2014 và những dự báo

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 3% trong năm 2014 và 3,3% trong năm 2015, đi lên so với mức tăng trưởng ước tính 2,1% năm 2013.

  2014 và những dự báo
Kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 3% trong năm 2014. Nguồn: internet

Triển vọng dòng tiền

Kinh tế thế giới năm 2013 tăng trưởng nhẹ nhờ có sự cải thiện trong quý cuối cùng, đã dẫn đến những dự báo tích cực hơn cho năm 2014. Như vậy khu vực đồng euro sẽ chấm dứt cuộc suy thoái kéo dài; tăng trưởng ở Hoa Kỳ mạnh hơn dự báo; một vài nền kinh tế mới nổi lớn như Trung Quốc, Ấn Độ đã nỗ lực kiềm chế tình trạng giảm tốc và sẽ có sự đi lên vừa phải; thị trường việc làm tiếp tục là thử thách nhưng lạm phát đã được kiềm chế trên toàn thế giới.

Tăng trưởng thương mại quốc tế dự kiến tăng nhẹ lên 4,7%, giá cả hầu hết mặt hàng thiết yếu dần ổn định trong bối cảnh bất kỳ cú sốc không mong muốn nào trong nguồn cung (bao gồm cả những căng thẳng chính trị) có thể đẩy giá cao hơn. Dòng vốn quốc tế chảy vào các nền kinh tế mới nổi sẽ có nhiều sự biến động.

Trong các nền kinh tế dẫn đầu thế giới, tại Hoa Kỳ thắt chặt tài khóa và một loạt bế tắc chính trị về các vấn đề ngân sách, đã đè nặng lên tăng trưởng, nhưng nhờ nới lỏng định lượng tiền tệ đã thúc đẩy giá chứng khoán. Thị trường lao động và lĩnh vực nhà ở tiếp tục phục hồi.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Hoa Kỳ dự kiến  tăng 2,5%. Tây Âu nổi lên từ suy thoái kinh tế trong năm 2013, nhưng triển vọng tăng trưởng vẫn còn yếu, nên thắt lưng buộc bụng tài chính sẽ tiếp tục và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao.

Tăng trưởng tại Nhật Bản đã được thúc đẩy bởi một tập hợp các gói chính sách mở rộng, nhưng những tác động của cải cách cơ cấu sắp tới vẫn chưa chắc chắn và sự gia tăng thuế tiêu thụ dự kiến sẽ hạn chế tăng trưởng. GDP Nhật Bản được dự báo sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2014.

Trong số các nước đang phát triển và các nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, Brazil tuy bị cản trở bởi nhu cầu bên ngoài yếu, biến động dòng vốn quốc tế và chính sách thắt chặt tiền tệ, nhưng tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ tăng trở lại mức 3%. Sự giảm tốc ở Trung Quốc cũng được ổn định và tăng trưởng dự kiến duy trì với tốc độ khoảng 7,5% trong vài năm tới.

Ấn Độ có mức tăng trưởng thấp nhất trong 2 thập niên qua, cùng với tài khoản vãng lai lớn, thâm hụt ngân sách chính phủ cộng với lạm phát cao, nhưng tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ cải thiện vượt trên 5%. Liên bang Nga chứng kiến tăng trưởng suy yếu trong năm 2013, sản lượng công nghiệp và đầu tư chùn bước, nhưng dự kiến sẽ phục hồi nhẹ lên mức 2,9% trong năm 2014.

Triển vọng tăng trưởng ở châu Phi vẫn tương đối mạnh mẽ. Bởi sau khi tăng 4% trong năm 2013, ước tính GDP tăng 4,7% trong năm 2014. Tăng trưởng của châu Phi phụ thuộc nhiều vào đầu tư cơ sở hạ tầng, thương mại và quan hệ đầu tư với các nền kinh tế mới nổi.

Thách thức vàng, dầu

Những nỗ lực của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) rút khỏi chương trình nới lỏng định lượng có thể dẫn đến một sự đột biến lãi suất dài hạn ở các nước phát triển và đang phát triển. Nó cũng có thể dẫn đến bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu, sụt giảm mạnh dòng vốn chảy vào các nền kinh tế mới nổi...

Những cú sốc đầu tiên trên thị trường tài chính quốc tế có thể lan truyền nhanh chóng tới các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Mặc dù nền tảng kinh tế và chính sách đã tốt hơn so với khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra vào năm 1997, nhưng các nền kinh tế mới nổi vẫn đặc biệt dễ bị tổn thương.

Bên cạnh đó, rủi ro còn nằm ở sự mong manh trong hệ thống ngân hàng và nền kinh tế khu vực đồng euro, các tranh cãi chính trị về trần nợ và ngân sách ở Hoa Kỳ. Vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế, những căng thẳng chính trị ở Tây Á và các nơi khác tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng. Những nguy cơ này có thể làm chệch hướng nền kinh tế thế giới.

Trong năm 2013, vàng đã mất giá gần 30%, giảm mạnh nhất kể từ năm 1981 và cũng là năm đầu tiên vàng xuống giá kể từ năm 2000. Các thị trường chứng khoán hồi phục đã thúc đẩy nhà đầu tư rời khỏi “hầm trú ẩn” vàng. Trong tình huống lạm phát, vàng được xem như kênh trú ẩn vì kim loại quý có xu hướng bảo toàn giá trị tốt hơn các loại tài sản khác như cổ phiếu, trái phiếu.

Nhưng khi lạm phát được kiềm chế, như tại Hoa Kỳ lạm phát đang ở dưới ngưỡng mục tiêu 2% của FED, nhà đầu tư cũng ít có động cơ giữ vàng. Do đó, dự báo trong ngắn hạn, giá vàng có thể giảm xuống 1.100USD/oz. Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng hiện nay vàng đang giao dịch ở mức “giá sản xuất” nên sang năm 2014 sẽ thu hút nhà đầu tư săn món hời; đồng thời, nhu cầu vàng vật chất ở Trung Quốc và Ấn Độ vẫn mạnh mẽ, nên giá có thể hồi phục ở mức 1.375-1.400USD/oz.

Sự hồi phục của kinh tế Hoa Kỳ đẩy mức tiêu thụ dầu mỏ của thế giới công nghiệp hóa tăng trưởng. Nhưng bên cạnh đó, những giấy phép thăm dò, khai thác mới, nguồn năng lượng từ đá phiến sét và nhiên liệu sinh học sẽ giúp giữ cân bằng cung-cầu.

Cơ quan thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo năm 2014 giá dầu Brent dao động khoảng 104USD/thùng và dầu WTI khoảng 95USD/thùng. Những yếu tố có thể gây biến động giá dầu bao gồm thời tiết, căng thẳng địa chính trị ở Libya, Nigeria, Kuwait…