5 cách để “né” Brexit

Theo daibieunhandan.vn

Hàng triệu người Anh thức dậy sáng ngày 25/6 và tự hỏi liệu Brexit có chỉ là một cơn ác mộng? Câu trả lời là không bởi đã có tới 17,4 triệu cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi châu Âu. Nhưng mệnh lệnh dân túy này không phải là không thể đảo ngược.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

1. Chìa khóa mang tên “Điều 50”

Mặc dù kết quả trưng cầu dân ý đã khá rõ ràng nhưng kết quả này không ràng buộc Chính phủ về mặt pháp lý để buộc phải kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, trong đó quy định các bước chính thức cần được thực hiện để rời khỏi EU. Quy định của Điều 50 có đoạn: “Một nước thành viên muốn rời khỏi khối phải thông báo cho Hội đồng châu Âu về ý định của mình”, nhưng lại không quy định thời điểm nước đó phải ra thông báo chính thức. Mặc dù các nhà đồng cấp EU muốn Anh thông báo kế hoạch trên càng sớm càng tốt, có thể tại Hội nghị Thượng đỉnh EU vào ngày 29.6 tới. Nhưng theo Điều 50, chỉ có nước có ý định rời khối mới có quyền quyết định về thời điểm ra thông báo, và do đó Brussels không được gây áp lực đối với Anh. Đây có thể là cái “phao” đầu tiên cho một nước Anh đang hối hận. Như “gợi ý” của nhà bình luận pháp lý David Allen Green, thực tế Anh thông báo cho EU theo Điều 50 càng muộn bao nhiêu thì khả năng nó sẽ không bao giờ được thực hiện càng lớn bấy nhiêu. Điều này là do càng để lâu, càng nhiều khả năng các sự kiện sẽ chen vào hoặc sẽ xuất hiện các lời biện minh mới.

Tuy nhiên, điều này khó xảy ra do Chính phủ hiện tại sẽ không đủ táo bạo để bỏ qua cuộc bỏ phiếu. Thủ tướng Anh David Cameron đã nói rằng ông sẽ tôn trọng mong muốn của cử tri.

2. Ký một bản kiến nghị

Gần 1,6 triệu người, và con số này vẫn tăng lên, đã ký một bản kiến nghị yêu cầu chính phủ bổ sung một quy định đối với việc kiểm phiếu Brexit để kích hoạt một cuộc trưng cầu dân ý khác. Những người kiến nghị muốn Chính phủ Anh chấp nhận kết quả rời EU chỉ khi có 60% số phiếu ủng hộ và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu phải ít nhất 75%. Với hơn 100.000 chữ ký, Quốc hội sẽ phải đưa kiến nghị này ra tranh luận.

Nhưng ngay cả khi có thêm nhiều người ký tên vào bản kiến nghị, Chính phủ sẽ khó có khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu lần hai. Đòi hòi trong đơn kiến nghị là chưa từng có tiền lệ khi so sánh với các quy định trưng cầu dân ý trên toàn thế giới. Chỉ có các nước nhỏ mới yêu cầu số phiếu lớn hơn 60% hoặc số cử tri tham gia phải ít nhất 75%.

3. Một cuộc tổng tuyển cử mới

Đạo luật Quốc hội theo nhiệm kỳ cố định quy định có hai cách để tiến hành một cuộc tổng tuyển cử mới, thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, hoặc nếu hai phần ba số thành viên của Hạ viện ủng hộ một cuộc bầu cử sớm.

Nếu, trong một cuộc tổng tuyển cử như vậy, một đảng tranh cử với cương lĩnh rõ ràng ủng hộ việc ở lại EU và chiến thắng, thì theo luật sư Jo Maugham, điều đó sẽ đủ thay thế cho kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Bằng cách này, cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tôn trọng như một mệnh lệnh dân chủ, nhưng sau đó nó được thay thế bởi một mệnh lệnh dân chủ mới.

Tuy nhiên, có rất ít khả năng một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tiến hành. Công Đảng thiên tả và Đảng Bảo thủ thiên hữu đều bị chia rẽ về việc nên ra đi hay ở lại EU, cũng như về nhiều vấn đề khác, vì vậy họ khó lòng sẽ đoàn kết trong việc kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử mới.

4. Có thay đổi đáng kể trong điều kiện hiện hành

Đây là phương thức khả dĩ nhất khiến kết quả Brexit có thể bị đảo ngược.

Hiện nay, Anh là một phần của thị trường chung EU. Theo đó, nếu tuân theo các quy định của EU, Anh sẽ được giao thương với EU với ít rào cản hơn nhiều. Trong hai năm tới, sau khi thông báo rời EU theo Điều 50 được đưa ra và Anh quyết định rời khỏi EU, thì sẽ có các cuộc đàm phán với EU để thiết lập các thỏa thuận thương mại và các quy định khác, để Vương quốc Anh, dù rời khỏi EU, vẫn có thể tiếp tục được buôn bán với các nước EU.

Trong các cuộc đàm phán như vậy, nếu EU đưa ra một đề nghị hấp dẫn - ví dụ như cho phép người Anh ở lại thị trường chung trong khi hạn chế quyền tự do đi lại của công dân EU tới Anh (vì vấn đề di cư là một vấn đề khiến cử tri Anh giận dữ và ủng hộ việc rời EU) - thì điều đó sẽ đồng nghĩa với một “sự thay đổi đáng kể” trong điều kiện hiện hành. Do người dân Anh bỏ phiếu rời EU trong khuôn khổ dàn xếp hiện hành, một thỏa thuận mới sẽ cung cấp cho Chính phủ Anh một lý do để quay lại với người dân của mình và tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý lần hai. Giả dụ Chính phủ Anh sẽ làm như vậy thì lúc đó xác suất phe “ở lại” thắng sẽ cao hơn trong kịch bản đó.

Nhưng vấn đề khó ở đây là liệu sau khi đã kích hoạt Điều 50 thì Anh có thể thực sự vẫn còn là một phần của EU hay không. Một cách giải thích cho rằng một khi quy trình theo Điều 50 đã bắt đầu thì Anh chỉ có thể ở lại trong khối nếu 27 thành viên khác đồng ý cho phép điều đó xảy ra. Tuy nhiên, Maugham lập luận rằng luật pháp EU có xu hướng nghiêng về phía chủ nghĩa thực dụng và rằng tổ chức này sẽ có thể tìm thấy một giải pháp để cho phép Anh sử dụng con đường này nhằm tiếp tục ở lại EU.

5. Nằm trong EU nhưng không phải một phần của EU

Nếu không có kịch bản nào nêu trên xảy ra, thì vẫn còn một khả năng là Anh có thể làm một Na Uy thứ hai. Khi đó, Anh sẽ vẫn là một phần của thị trường chung và do đó cho phép công dân Vương quốc Anh được tự do đi lại sang EU và ngược lại.

Bằng cách này, Anh sẽ có một địa vị đặc biệt trong EU, có nghĩa là nước này sẽ bị ràng buộc bởi ít luật lệ và các quy định của EU hơn rất nhiều. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là Anh sẽ không có nhiều tiếng nói trong cách EU thông qua các đạo luật vốn sẽ được áp dụng cho Vương quốc Anh.