Người tiêu dùng châu Á tăng tiết kiệm do sợ mất việc

Theo Hà Linh (Vietnamnet)

Người tiêu dùng tại châu Á đã chuyển từ người chi tiêu thành người tiết kiệm do lo ngại rằng mình có thể là nạn nhân kế tiếp trong các đợt sa thải hàng loạt đang diễn ra trên toàn thế giới.

 Khủng hoảng tài chính làm thay đổi xu thế tiêu dùng trên thế giới. Nguy cơ mất nhiều việc hơn tại châu Á, nơi mà suy thoái chỉ thực sự bắt đầu kể từ nửa cuối năm 2008, sẽ khiến người tiêu dùng ở châu lục này tiết kiệm hơn.

Trong tương lai gần, có thể họ sẽ tiết kiệm nhiều hơn nữa. Điều này có nghĩa là còn quá sớm để nói rằng châu Á đang phát triển như Trung Quốc, với tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực đô thị đang ở mức cao nhất trong 2 năm rưỡi trở lại đây, đang trở thành một lực lượng tiêu dùng lớn. Do vậy, còn lâu nữa thì tăng trưởng toàn cầu mới cân bằng hơn và bền vững hơn.

"Vì xu hướng gia tăng thất nghiệp ngày càng tồi tệ nên tâm lý mọi người tỏ ra rất bi quan và điều này ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường", ông Tahnoon Pasha, trưởng bộ phận đầu tư cổ phiếu thuộc Manulife Asset Management ở Hong Kong cho biết.

"Điều mà chúng ta sẽ thấy là tỷ lệ tiết kiệm ngày càng tăng lên mạnh mẽ," ông Pasha cho biết thêm. Ông đang tìm kiếm những khoản lợi nhuận từ các ngành công nghiệp như tài chính.

Hàng hoá công nghiệp và nguyên liệu bị ảnh hưởng nhiều nhất khi kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi trong năm nay, ông nói.

Dù triển vọng tăng trưởng khá u ám nhưng những ngành này có mức tăng trưởng rất tốt kể từ khi chỉ số chứng khoán MSCI Asia-Pacific, không tính Nhật Bản, rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm vào tháng 11 năm 2008. Điều này cho thấy cổ phiếu các ngành này đang được giao dịch đựa trên giá hơn là các yếu tố kinh tế cơ bản.

Cổ phiếu liên quan đến tiêu dùng cá nhân giảm giá mạnh nhất cho thấy nhà đầu tư hoài nghi về khả năng tăng chi tiêu của người tiêu dùng châu Á.

Người tiêu dùng châu Á tăng tiết kiệm do sợ mất việc - Ảnh 1

Người tiêu dùng tại châu Á đã chuyển từ người chi tiêu thành người tiết kiệm. (Ảnh: Reuters)


Giật lùi

Để có được một bức tranh về tình hình lao động ở thị trường châu Á mới nổi không hề dễ dàng gì vì cách thức tiến hành rất khác nhau giữa các quốc gia. Ví dụ như Ấn Độ và Indonesia chỉ cung cấp số liệu về thất nghiệp một lần/năm.

Thêm vào đó, theo kết quả các cuộc thăm dò riêng, sa thải mới chỉ bắt đầu diễn ra ở châu Á. Tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị Trung Quốc, không tính lao động nhập cư và nông dân, tăng lần đầu tiên trong 5 năm trở lại đây lên 4,2% trong Quý 4 năm 2008.

Các chuyên gia kinh tế của HSBC dự báo rằng tỷ lệ thất nghiệp tại châu Á không tính Nhật Bản sẽ tăng hơn 1% lên 5,9% trong năm 2009, trong đó Hong Kong và Trung Quốc có mức tăng mạnh nhất.

Họ cũng dự đoán rằng chi tiêu tiêu dùng tính theo GDP sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm trở lại đây trước khi tăng nhẹ trở lại vào năm tới.

Lấy lại lòng tin đối với thị trường lao động cũng phụ thuộc rất nhiều vào việc các chính phủ có thể xây dựng các định chế nhanh chóng và hiệu quả như thế nào, ví dụ như hệ thống lương hưu và bảo hiểm thất nghiệp để bảo vệ người lao động.

Người tiêu dùng châu Á tăng tiết kiệm do sợ mất việc - Ảnh 2
Giảm chi tiêu đang là xu thế tại châu Á. Ảnh: VNN.

Lưới bảo vệ

 Stephen Roach, Chủ tịch Morgan Stanley châu Á, cho biết nhà đầu tư nên mua bất kỳ thứ gì liên quan đến tiêu dùng ở châu Á nhưng chỉ sau khi các chính phủ thiết lập các định chế này.

"Ví dụ như trong trường hợp sa thải lao động trong tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc, một tấm lưới bảo vệ sẽ vô cùng quan trọng để xoá đi những e ngại về khả năng không có việc làm trong thời gian tới. Nếu không người ta sẽ tăng tiết kiệm lên hơn mức cần thiết do lo sợ", ông Roach phát biểu trong một cuộc họp báo tại Hong Kong.

Một trong những khác biệt lớn nhất giữa các thị trường lao động ở châu Á và các nền kinh tế phát triển trên thế giới là các chế độ an sinh xã hội.

Gyorgy Sziraczki, chuyên gia kinh tế cao cấp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ở Bangkok, cho biết các biện pháp, chính sách điều tiết việc tăng lương ở các quốc gia như Singapore và Thái Lan sẽ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp nhưng cái giá phải trả là sức mua giảm sút. Ông cho biết thêm rằng các chương trình kích thích tại châu Á, bao gồm cả Trung Quốc đều thiếu nhưng mục tiêu cụ thể về tạo ra việc làm mới.

"Sẽ rất hữu ích nếu một nước tính đến khả năng tạo ra việc làm mới khi lập các gói kích thích," ông nói.

Ở đất nước đông dân như Trung Quốc, ổn định xã hội đã trở thành mục tiêu cơ bản trong các chính sách vì nếu mà tăng trưởng kinh tế suy giảm đồng nghĩa với hàng triệu người sẽ mất việc làm.

Đến nay, gói kích thích kinh tế trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 585 tỷ USD) tập trung vào phát triển hạ tầng.

Yiping Huang, trưởng nhóm kinh tế của Citigroup ở châu Á, cho biết một cách trực tiếp hơn để đạt được sự ổn định và kích thích tiêu dùng là có trong tay hệ thống bảo hiểm thất nghiệp.

"Nếu các hộ gia đình có thu nhập thấp nhận được hỗ trợ thu nhập tốt hơn và người lao động nhập cư được hưởng các lợi ích từ chính sách thất nghiệp thì tình hình không xấu như thế này, thậm chí tăng trưởng Trung Quốc có giảm xuống dưới 8%. Vì chính sách này giúp cải thiện an sinh xã hội và phân phối thu nhập nên nó cũng sẽ giúp kích thích tiêu dùng", ông cho biết thêm.