Nền kinh tế Mỹ đã quay trở lại?

Theo Nguyễn Chuẩn/enternews.vn

Nền kinh tế Mỹ dường như đã quay trở lại, cuộc suy thoái COVID-19 có thể đã kết thúc, nước Mỹ trở lại… đó là sự hào hứng của các chuyên gia sau báo cáo việc làm tháng 6 của nước này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Số liệu kinh tế hàng tháng quan trọng nhất thế giới được công bố vào ngày 2/7. Theo đó, báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ cho thấy biên chế phi nông nghiệp đã tăng 4,8 triệu việc làm trong tháng 6. Đó là mức tăng kỷ lục kể từ khi chính phủ nước này bắt đầu lưu giữ hồ sơ vào năm 1939.

Người dân Mỹ xếp hàng bên ngoài Trung tâm Hướng nghiệp Kentucky trước khi khai trương để tìm kiếm sự hỗ trợ việc làm tại Frankfort, Kentucky, US ngày 18 tháng 6 năm 2020. Ảnh Reuters
Người dân Mỹ xếp hàng bên ngoài Trung tâm Hướng nghiệp Kentucky trước khi khai trương để tìm kiếm sự hỗ trợ việc làm tại Frankfort, Kentucky, US ngày 18 tháng 6 năm 2020. Ảnh Reuters

Với việc tiếp tục nới lỏng các phong tỏa trong tháng 5 và tháng 6 có thể đã giúp nhiều người Mỹ được tuyển dụng lại. Ngoài ra, theo báo cáo, mức chi tiêu của người tiêu dùng nước này cũng cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động. Tuy rằng, việc mở lại các doanh nghiệp đã tạo ra một làn sóng nhiễm COVID-19 ở nhiều nơi trên cả nước, bao gồm California, Florida và Texas ...

Có thể trong tháng trước, các nhà dự báo đã quá bi quan trước báo cáo việc làm tháng 5. Họ đã dự đoán có tới 8 triệu việc làm sẽ bị mất trong tháng 5, trong khi trên thực tế có thêm 2,5 triệu việc làm mới khi các công ty bắt đầu mở cửa trở lại và tuyển dụng nhân viên. Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra là liệu tình trạng khởi sắc từ thị trường việc làm này có tiếp tục trong tháng 7 trở đi hay không?

Tỷ lệ thất nghiệp nước Mỹ đã giảm xuống còn 11,1% từ mức 13,3% trong tháng Năm. Việc làm đang gia tăng khi các doanh nghiệp không thiết yếu như nhà hàng, quán bar, phòng tập thể dục và văn phòng nha khoa mở cửa trở lại. Ngoài ra, các nhà kinh tế cũng cho rằng, chương trình bảo vệ tiền lương của chính phủ Mỹ, nơi cung cấp cho các doanh nghiệp các khoản vay hỗ trợ có thể đã phát huy tác dụng.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell kỳ vọng nền kinh tế Mỹ đã bước vào một giai đoạn mới quan trọng và đã “vượt hơn dự kiến”. Tuy vậy, Powell cũng cảnh báo rằng triển vọng là “cực kỳ không chắc chắn” và sẽ phụ thuộc vào thành công trong việc khống chế COVID-19 và sản xuất vaccine ở Mỹ.

Ngược lại với sự thận trọng từ Powell, Tổng thống Mỹ Donald Trump hào hứng cho biết: “từ báo cáo việc làm chứng minh rằng nền kinh tế của chúng ta đang “ầm ầm” quay trở lại, đây là những con số lịch sử”.

Tỷ lệ thất nghiệp nước Mỹ đã giảm xuống còn 11,1% từ mức 13,3% trong tháng Năm.
Tỷ lệ thất nghiệp nước Mỹ đã giảm xuống còn 11,1% từ mức 13,3% trong tháng Năm.

Tuy vậy, các chuyên gia phân tích thận trọng cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp hiện tại của nước Mỹ đang là rất cao. Số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng mạnh ở nhiều nơi trên nước Mỹ và có thể sẽ gây ra các biện pháp phong tỏa mới. Và điều đó sẽ khiến cho sự phục hồi kinh tế của Mỹ “rất mong manh”.

Mike Bell, chiến lược gia thị trường toàn cầu của JP Morgan chia sẻ, sự phục hồi mạnh mẽ trong thị trường việc làm của Hoa Kỳ cho thấy nền kinh tế Mỹ đang bắt đầu mở cửa trở lại và thông thường điều này sẽ là một dấu hiệu tích cực cho sự phục hồi kinh tế đang diễn ra. Tuy nhiên, sự phục hồi việc làm lại đang đi kèm với sự gia tăng mạnh các ca nhiễm mới ở Mỹ, điều đó cho thấy vẫn còn quá sớm để “cười” đối với các nhà đầu tư.

Trong một diễn biến liên quan khác, EU cũng công bố số liệu việc làm trong ngày 2/7. Eurostat, cơ quan Thống kê châu Âu trụ sở tại Luxembourg đã công bố số liệu thất nghiệp mới nhất của khối trong tháng 5. Điều này sẽ phản ánh tình trạng việc làm của Liên minh châu Âu trong thời điểm COVID-19 bùng nổ và lan rộng trên toàn khối.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp tại EU không “thảm khốc” như nhiều dự báo. Hầu hết các nước châu Âu đang thực hiện các chương trình “làm việc thời gian ngắn”, trong đó nhà nước trả phần lớn lương của những người tạm thời thất nghiệp với nỗ lực giúp họ giữ lại việc làm. Mặc dù vậy, không ít chuyên gia cho rằng, vẫn còn tình trạng mập mờ về tiêu chí đánh giá thất nghiệp ở châu Âu.

Thất nghiệp ở khu vực đồng euro tăng lên 7,3% trong tháng 4 (và 6,6% trong toàn bộ EU) so với 7,1% và 6,4% tương ứng của tháng 3, thời điểm bắt đầu phong tỏa. Tuy nhiên, tỷ lệ mất việc làm không đồng đều ở các nước châu Âu.

Tây Ban Nha, có tỷ lệ thất nghiệp lên đến 14,8%, trong khi Đức lại ổn định ở mức 3,5% trong tháng 5. Dữ liệu trên cũng cho thấy, các nước châu Âu đang tìm mọi cách để chiến đấu với cuộc khủng khoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ những năm 1930. Ủy ban châu Âu cũng đưa ra dự đoán rằng GDP ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro có thể sẽ sụt giảm ở mức kỷ lục 7,75% trong năm nay.