“Abenomics” đang phát huy hiệu quả

Theo thoibaonganhang.vn

Dẫu còn không ít nghi ngại, nhưng bức tranh kinh tế có nhiều gam màu tươi sáng trong những tháng đầu năm 2013 đã cho thấy những thành công đầu tiên của chính sách kinh tế đầy tham vọng mà Thủ tướng Nhật Bản đang theo đuổi. Đông đảo người dân nước này vẫn kỳ vọng “ba mũi tên” của Chính phủ sẽ đi trúng đích và mang lại sự “hồi sinh” mạnh mẽ cho kinh tế Nhật Bản.

“Abenomics” đang phát huy hiệu quả
Xuất khẩu ô tô của Nhật Bản được lợi nhờ đồng yên giảm giá. Nguồn: Internet

Kinh tế dần “hồi sinh”

Trong tuần qua, “đất nước Mặt Trời mọc” đón nhận khá nhiều tin vui. Tại cuộc họp chính sách trong hai ngày kết thúc hôm 11/6, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã nâng mức đánh giá về kinh tế nước này từ "bắt đầu hồi phục" được đưa ra trong cuộc họp ngày 22/5 lên mức “đang tăng lên”. Đây là tháng thứ 6 liên tiếp BoJ điều chỉnh tăng trưởng kinh tế theo hướng tích cực.

Một ngày trước đó, Văn phòng Nội các Nhật Bản (CO) đã điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong quý I/2013 từ 3,5% theo thống kê sơ bộ ngày 16/5 lên 4,1% (trên cơ sở hàng năm và đã điều chỉnh theo lạm phát).

Bên cạnh việc bước đầu thỏa mãn mong muốn tăng trưởng và đẩy lùi tình trạng giảm phát kéo dài bằng một nhịp độ tăng trưởng mạnh mẽ hơn chờ đợi, chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe hay còn được gọi là “Abenomics” đón nhận một tin vui nữa là chi tiêu vốn của các công ty Nhật Bản - một thước đo chủ chốt thể hiện lòng tin của các nhà sản xuất ở quốc gia này trong quý I/2013 chỉ giảm 0,3%, thấp hơn mức giảm 0,7% trong báo cáo sơ bộ công bố hồi tháng 5/2013.

Lòng tin của người tiêu dùng trong tháng 5/2013 cải thiện đáng kể so với tháng trước đó, với số người dân tin vào khả năng giá cả tăng lên cũng xấp xỉ mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. CO không thay đổi nhận định rằng chi tiêu tiêu dùng - hiện đóng góp 60% GDP của nước này - trong quý I/2013 tăng 0,9% và xuất khẩu tăng 3,8%. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, thặng dư tài khoản vãng lai tăng gấp hai lần lên 750 tỷ yên (7,6 tỷ USD) trong tháng 4/2013, tháng tăng thứ ba liên tiếp.

Trong tuyên bố sau cuộc họp vừa qua, BoJ nhìn nhận xuất khẩu của Nhật Bản bắt đầu phục hồi, đầu tư vốn của các công ty dường như đã ngừng yếu đi, trong khi tiêu dùng cá nhân mau chóng phục hồi. Giới phân tích tin tưởng "xứ sở hoa anh đào" sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ xuất khẩu và đầu tư kinh doanh được dự báo sẽ mạnh lên nhờ “Abenomics”.

Có thể nói tình hình tăng trưởng khả quan trong quý I/2013 tạm thời đáp ứng phần nào những kỳ vọng của Chính phủ Thủ tướng Abe rằng chính sách “ba mũi tên” của mình sẽ đi “trúng đích”.

Mạng tin Sankei Biz (Nhật Bản) cho rằng, thành công đầu tiên của Abenomics có lẽ là việc mang lại “cảm giác kỳ vọng về sự tái sinh của nền kinh tế Nhật Bản”.

Điều tra mới nhất của hãng tin Kyodo cho thấy, 65% số người được hỏi bày tỏ kỳ vọng vào chính sách “Abenomics”. Niềm tin này đã giúp thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng tới 35% kể từ đầu năm, trong đó chỉ số Nikkei 225 đã có cú tăng ngoạn mục từ 10.688,11 điểm hồi đầu năm lên tới 15.360,81 điểm - mức cao nhất trong hơn nửa thập niên qua trong phiên 20/5. Chỉ số này hiện tạm dịu xuống và đứng ở mức 13.317,62 điểm vào cuối phiên 11/6.

Sau khi Thủ tướng Abe “bắn” đi hai “mũi tên” đầu tiên (nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng chi tiêu công), tỷ giá đồng yên trên thị trường hối đoái đã giảm qua ngưỡng 100 yên lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua. Sự yếu đi của đồng yên mang lại những thay đổi tích cực cho lĩnh vực xuất khẩu, nhất là các hãng sản xuất ôtô và hàng điện tử.

Kỳ vọng “ba mũi tên” trúng đích

Trong nỗ lực thực hiện mục tiêu đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài gần hai thập niên qua, Thủ tướng Shinzo Abe đã lần lượt tung ra “mũi tên” thứ nhất và “mũi tên” thứ hai.

“Mũi tên” thứ nhất nhắm tới mục tiêu đầu tư vào các công trình công với ngân sách 10.300 tỷ yên, “mũi tên” thứ hai mà BoJ “trình làng” tại cuộc họp chính sách đầu tháng 4/2013 bao gồm các biện pháp mang lại sự thay đổi rất lớn về lượng và chất trong chính sách tiền tệ lỏng, nhằm đưa nền kinh tế ra khỏi giai đoạn trì trệ và đạt mục tiêu lạm phát 2% trong vòng hai năm.

Ngày 5/6, Thủ tướng đã giới thiệu chiến lược tăng trưởng kinh tế, "mũi tên" thứ ba và được coi là “xương sống” trong chính sách kinh tế của Thủ tướng với mục đích chiến lược là mở rộng thương mại Nhật Bản với quốc tế.

Trong chiến lược này, Chính phủ cam kết thúc đẩy đầu tư cho lĩnh vực tư nhân và hoạt động của khối DN, hoạch định chương trình phát triển kinh tế cho 5 năm tới và coi đây là “giai đoạn cải cách cơ cấu kinh tế khẩn cấp”. “Mũi tên” này bao gồm những cam kết thành lập đặc khu kinh tế để tăng đầu tư và thu hút DN cũng như nguồn nhân lực từ nước ngoài, khuyến khích các công ty tư nhân dồi dào tiền mặt tăng đầu tư, đặc biệt là thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực công nghiệp và thu hút thêm nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động...

Điểm quan trọng trong chiến lược này là tăng tổng đầu tư của các DN thêm 10% trong ba năm tới, lên khoảng 70.000 tỷ yên. Thủ tướng Abe coi đầu tư vào lĩnh vực điện (lên tới 30.000 tỷ yên trong thập niên tới) và củng cố toàn bộ công nghệ năng lượng trong nước và phát triển chúng trên toàn thế giới là cách duy nhất để nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản tồn tại.

Sau khi “bắn hai mũi tên” và chuẩn bị bắn "mũi tên" thứ ba, Thủ tướng Abe có phần bớt quyết liệt hơn. Tại cuộc họp chính sách trong hai ngày 10-11/6, BoJ quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng mà ngân hàng này công bố hồi tháng 4/2013, trong đó trọng tâm là tăng gấp đôi cơ sở tiền tệ trong hai năm (với nhịp độ tăng khoảng 60.000-70.000 tỷ yên) và đẩy mạnh mua trái phiếu của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu lạm phát 2%.

Đặc biệt BoJ không tung ra thêm biện pháp nào để kiềm chế đà để giảm bớt sự biến động trên thị trường trái phiếu chính phủ, mặc dù động thái này có thể cản trở đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Tuy nhiên giới đầu tư và các chuyên gia kinh tế có vẻ chưa hẳn hài lòng với chiến lược tăng trưởng (“mũi tên” thứ ba) của Thủ tướng Nhật Bản cũng như việc BoJ tại cuộc họp vừa qua không bổ sung các biện pháp tiền tệ mới. Phản ứng đầu tiên là chỉ số chứng khoán giảm điểm và đồng yên mạnh lên sau khi các quyết định trên được công bố. Có thể vì họ cho rằng những động thái mới nhất này có phần kém quyết liệt hơn so với “hai mũi tên” đầu và chưa đủ sức để tạo bước đột phá.

Dẫu còn không ít nghi ngại, nhưng bức tranh kinh tế có nhiều gam màu tươi sáng trong những tháng đầu năm 2013 đã cho thấy những thành công đầu tiên của chính sách kinh tế đầy tham vọng mà Thủ tướng Nhật Bản đang theo đuổi. Đông đảo người dân nước này vẫn kỳ vọng “ba mũi tên” của Chính phủ sẽ đi trúng đích và mang lại sự “hồi sinh” mạnh mẽ cho kinh tế Nhật Bản.