Ai sẽ được chọn?

Theo daibieunhandan.vn

Nhiều quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), trong đó có việc tăng giảm lãi suất, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ gói gọn trong nội bộ nước Mỹ.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Nguồn: Internet
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Nguồn: Internet

Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu tên 2 ứng viên sáng giá lãnh đạo FED hai năm tới. Đó là Chủ tịch đương nhiệm Janet Yellen - người sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 3/2/2018 và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng Gary Cohn, từng là Chủ tịch Goldman Sachs.

Trước đó, Tổng thống Mỹ cho biết có thể có 2 hoặc 3 ứng cử viên được cân nhắc nhưng không tiết lộ cái tên nào cụ thể. Ông chỉ tuyên bố sẽ thông báo chính thức ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch FED vào cuối năm 2017 để Thượng viện phê chuẩn.

Mặc dù vậy, tờ Politico dẫn một số nguồn tin tiên đoán rằng, ngoài ông Cohn, còn có một vài ứng cử viên có thể đảm đương vị trí của bà Yellen hiện nay như nhà kinh tế học theo phái bảo thủ Kevin Warsh, ông Glenn Hubbard - người từng là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh tế dưới thời Tổng thống George W. Bush, hay ông John Taylor - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế.

Trong đó, ông Kevin Warsh và John Taylor từng lên tiếng chỉ trích chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của FED, bao gồm cả việc để lãi suất gần như bằng 0.

Tuy nhiên, hồi đầu tháng, tờ báo này cũng đã dẫn các nguồn tin thân cận của Nhà Trắng nhận định, ông Trump ít có khả năng tái bổ nhiệm bà Yellen và ông Cohn đang là ứng cử viên hàng đầu để kế nhiệm bà. Không giống như hầu hết chủ tịch FED trước đây, Gary Cohn không phải là nhà kinh tế học nhưng lại có nhiều kinh nghiệm về thị trường tài chính thực tế.

Từng làm việc tới 26 năm cho Tập đoàn Goldman Sachs, ông đã đóng vai trò như là động lực chính trong chủ trương cải cách các quy định tài chính của chính phủ nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trong khi đó, bà Yellen tiếp nhận vị trí Chủ tịch FED từ ông Ben Bernanke bắt đầu từ tháng 2/2014 trong bối cảnh kinh tế Mỹ chưa phục hồi chắc chắn sau cuộc khủng hoảng tài chính từ năm 2008. Khi được Tổng thống Obama chọn vào chiếc ghế cao nhất của FED, bà Yellen đã trở thành phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Ngân hàng Trung ương đầy quyền lực ở Mỹ.

Bà đã 4 lần tăng lãi suất kể từ tháng 12/2015 và có khả năng sẽ tăng ít nhất thêm một lần nữa trước cuối năm 2017. Từ chối bình luận về việc liệu có muốn thêm nhiệm kỳ nữa không, bà Yellen chỉ đơn giản phát biểu rằng đang cố gắng làm tốt công việc của mình cho tới cuối nhiệm kỳ vào ngày 3/2 năm sau.

Việc bổ nhiệm nhân sự cao cấp nhất của cơ quan này thời gian tới chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý đáng kể của nhiều quốc gia trong bối cảnh Chủ tịch đương nhiệm sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 2 tới.

Ông Trump từng chỉ trích bà Yellen trong suốt cuộc tranh cử Tổng thống năm ngoái với cáo buộc rằng bà đã dùng chính sách giữ lãi suất thấp để tạo điều kiện thuận lợi cho phía đảng Dân chủ và tạo ra một “nền kinh tế giả tạo”. Nhưng kể từ khi giành chiến thắng, thái độ của ông thay đổi hoàn toàn, tránh chỉ trích và thậm chí tuyên bố “rất tôn trọng nữ Chủ tịch FED cũng như các chính sách lãi suất thấp của bà”.

Nếu ông Trump không tái bổ nhiệm bà Yellen, động thái này được coi là khá bất thường. Nhiệm kỳ của các chủ tịch FED được thiết kế là kết thúc một năm sau khi tân tổng thống nhậm chức.

Trên thực tế, hầu hết chủ nhân Nhà Trắng mới đều chọn cách giữ thêm một nhiệm kỳ cho người đứng đầu FED. Lần gần nhất mà nhân vật cao cấp này không được tổng thống mới tái bổ nhiệm là vào năm 1978, khi Tổng thống Jimmy Carter đã thay thế ông Arthur Burns bằng ông William Miller.

Dẫu chưa thể biết chắc chắn ngôi vị cao nhất của FED nhiệm kỳ tới thuộc về ai, nhưng có điều chắc chắn rằng đó sẽ là người có khả năng tạo ra những ảnh hưởng có thể chi phối kinh tế toàn cầu.