm 2020, các nền kinh tế châu Á sẽ lớn hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại. Nguồn: Financial Times

Sự trỗi dậy của châu Á

Các nhà kinh tế, khoa học chính trị và các chuyên gia thị trường mới nổi từng bàn luận rất nhiều về sự trỗi dậy của Kỷ nguyên châu Á, đánh dấu cột mốc quan trọng khi châu lục này chuyển mình trở thành trung tâm mới của kinh tế thế giới.

Kỷ nguyên châu Á đang gần hơn bao giờ hết. Châu Á hiện chiếm hơn một nửa dân số thế giới. Trong số 30 thành phố lớn nhất thế giới, có tới 21 thành phố ở châu Á, theo thống kê của Liên hợp quốc. Dự kiến, đến năm 2020, 50% tầng lớp trung lưu của thế giới sẽ sinh sống tại châu Á. Kể từ năm 2007, người châu Á đã mua nhiều ô tô và xe tải hơn bất cứ người dân tại châu lục nào và đến khoảng năm 2030, người dân châu Á sẽ mua nhiều xe bằng phần còn lại của thế giới cộng lại, theo LMC Automotive.

Các nhà lãnh đạo trong khu vực này đang bắt đầu nói nhiều hơn, bàn luận cởi mở hơn về sự “thay da đổi thịt” của châu Á, về Kỷ nguyên châu Á. “Châu Á đang trở thành trung tâm của hoạt động kinh tế toàn cầu. Châu lục này đã trở thành động cơ tăng trưởng chính của thế giới. Thực vậy, chúng ta đang sống trong thời đại mà nhiều người vẫn gọi là Thế kỷ của châu Á”, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi phát biểu tại Hội nghị thường niên mới đây của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Vậy bao giờ thì kỷ nguyên này thực sự bắt đầu?

Tờ Financial Times dẫn số liệu của cơ quan thương mại và phát triển Liên hợp quốc cho thấy, vào năm 2020, các nền kinh tế châu Á sẽ lớn hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại - lần đầu tiên kể từ thế kỷ 19. Kỷ nguyên châu Á sẽ thực sự bắt đầu vào năm tới.

Để đưa ra những tính toán này,Financial Times đã nghiên cứu số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dựa trên GDP sau khi điều chỉnh sự khác biệt về giá tại nhiều quốc gia khác nhau. Phương pháp này thường dùng để đánh giá các nền kinh tế dựa trên sức mua tương đương (PPP).

Thậm chí nếu xét trên cơ sở của thị trường hối đoái, châu Á vẫn chiếm khoảng 38% sản lượng toàn cầu, tăng 26% so với thập niên đầu của thế kỷ 21.

Trung Quốc, Ấn Độ dẫn dắt

Điều gì đã tạo nên “vầng hào quang” của kinh tế châu Á? Sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ có thể là lời giải thích hợp lý cho điều này. Trung Quốc thậm chí còn là nền kinh tế lớn hơn so với Mỹ, nếu xét theo sức mua tương đương. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang chiếm tới 19% sản lượng thế giới vào năm 2019, hơn gấp đôi con số 7% được ghi nhận vào năm 2000. Ấn Độ đang là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với GDP gấp đôi quy mô của Đức hoặc Nhật (dù cả 2 nền kinh tế này đều lớn hơn nền kinh tế Ấn Độ theo sức mua tương đương vào năm 2000).

Các chuyên gia kinh tế nhận định, thế giới sắp bước vào Kỷ nguyên châu Á không chỉ nhờ lực đẩy từ 2 nền kinh tế lớn là Trung Quốc và Ấn Độ mà còn từ sự tăng trưởng khá đồng đều từ nhiều quốc gia có quy mô kinh tế nhỏ và vừa tại châu lục này. Indonesia đang trên đường trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới theo sức mua tương đương vào năm 2020 và sẽ vượt qua Nga vào năm 2030 để trở thành nền kinh tế thứ 6 thế giới.

Việt Nam, một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, đã bỏ xa 17 quốc gia trong bảng xếp hạng các nền kinh tế theo sức mua tương đương kể từ năm 2000. Philippines hiện là nền kinh tế lớn hơn cả Hà Lan trong khi Bangladesh đã vượt qua 13 nền kinh tế khác trong vòng 20 năm qua.

nam 2020 su khoi dau cua ky nguyen chau a
Trong số 30 thành phố lớn nhất thế giới, có tới 21 thành phố ở châu Á, theo thống kê của Liên hợp quốc. Nguồn: Global Times

Sự trỗi dậy gần đây của châu Á, bắt đầu từ sự vươn lên thần kỳ của nền kinh tế Nhật Bản thời hậu chiến, trên thực tế là sự trở về với bánh xe lịch sử. Châu Á vẫn là châu lục chiếm lĩnh nền kinh tế toàn cầu cho đến thế kỷ 19. “Khoảng cuối thế kỷ 17, châu Âu vẫn luôn nhìn sang châu Á với sự ngưỡng mộ và ghen tị khi châu Á chiếm đến hơn 2/3 GDP và 3/4 dân số”, ông Andrea Colli, Giáo sư lịch sử kinh tế tại Đại học Bocconi (Italy) cho biết.

Tuy nhiên, suốt 3 thế kỷ sau đó, vị thế của châu Á đã sụt giảm khi các nền kinh tế phương Tây vươn mình nhờ vào cuộc Cách mạng Khoa học, Thời kỳ Khai sáng và Cách mạng Công nghiệp.

“Điều mà lịch sử thế giới từng chứng kiến là sự đổi ngôi ngoạn mục. Giai đoạn 1500-1700, châu Âu thay đổi mạnh mẽ, phần còn lại của thế giới thì không”, Joel Mokyr, Giáo sư tại Đại học Northwestern (Anh) nhận định.

Đến thập niên 1950, châu Á chiếm chưa tới 20% sản sản lượng thế giới, dù chiếm hơn 50% dân số thế giới. “Đến thế kỷ 19, châu Á đã đi từ chỗ là trung tâm sản xuất của thế giới trở thành các nền kinh tế phát triển thấp chuyên xuất khẩu các hàng nông sản giá trị thấp”, ông Bob Allen, Giáo sư lịch sử kinh tế tại NYU, Abu Dhabi cho hay.

Theo Báo cáo triển vọng khu vực mới nhất của IMF, sự “lột xác” của châu Á đến từ quá trình hội nhập với nền kinh toàn cầu thông qua giao thương và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉ lệ tiết kiệm cao, đầu tư mạnh vào nguồn lực vật chất và con người cùng các chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn.

Trong 50 năm qua, hàng triệu người châu Á đã thoát khỏi cảnh đói nghèo và nhiều nền kinh tế châu Á đã tiến lên vị thế các nền kinh tế thu nhập trung bình và nền kinh tế tiên tiến, theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (World Bank).