2014 sẽ là năm tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Jean-Claude Trichet, cựu Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nhận xét kinh tế toàn cầu sẽ quay lại đà tăng trưởng trong năm tới, nhờ chính sách nới lỏng của các nước và biện pháp giảm thâm hụt ngân sách của eurozone.

 2014 sẽ là năm tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng năm tới nhờ khu vực eurozone phục hồi. Nguồn: internet
"Chúng ta rõ ràng đang tăng trưởng ở cấp độ toàn cầu với sự trỗi dậy đáng ngạc nhiên tại nhiều nước phát triển. Các nước mới nổi có thể đang tăng chậm lại, nhưng nếu nhìn vào yếu tố căn bản của từng nền kinh tế, tôi cho rằng năm sau sẽ là một năm tăng trưởng", ông Trichet cho biết trên CNBC.

Để hồi phục niềm tin của nhà đầu tư vào khu vực eurozone và các nước vùng rìa gặp nhiều khó khăn, eurozone đã áp dụng các biện pháp củng cố tài khóa và thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt để giảm thâm hụt ngân sách.

Tuy nhiên, các biện pháp này khi áp dụng tại Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy lại kìm hãm nền kinh tế, đẩy eurozone vào suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục. "5 nước này đã từng chịu mức thâm hụt cao năm 2008 và 2009, nhưng đang dần hồi phục và phát triển cân bằng", Trichet nhận xét. Theo ông, tuy nhiều nước châu Âu vẫn phải cải tổ cấu trúc để phát triển mạnh mẽ hơn, nhìn chung triển vọng tăng trưởng rất tích cực.

Chính sách nới lỏng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu cũng nhận được những ý kiến trái chiều trong suốt năm nay. Tại Mỹ, Anh và châu Âu, các cơ quan này phải nỗ lực cân bằng giữa hạ lãi suất để thúc đẩy kinh tế và ngăn chặn lạm phát. Trichet cho biết "ECB đã bình ổn giá đáng kể mà không gây ra lạm phát hay giảm phát".

Ông cũng không tỏ ra lo ngại về tác động của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm gói nới lỏng tiền tệ. "Chúng ta không thể trông chờ biện pháp này kéo dài mãi được. Tôi tin rằng FED đã có sự chuẩn bị kỹ càng và việc này cũng được dự đoán trước rồi. Trên phương diện cá nhân, tôi cảm thấy mừng vì Chủ tịch FED - Ben Bernanke đã ra quyết định này", ông nói.

Dù vậy, giới phân tích cho rằng bức tranh kinh tế eurozone không được sáng sủa như vậy. Trong quý III, tăng trưởng GDP chỉ còn 0,1%. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao là 12,1%, theo Cơ quan thống kê châu Âu - Eurostat.

Họ cũng lo ngại eurozone có xu hướng giảm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khu vực này chỉ tăng 0,7% hồi tháng 10 - thấp nhất kể từ tháng 11/2009. Việc này đã khiến ECB phải giảm lãi suất tham chiếu xuống thấp kỷ lục 0,25% đầu tháng 11. Sau đó, dù CPI tháng 11 đã lên 0,9%, Eurostat nhận định số liệu này cho thấy các doanh nghiệp và người dân vẫn chưa dám chi tiêu hay đầu tư.