Nghịch lý đồng USD vẫn là vua dù tỷ trọng của Mỹ trong GDP toàn cầu đã giảm đi đáng kể
USD được chọn làm đồng tiền thanh toán trong ít nhất một nửa các hóa đơn thương mại quốc tế, lớn gấp 5 lần tỷ trọng của Mỹ trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của toàn thế giới.
Trong "trái tim" của kinh tế thế giới có một sự mất cân bằng nghiêm trọng. Mặc dù tỷ trọng GDP Mỹ trong kinh tế toàn cầu đã giảm đi đáng kể, vị thế của đồng USD chẳng hề suy suyển. Sự thực là đồng USD đang có vai trò quan trọng hơn mức độ đáng có. Mọi người sử dụng đồng USD bởi vì những người khác cũng sử dụng USD, giống như mọi người đổ xô đi học tiếng Anh vì xung quanh có nhiều người nói tiếng Anh.
Sự thống trị của đồng USD gây ra một số phiền phức cho các quốc gia kém phát triển hơn, khi mà nền kinh tế của họ bị rung lắc mỗi khi Mỹ thay đổi chính sách lãi suất hay đồng bạc xanh biến động. Hiện tượng này là vấn đề chính mà Thống đốc NHTW Mark Carney đưa ra thảo luận trong 1 tài liệu nghiên cứu được công bố tại hội nghị về chính sách tiền tệ diễn ra ở Jackson Hole vài tháng trước.
Nghiên cứu của ông Carney đã được nhiều báo đưa tin nhưng chủ yếu là nói về việc ông ủng hộ Libra, đồng tiền số mà Facebook đang xây dựng. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nhỏ trong lập luận của ông. Ông khẳng định vị thế "bá chủ" hiện nay của đồng USD đang "ngày càng gây ra nhiều căng thẳng cho kinh tế toàn cầu" và cần phải sớm chấm dứt điều đó.
Năm 1971, dưới thời Tổng thống Richard Nixon, Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó là John Connally đã nói với các bộ trưởng tài chính châu Âu rằng đồng USD "là tiền tệ của chúng tôi nhưng lại là rắc rối của các bạn". Theo Carney, sau 50 năm thì thông điệp của nước Mỹ đã được mở rộng ra là "bất kỳ rắc rối nào của chúng tôi cũng sẽ là rắc rối của các bạn".
Đồng USD làm bá chủ gây ra những hệ quả xấu như thế nào? Nghiên cứu của Carney trích dẫn nghiên cứu của nhiều chuyên gia khác, trong đó có cả Gita Gopianth, chuyên gia kinh tế trưởng tại IMF. Vấn đề nằm ở cách thức ghi hóa đơn cho hàng hóa nhập khẩu.
USD được chọn làm đồng tiền thanh toán trong ít nhất một nửa các hóa đơn thương mại quốc tế, lớn gấp 5 lần tỷ trọng của Mỹ trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của toàn thế giới.
Ví dụ, một nước nhập khẩu dầu sẽ thanh toán bằng USD nhưng số dầu đó không hề đến từ Mỹ. Nếu đồng nội tệ giảm giá so với USD, cùng một số lượng dầu như vậy sẽ đột ngột tăng giá, gây ra gánh nặng cho người dân. Câu chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp nếu như số tiền bị chênh lên được bù đắp bằng tăng xuất khẩu. Nhưng nếu như các giao dịch xuất khẩu cũng lấy USD làm đồng tiền thanh toán, điều đó sẽ không diễn ra. Kim ngạch xuất khẩu không đổi vì giá USD không đổi. Vì thế dù nước đó hưởng lợi từ việc chi phí sản xuất (tính bằng đồng nội tệ) rẻ hơn nhưng sẽ phải mất nhiều năm để khu vực xuất khẩu mở rộng và tạo thêm nhiều việc làm.
Nghiên cứu năm 2017 của Gopinath và một số tác giả khác kết luận rằng đồng USD tăng giá 1% so với các đồng tiền khác sẽ khiến tổng kim ngạch thương mại giữa các quốc gia trên thế giới giảm 0,6% - 0,8%.
Các hóa đơn xuất nhập khẩu có USD là đồng tiền thanh toán tạo ra hiệu ứng lan truyền. Bởi vì các công ty cần USD để trả tiền nhập khẩu hàng hóa, họ cố gắng xây dựng một lượng dự trữ USD đủ lớn. 2/3 lượng chứng khoán được phát hành trên toàn cầu và các quỹ dự trữ ngoại hối chính thức được định danh bằng đồng USD. Nhu cầu về USD tăng cao lại khiến Mỹ hạ lãi suất, điều khiến việc đi vay bằng USD trở nên hấp dẫn hơn. Vòng luẩn quẩn diễn ra khi các nước cần USD để trả nợ, vì thế lại thích thanh toán bằng USD hơn, đẩy nhu cầu về USD lên cao hơn nữa.
Carney dẫn lời Helene Rey, chuyên gia kinh tế tại trường kinh doanh London, nhận định "chu kỳ tài chính toàn cầu chính là chu kỳ của đồng USD". Nếu đồng nội tệ của 1 nước nghèo giảm giá so với USD, họ sẽ khó có thể trả nợ hơn. Khi Fed tăng lãi suất, chi phí đi vay của các nước đang phát triển sẽ tăng. "Nghiên cứu cho thấy tác động của việc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ lên GDP các nước khác hiện đã tăng gấp đôi so với mức trung bình trong giai đoạn 1990-2004, bất chấp tỷ trọng của Mỹ trong GDP toàn cầu giảm mạnh", Carney viết.
Báo cáo của Thống đốc NHTW Anh cũng đặt câu hỏi liệu sự trỗi dậy của nhân dân tệ có thể phần nào giải quyết vấn đề khi có thể tạo ra một đồng tiền dự trữ quốc tế thứ hai. Lần gần đây nhất chuyện này xảy ra, hệ thống tài chính quốc tế đã trở nên hỗn loạn khi USD bắt đầu hất cẳng đồng bảng Anh. Một số cho rằng việc thiếu vắng sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trên toàn cầu là một nguyên nhân khiến thanh khoản khan hiếm và làm cuộc Đại suy thoái trở nên tồi tệ hơn.
Theo ông, thay vì trông cậy vào Trung Quốc thì có một giải pháp tốt hơn là xây dựng một "hệ thống đa cực". Và đó chính là nơi mà đồng Libra của Facebook có thể bước vào. Nhưng ông cũng cho rằng một đồng tiền mới "tốt nhất là nên được cung cấp bởi khu vực công, có lẽ là thông qua mạng lưới tiền số do các NHTW phát hành".
Kể cả đối với nước Mỹ, sức mạnh của đồng USD không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích. Đúng là sự thống trị của đồng USD đem đến cho Mỹ một số lợi thế địa chính trị quan trọng, ví dụ như khả năng trừng phạt các quốc gia khác bằng cách cô lập họ khỏi hệ thống thanh toán quốc tế dựa vào đồng USD. Tuy nhiên, cầu USD tăng cao khiến tỷ giá tăng, làm cho hàng hóa Mỹ đắt đỏ hơn.
Carney không có câu trả lời chính xác, nhưng ông đã đưa ra những câu hỏi hoàn toàn xác đáng. Ông kết thúc bài phát biểu ở Jackson Hole: "Hãy chấm dứt sự cẩu thả hiện nay của hệ thống tài chính tiền tệ quốc tế và xây dựng một hệ thống mới tương xứng với nền kinh tế toàn cầu đa dạng, đa cực đang dần nổi lên".