Người Mỹ đang có nhiều tiền hơn bao giờ hết

Theo Hương Giang/zingnews.vn

Tiền đang nằm đầy trong túi người dân thông qua gói hỗ trợ của FED, song tương lai về nhu cầu chi tiêu của người dân Mỹ lại không mấy khả quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Giống như thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008, trong năm nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bơm lượng tiền kỷ lục vào hệ thống tài chính để cứu nền kinh tế sau khi trải qua nhiều tháng khốn đốn vì đại dịch virus corona chủng mới - có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Tuy nhiên, vào hơn 10 năm trước, lượng tiền chủ yếu đổ vào các tài khoản ngân hàng tại FED - trong khi hiện tại, tiền đang rơi vào tài khoản của người dân Mỹ. “Và đó tạo nên sự khác biệt”, tờ Bloomberg nhận xét.

Khi tiền nằm trong các tài khoản tại FED, chúng không thể xuất hiện trong nền kinh tế thực. Trong khi nằm trong túi của người dân, lượng tiền khổng lồ nằm trong chương trình hỗ trợ của FED lại dẫn tới những con số vô cùng ấn tượng.

Người Mỹ đang có nhiều tiền hơn bao giờ hết - Ảnh 1

Cú huých tiền mặt từ FED trong đại dịch Covid-19 có ý nghĩa khác biệt so với hồi khủng hoảng kinh tế năm 2008. Ảnh: WSJ.

Cụ thể, trong khoảng thời gian 3 tháng tính đến tháng 5/2020, cung tiền M1 - loại tiền có tính thanh khoản mạnh nhất (tức các loại tài sản thuộc M1 có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt), tăng 26%. Tỷ lệ này cao gấp 3 lần so với thời kỳ 3 tháng cùng kỳ hồi năm 2008, và cao hơn bất kỳ năm nào trong khoảng 6 thập kỷ qua.

Tuy nhiên, tiền lấp đầy trong ví của người dân không phải là tín hiệu tốt hoàn toàn trong thời điểm này. Vấn đề được đặt ra trong thời điểm nền kinh tế đang chậm rãi mở cửa trở lại sau nhiều tháng í ạch nằm ở việc liệu người dân Mỹ có sẵn sàng chi tiêu số tiền đó hay không.

Bàn luận về vấn đề này, đã có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Giáo sư Jeremy Siegel đến từ đại học University of Pennsylvania cho rằng nhu cầu chi tiêu của người Mỹ có thể bùng nổ trong thời gian tới, nhờ đó nền kinh tế sẽ được phục hồi, tăng trưởng và kéo mức lạm phát năm 2021 tăng lên.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia khác lại quan ngại về điều trái ngược.Theo họ, dịch bệnh kéo dài triền miên khiến nhiều người dân Mỹ bị mất việc, do đó họ thường có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, quá trình hồi phục nền kinh tế sẽ bị cản trở.

Bà Yelena Shulyatyeva - chuyên gia đến từ Bloomberg Economics, cho biết: "Khi tỷ lệ thất nghiệp đi ngang, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ bị kìm hãm. Điều đáng lo nhất là người tiêu dùng sẽ không chi tiêu hào phóng như trước”.

Thực tế, suy thoái kinh tế thường khiến cuộc sống của người ta khốn đốn hơn, và thực tế là hơn 40 triệu người Mỹ đang trong cảnh thất nghiệp vì dịch Covid-19. Song chúng ta không thể ngờ rằng trong thời kỳ Đại Khủng hoảng, nếu xét về các con số ghi trên giấy tờ, người Mỹ lại có nhiều tiền hơn bất cứ thời điểm nào trước đó.

Tính tới tháng 4, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tại Mỹ - tỷ lệ thu nhập khả dụng có thể đáp ứng nhu cầu chi tiêu - tăng lên 32,2%. Trong khi đó, con số này chưa bao giờ vượt quá 17,3% kể từ trước khi dịch Covid-19 xuất hiện tính ngược lại về những năm 1959. Tỷ lệ này thường dao động ở mức 10% tính từ năm 1995.