10 rủi ro của thế giới trong năm 2013

Theo TTVN/BI

Dưới đây là danh sách 10 rủi ro lớn nhất đe dọa thế giới trong năm 2013, theo đánh giá của Eurasia.

10 rủi ro của thế giới trong năm 2013
Trong suốt năm 2012, thế giới đã chứng kiến các chính phủ đã chao đảo và bị chia rẽ bởi các vấn đề kinh tế: chính phủ Mỹ bất đồng về "vách đá tài khóa", Eurozone trước nguy cơ tan rã, Nhật Bản bất ổn bởi tình trạng giảm phát kéo dài.

Mặc dù cuối cùng thì những điều lo lắng đã không xảy ra và có vẻ như thế giới đã lo lắng thái quá về những rủi ro chính trị ở các nước phát triển, theo Ian Bremmer, chủ tịch của Eurasia (công ty tư vấn và nghiên cứu về rủi ro chính trị toàn cầu), điều đó không có nghĩa là thế giới không phải đối mặt với rủi ro. Dưới đây là danh sách 10 rủi ro lớn nhất đe dọa thế giới trong năm 2013, theo đánh giá của Eurasia.

1 – Thị trường mới nổi

Theo Eurasia, các thị trường mới nổi vẫn dễ bị tổn thương và bất ổn hơn so với các nước phát triển. Một số nước vẫn có thể chống đỡ với rủi ro nhờ vào tiềm năng tăng trưởng vượt trội. Tuy nhiên, thời kỳ các thị trường mới nổi phát triển như vũ bão đã chấm dứt.

Bởi vậy, hiểu rằng nguy cơ suy giảm kinh tế của từng nước rất khác nhau là điều vô cùng quan trọng. Bremmer chia các nước mới nổi thành 3 loại: các nước đã trở thành nước phát triển, các nước đang phát triển và các nước đã qua thời kỳ mới nổi.

2 – Trung Quốc và thông tin

Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, thông tin được chia sẻ 1 cách nhanh chóng trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, xu hướng này là điều đáng lo ngại. Tầng lớp trung lưu có qui mô lớn dần và ngày càng có trình độ cao đòi hỏi được tiếp cận thông tin đa dạng, trong đó có những thông tin có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Điều này đe dọa sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

3 – “Mùa hè Arab”

Căng thẳng ngày càng dâng cao giữa Iran với Israel và các nước phương Tây ngày càng lên cao. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Trung Đông hiện đang đối mặt với rất nhiều căng thẳng, đặc biệt là chủ nghĩa bè phái và căng thẳng về mặt tôn giáo. Những nước nằm ở trung tâm của phong trào “mùa xuân Arab” vẫn ở trong tình trạng bất ổn về chính trị trong khi thiếu đi những tiến bộ về mặt kinh tế.

4 – Nước Mỹ

Theo Eurasia, mâu thuẫn chính trị sẽ là 1 “đám mây đen” cản đường đà phục hồi của kinh tế Mỹ cũng như các chương trình nghị sự của Tổng thống Barack Obama. Mặc dù không thể dẫn đến 1 cuộc suy thoái mới, sự mập mờ trong chính thuế thực sự là nhân tố khiến tăng trưởng chậm lại rõ rệt.

5 - JIBs – Nhật Bản, Israel và Anh

Xu hướng biến đổi về địa chính trị của thế giới sẽ đem lại những tác động giống nhau đối với 3 nước Nhật Bản, Israel và Anh. Có 3 lý do dẫn đến điều này: 1) Mối quan hệ đặc biệt của các nước này với Mỹ không còn quan trọng như trong quá khứ. 2) Đây là các nước nằm ngoài xu hướng biến đổi địa chính trị đang diễn ra hiện nay. 3) Những yếu tố như chính trị, xã hội, lịch sử… của các nước này khiến các nước này khó có thể phản ứng nhanh nhạy trước các thách thức mà các thay đổi về địa chính trị mang lại.

6 – Châu Âu

Triển vọng kinh tế ảm đạm cùng với những bất đồng trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng nợ sẽ tiếp tục là những yếu tố chính gây nên tình trạng bất ổn và rủi ro cho châu Âu trong năm 2013. Cùng lúc đó, thái độ hoài nghi đối với đồng euro ngày càng tăng lên. Dân chúng ngày càng phản ứng gay gắt với các chính sách thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh nền kinh tế không hề có dấu hiệu tiến triển.

7 – Yếu tố địa chính trị của châu Á

Trung Quốc thay đổi chiến lược ngoại giao đối với Đông Nam Á trong khi ngày càng trở nên “hiếu chiến” ở Đông Bắc Á. Trong khi đó, Mỹ lại tìm kiếm mối quan hệ thân thiết hơn với châu Á thông qua các khoản đầu tư kinh tế. Điều này khiến căng thẳng giữa 2 cường quốc lớn nhất thế giới ngày càng tăng lên.

8 - Iran

Cuộc chiến giữa Iran, Israel và nước Mỹ có thể khiến giá dầu tăng cao đồng thời khiến Iran có những hành động hiếu chiến, dẫn đến các xung đột kiểu “ăn miếng trả miếng”. Phương Tây càng đặt ra nhiều lệnh cấm vận đối với Iran, chương trình hạt nhân của nước này càng được đẩy nhanh tiến độ.

9 - Ấn Độ

Trong năm 2013, Ấn Độ sẽ là một trong những ví dụ tiêu biểu cho xu hướng các nhân tố chính trị ảnh hưởng sâu sắc đến câu chuyện thành công của 1 nền kinh tế trong dài hạn. Với sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ được dự đoán sẽ trở thành cỗ máy tăng trưởng tiếp theo của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể bị thất vọng bởi điều này không dễ dàng diễn ra nhanh chóng đến vậy.

10 – Nam Phi

Khu vực hạ Sahara là khu vực thể hiện rõ nét nhất nghịch lý trong xu hướng dịch chuyển hướng về các thị trường mới nổi của kinh tế thế giới. Về tăng trưởng, có vẻ như châu Phi sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, rủi ro đến từ Nam Phi và Nigeria - 2 nền kinh tế lớn nhất và quan trọng nhất của khu vực. Triển vọng đối với 2 nước này u ám hơn nhiều so với triển vọng của toàn khu vực.