Nếu không điều chỉnh lãi suất trong tuần này, Fed sẽ có hành động gì?

Theo M. Hồng/thoibaonganhang.vn

Sau khi tung ra các chương trình hành động tích cực nhất trong lịch sử tổ chức mình để hỗ trợ thị trường và nền kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed có thể sẽ tạm dừng đưa ra sáng kiến bổ sung cho đến khi có thêm thông tin về kết quả chính sách.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các quan chức ngân hàng trung ương không có các thông tin định hướng mới khi họ gặp nhau trong cuộc họp tổ chức vào tuần này.

Suốt nhiều tháng kể từ khi đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến Mỹ và thế giới, Fed đã giảm lãi suất cơ bản xuống gần bằng 0 và tung ra nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau để đưa tiền đến các hộ gia đình và doanh nghiệp có nhu cầu.

Phố Wall kỳ vọng Fed sẽ không điều chỉnh lãi suất trong ngắn hạn, tiếp tục tiến hành các chương trình cấp thanh khoản và cho vay cho đến khi nền kinh tế Mỹ "đứng vững trên đổi chân của mình" và thị trường tài chính vận hành trơn tru.

Nhưng bên cạnh đó, ngân hàng trung ương vẫn còn nhiều giải pháp có thể triển khai và một số động thái sẽ được tiết lộ khi Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) kết thúc cuộc họp vào thứ Tư tuần này.

Phân tích chương trình nghị sự, theo các nhà kinh tế và chiến lược gia, Fed có thể hướng dẫn rõ ràng hơn về việc lãi suất cơ bản sẽ ở mức thấp trong bao lâu, một số sửa đổi đối với các mức lãi suất điều hành khác, và kế hoạch mua tài sản nhắm tác động giảm lãi suất dài hạn.

Cuộc họp tuần này "diễn ra sau giai đoạn hoạch định chính sách sôi nổi và tập trung nhất trong lịch sử của Fed", Lewis Alexander, nhà kinh tế trưởng tại Mỹ của Nomura, cho biết trong một bản tin. "Với nhiều việc Fed đã làm cho đến nay, chúng tôi giờ đây không trông đợi những đổi mới lớn trong chính sách của ngân hàng trung ương... Liên quan đến lộ trình của lãi suất ngắn hạn, chúng tôi hy vọng FOMC sẽ tuyên bố giữ lãi suất mục tiêu ở mức hiện tại trong tương lai gần.

Tuy nhiên, Alexander cũng mong đợi sẽ có một số điều chỉnh.

Ông cho rằng ủy ban sẽ khẳng định việc họ đang giảm mua tài sản so với cuối tháng ba và đầu tháng tư.

Fed đã mở rộng một chương trình như mua trái phiếu kho bạc và chứng khoán thế chấp không giới hạn, nâng bảng cân đối kế toán lên 6,6 nghìn tỷ đô la, tăng 54% chỉ trong bảy tuần. Tuy nhiên, Fed đã giảm tốc độ mua trong vài tuần qua, khi chức năng thị trường được cải thiện.

Fed sẽ không thay đổi lãi suất mục tiêu hiện tại từ 0% đến 0,25%. Nhưng ngân hàng trung ương vẫn có thể điều chỉnh lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc cho số tiền vượt quy định, hiện ở mức 0,1%, mà các ngân hàng lưu trữ tại Fed.

Đó sẽ là một sự điều chỉnh kỹ thuật nhằm nâng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc lên. Lý tưởng nhất, Fed có lẽ nên giữ lãi suất này quanh mức trung bình của phạm vi lãi suất mục tiêu.

FOMC cũng có thể khẳng định cái mà họ gọi là "hướng dẫn chuyển tiếp", hoặc cam kết không tăng lãi suất cho đến khi các số liệu gần với mục tiêu xác định, đặc biệt là liên quan đến các yếu tố như việc làm và lạm phát. Mặc dù vậy, những người theo dõi Fed hy vọng rằng những hành động cụ thể hơn sẽ được tuyên bố sau cuộc họp của FOMC.

"Chúng tôi hy vọng tuyên bố mới của Fed sẽ có một số điều chỉnh so với trước, có thể là: lãi suất sẽ thấp cho đến khi sự phục hồi kinh tế diễn ra thuận lợi và ủy ban tin tưởng rằng nhiệm vụ kép của chính sách tiền tệ sẽ đạt được", Andrew Hollenhorst, nhà kinh tế đến từ Citigroup viết trong một bản tin.

"Vào một lúc nào đó, có lẽ vào cuối mùa hè, chúng tôi hy vọng Fed sẽ cam kết rõ ràng hơn về việc sẽ giữ lãi suất ở mức thấp cho đến khi lạm phát đạt hoặc vượt mục tiêu 2% và ổn định trong một thời gian... Tuy nhiên, với lãi suất đã thấp và sự không chắc chắn về kết quả chính sách có được nhìn thấy trong những tháng tới, chúng tôi cho rằng có ít lý do để Fed công bố như vậy tại cuộc họp tháng Tư", theo Andrew Hollenhorst.

Ngoài ra, còn có khả năng Fed có thể công bố hoặc thảo luận về việc mua thêm trái phiếu để nắn đường cong lợi suất nhằm nỗ lực giảm lãi suất dài hạn. Được biết đến như là chường trình "kiểm soát đường cong lợi suất", hành động chính sách này đã được thảo luận ngay cả trước khi Covid-19 tấn công nền kinh tế Mỹ.

Về tổng thể, Phố Wall mong đợi Fed có thể khẳng định thiệt hại kinh tế từ đại dịch và ngân hàng trung ương sẽ quyết tâm duy trì chính sách phù hợp với thực tế đó.

"Tuyên bố của Uỷ ban sẽ phải đề cập đến sự suy thoái nghiêm trọng hơn của nền kinh tế kể từ cuộc họp cuối cùng vào tháng Ba", các chuyên gia kinh tế từ Goldman Sachs nói. "Chúng tôi hy vọng tuyên bố sẽ lưu ý rằng hoạt động kinh tế đã co rút mạnh mẽ, thất nghiệp tăng cao nhất trong lịch sử và thừa nhận rằng chi tiêu hộ gia đình và đầu tư kinh doanh đã giảm mạnh".