Nền kinh tế Italy - mối lo ngại mới cho EU

Theo Minh Đức/thoibaonganhang.vn

Trong khi Brexit vẫn đang thu hút sự chú ý của thế giới thì lại có một vấn đề mới đang nổi lên có thể đe dọa đến sự ổn định tài chính của khu vực. Đó là tình trạng kinh tế đang ngày một diễn biến xấu đi tại Italy.

Kinh tế Italia chưa thể hồi phục sau khủng hoảng 2008. Nguồn: internet
Kinh tế Italia chưa thể hồi phục sau khủng hoảng 2008. Nguồn: internet

Từ lâu kinh tế Italy đã gặp những vấn đề nghiêm trọng về năng lực cạnh tranh, điều khiến cho tăng trưởng GDP chậm và thậm chí chưa thể hồi phục sau khủng hoảng 2008. Kể từ đầu năm 2018 trở lại đây, tăng trưởng kinh tế luôn ghi nhận tình trạng sụt giảm qua các quý, trong đó quý III đạt mức tăng 0,8% so với cùng kỳ - mức tăng thấp nhất được ghi nhận trong vòng 3 năm qua.

Bên cạnh đó, thị trường lao động cũng không có nhiều cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp luôn duy trì ở mức lớn hơn 10%, thậm chí con số này ở nhóm những người trẻ lên tới 40%. Ngoài ra, tại quốc gia này cũng có ít hơn 30% dân số trong độ tuổi 24-35 đạt trình độ đại học, đây là con số thấp nhất trong nhóm các quốc gia OECD.

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất mà quốc gia này đang phải đối mặt đó là tình trạng nợ công gia tăng nhanh chóng. Nợ công của Italy hiện đang ở mức nguy hiểm khi đạt mức 132% tổng sản phẩm quốc nội, khiến Italy là nước có tỷ lệ nợ lớn thứ hai trong khu vực EU sau Hy Lạp.

Xét về con số tuyệt đối, nợ công của Italy hiện ở mức 2,5 nghìn tỷ euro tương đương với tổng nợ công của cả Pháp và Đức, cao hơn cả tổng nợ của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Ireland – 4 nước từng phải nhận giải cứu. Do đó, nếu một cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra tại quốc gia này sẽ đe dọa mạnh mẽ đến sự ổn định tài chính của khu vực.

Nợ công lớn không phải là một vấn đề mới với Italy. Từ những năm 1990 quốc gia này đã phải đối mặt với tình trạng nợ công khi vào năm 1999, tỷ lệ nợ/GDP là 126%. Nhưng trong thời điểm đó, chính phủ Italy vẫn giữ được thâm hụt ngân sách không quá cao với mức tăng trưởng kinh tế chậm nhưng ổn định. Điều đó đã khiến cho việc trả nợ không quá khó khăn.

Tuy nhiên, tình hình nợ công hiện tại của quốc gia này đã không còn đơn giản như vậy. Từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế không tăng trưởng khiến lòng tin của các nhà đầu tư giảm đi, và việc vay tiền sẽ tốn kém hơn. Ngoài ra, trong bối cảnh triển vọng thương mại toàn cầu suy yếu, tăng trưởng GDP của Italy có thể tiếp tục sụt giảm và rớt vào suy thoái. Trong trường hợp đó, tình trạng nợ công tại quốc gia này sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Tình hình càng tồi tệ hơn sau cuộc tổng tuyển cử diễn ra tại Italy vào tháng 5 khi liên minh chính phủ dân túy đắc cử và họ đề xuất kế hoạch ngân sách với mức thâm hụt lớn nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trở lại. Việc thực hiện kế hoạch này được đánh giá là sẽ khiến Italy gặp khó khăn hơn trong việc giải quyết vấn đề nợ công khi sẽ đẩy thâm hụt ngân sách gia tăng lên mức 2,4% GDP.

Mức thâm hụt ngân sách 2,4% này sẽ là mức thâm hụt cao gấp 3 lần so với những gì chính phủ trước của Italy cam kết với EU, khi nước này phải giải quyết hậu quả từ cuộc khủng hoảng nợ năm 2012.

Trước những diễn biến tiêu cực đó, các hãng xếp hạng tín nhiệm cũng đã phát đi những tín hiệu cảnh báo. Mới đây nhất, cuối tháng 10 vừa qua, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P đã hạ mức triển vọng nợ chính phủ của Italy, cảnh báo chính sách tài khóa mới của Rome sẽ đe dọa năng lực của các ngân hàng cấp vốn cho hoạt động kinh tế Italy.

S&P cho rằng triển vọng tiêu cực phản ánh nguy cơ quyết định tăng nợ công trong tương lai của chính phủ nước này sẽ không chỉ làm cho tình hình ngân sách quốc gia thêm ảm đạm, mà còn dập tắt những triển vọng hồi phục ngành sản xuất tư nhân vốn đã mong manh tại quốc gia này. Việc S&P quyết định hạ triển vọng nợ chính phủ của Italy đồng nghĩa với khả năng mức xếp hạng nợ công của quốc gia này sẽ bị S&P đánh tụt trong vài tháng tới.

Trước đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cũng đã giảm mức xếp hạng tín dụng của quốc gia này từ mức “Baa2” xuống “Baa3”, mức cuối cùng trong danh mục “có thể đầu tư” của Moody.

Trong bối cảnh đó, giới đầu tư lại đang kỳ vọng vào những biện pháp cứu trợ từ phía EU để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Italy như đã thực hiện với Hy Lạp. Trên thực tế, vào năm 2012, khi một loạt các quốc gia châu Âu trong đó có Italy rơi vào tình trạng bùng nổ nợ công, ECB đã triển khai một chương trình cứu trợ trong đó ECB đã tiến hành mua trái phiếu của một nước thành viên không hạn chế.

Với việc thực hiện biện pháp này, ECB đã đang nắm giữ đến 1/4 lượng trái phiếu chính phủ của Italy. Do đó, không có nhiều khả năng EU sẽ tiếp tục đứng ra hỗ trợ cho các khoản vay mới tại Italy khi bản thân khu vực EU cũng đang nằm trong rủi ro vỡ nợ lớn khi nền kinh tế Italy đang không đảm bảo được khả năng chi trả cho các khoản nợ cũ.