Ngành công nghiệp xe hơi khốn đốn khi kỷ nguyên xe điện lên ngôi

Theo Khả Hân/doanhnhansaigon.vn

Các nhà sản xuất ô tô có kế hoạch cắt giảm 80.000 việc làm trên khắp thế giới trong những năm tới, khi kỷ nguyên của xe điện phát triển mạnh mẽ trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Dù vậy, việc cắt giảm chỉ tập trung ở các quốc gia như Đức, Mỹ và Anh.

Năm 2019 trở thành một trong những năm tồi tệ nhất với giới công nhân tại các nhà máy sản xuất ô tô trên toàn thế giới. Nguồn: internet
Năm 2019 trở thành một trong những năm tồi tệ nhất với giới công nhân tại các nhà máy sản xuất ô tô trên toàn thế giới. Nguồn: internet

Mạnh tay cắt giảm việc làm

Năm 2019 trở thành một trong những năm tồi tệ nhất với giới công nhân tại các nhà máy sản xuất ô tô trên toàn thế giới. Trong bối cảnh nhu cầu bị thu hẹp và sự chuyển đổi nhanh chóng trong công nghệ sản xuất xe, hãng sản xuất Daimler và Audi đã tuyên bố cắt giảm gần 20.000 việc làm chỉ trong tuần gần đây.

Các nhà sản xuất ô tô đang có kế hoạch cắt giảm hơn 80.000 việc làm trong những năm tới, theo dữ liệu tổng hợp gần đây của hãng tin Bloomberg. Mặc dù việc cắt giảm tập trung ở Đức, Mỹ và Anh, những quốc gia có ngành công nghiệp sản xuất ô tô lâu đời, ngược lại các nền kinh tế đang phát triển nhanh hơn đã tránh được xu hướng này và đang chứng kiến các nhà sản xuất ô tô tại đây tăng quy mô lớn hơn.

Các hãng sản xuất đã cắt giảm nhân công gồm có General Motors (GM), Ford Motor và Nissan Motor. Ngành công nghiệp truyền thống này đang phải hứng chịu hậu quả từ tình trạng căng thẳng thương mại và thuế quan làm tăng chi phí và vốn đầu tư bị cắt giảm, dẫn đến các nhà sản xuất buộc phải đánh giá lại lực lượng lao động của họ trong kỷ nguyên điện khí hóa, xe tự lái và dịch vụ đi xe theo yêu cầu ngày càng phổ biến. Theo hãng nghiên cứu IHS Markit, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu sẽ sản xuất 88,8 triệu xe hơi và xe tải nhẹ trong năm nay, giảm gần 6% so với năm trước.

Sự cắt giảm cũng đang diễn ra tại Trung Quốc, nơi sử dụng số lượng nhân công lớn nhất trong ngành này nhưng đang bị sa lầy trong sự sụt giảm doanh số. NIO - công ty khởi nghiệp với mảng sản xuất xe điện, đã mất hàng tỷ USD và chứng kiến cổ phiếu niêm yết tại thị trường New York giảm mạnh, vừa qua cũng đã sa thải khoảng 20% lực lượng lao động vào cuối tháng 9, khi loại bỏ hơn 2.000 việc làm.

Hayian Davis - chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence bình luận: “Sự trì trệ kéo dài trên thị trường toàn cầu sẽ tiếp tục làm giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô, vốn đã bị tổn thương do tăng chi phí nghiên cứu và phát triển cho công nghệ xe tự lái. Hiện nay, nhiều nhà sản xuất ô tô đang tập trung vào các kế hoạch tiết kiệm chi phí để ngăn chặn xói mòn biên lợi nhuận”.

Đi đầu trong công nghệ điện khí hóa áp dụng cho ngành sản xuất ô tô, Nissan cũng không tránh khỏi xu hướng trên, nhất là khi hãng này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi cựu chủ tịch Carlos Ghosn bị bắt giữ một năm trước. Với lợi nhuận giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản sẽ cắt giảm 12.500 vị trí trong những năm tới, chủ yếu tại các nhà máy trên toàn cầu, để giảm chi phí khi họ đang gấp rút làm mới một dòng sản phẩm cũ.

Phản ứng của lực lượng nhân công

Giới công nhân nhà máy gần đây đã nổi dậy chống lại các chính sách sa thải. Hơn 46.000 công nhân làm việc theo giờ của GM đã tổ chức một cuộc đình công kéo dài 40 ngày vào mùa thu này, đánh dấu khoảng thời gian dài nhất chống lại công ty trong gần nửa thế kỷ qua, chỉ nhằm mục tiêu thúc ép công ty phải mở cửa trở lại một trong 4 nhà máy tại Mỹ mà ban lãnh đạo đã lên kế hoạch đóng cửa từ một năm trước.

Tại Đức, vào ngày 22/11/2019 vừa qua, khoảng 15.000 người đã tuần hành trên đường phố để phản đối việc cắt giảm việc làm và đóng cửa nhà máy ở thành phố Stuttgart - nơi đặt trụ sở chính của Daimler, Porsche và nhà cung cấp phụ tùng lớn Robert Bosch.

Trong khi đó, những người biểu tình ở quảng trường trung tâm lịch sử Schlossplatz đã đeo khăn quàng đỏ, thổi còi và vẫy cờ đỏ để ủng hộ Liên đoàn lao động hùng mạnh của Đức là IG Metall, vốn đứng ra tổ chức các cuộc biểu tình. Các quan chức công đoàn hàng đầu đại diện cho công nhân tại Mercedes-Benz, Audi và nhiều nhà sản xuất phụ tùng tuyên bố các công ty đang lợi dụng sự chuyển đổi trong ngành ô tô điện như là một cái cớ để đẩy mạnh việc cắt giảm sâu hơn chỉ nhằm mục đích tăng lợi nhuận.

Sự lo ngại về tình hình việc làm trong ngành này đang dần thành hiện thực, khi một tuần sau đó, Audi tuyên bố sẽ loại bỏ tới 9.500 vị trí tại Đức cho đến năm 2025, khi công ty mẹ Volkswagen AG chuẩn bị cho việc chuyển đổi tốn kém sang sản xuất xe điện. Daimler cũng công bố kế hoạch loại bỏ hơn 10.000 nhân công trên toàn thế giới.

Theo Fircroft, một công ty chuyên giới thiệu việc làm kỹ thuật, nếu xem ngành công nghiệp ô tô như một quốc gia, thì ngành này sẽ là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới. Chỉ riêng tại Đức, tính luôn các hoạt động trong nước và các nhà sản xuất tại nước ngoài, khoảng 150.000 việc làm có thể gặp rủi ro trong những năm tới.

Các nhà sản xuất ô tô Mỹ vào năm ngoái cũng bắt đầu thấy bóng mây đen bao phủ, khi Ford tiết lộ kế hoạch tái cấu trúc 11 tỷ USD kéo dài trong một năm. Kể từ đó, công ty đã đưa ra một loạt các thông báo, cắt giảm khoảng 10% các mức lương toàn cầu và đóng cửa sáu nhà máy: ba ở Nga và một ở Mỹ, Anh và Pháp. Trong số khoảng 17.000 việc làm mà Ford đang loại bỏ, 12.000 sẽ ở châu Âu.

Triển vọng có vẻ hơi ảm đạm đối với công đoàn các nhà sản xuất ô tô tại Mỹ (UAW), khi các cuộc đàm phán bắt đầu vào mùa hè này. Giới công nhân từ lâu luôn lo sợ những chiếc xe điện, vốn có ít bộ phận hơn và cần ít lao động hơn để chế tạo, sẽ khiến công việc trong ngành này bị cắt giảm.

Các quan chức công đoàn hàng đầu đại diện cho công nhân tại Mercedes-Benz, Audi và nhiều nhà sản xuất phụ tùng tuyên bố các công ty đang lợi dụng sự chuyển đổi trong ngành ô tô điện như là một cái cớ để đẩy mạnh việc cắt giảm sâu hơn chỉ nhằm mục đích tăng lợi nhuận.