Ấn Độ đổi tiền: Con dao hai lưỡi

Theo baochinhphu.vn

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bất ngờ hủy bỏ giá trị của tiền giấy mệnh giá 500 và 1.000 rupee với chủ ý chống tham nhũng, rửa tiền, lao động chui và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài. Tuy nhiên, cuộc cải cách tiền tệ cũng gây ra nhiều hệ lụy.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ở Ấn Độ, việc sử dụng tiền mặt vẫn là chủ yếu. Theo ước tính của Viện nghiên cứu Global Financial Integrity đóng trụ sở ở Washington (Mỹ), trong thời gian từ năm 2001 đến 2011 đã có đến hơn 350 tỉ USD được tuồn bất hợp pháp từ Ấn Độ ra nước ngoài.

Hủy bỏ giá trị đồng tiền mệnh giá lớn để chống tham nhũng và rửa tiền không phải là ý tưởng mới mẻ gì, mà đã được thực hiện nhiều lần ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện tại, ngay đến cả trong EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang tiếp tục tranh luận có nên hủy bỏ đồng tiền giấy mệnh giá 500 euro hay không, cũng nhằm mục đích chống tham nhũng, rửa tiền và vận chuyển lậu tiền qua biên giới.

Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới được xem là điển hình của nền kinh tế tiền mặt. Ước tính 86,4% giá trị tổng số tiền giấy rupee lưu thông ở Ấn Độ là loại tiền 500 và 1.000 rupee.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, khi doanh nghiệp và người dân mang tiền đi đổi, vài nghìn rupee sẽ không có vấn đề gì, nhưng với những trường hợp lên đến cả trăm nghìn hoặc hàng triệu rupee thì ngân hàng chắc chắn sẽ lưu tâm và hỏi khách hàng kỹ hơn, qua đó giúp cơ quan thuế nắm được thông tin, từ đó giúp Chính phủ Ấn Độ chống nạn trốn thuế và tham nhũng ở nước này.

“Hãy hợp tác với tôi và giúp tôi trong 50 ngày, tôi sẽ mang lại cho bạn đất nước Ấn Độ mà bạn từng mong muốn,” Thủ tướng Modi nói khi đề cập tới chính sách tiền tệ mới của mình.

Ông cho biết sẵn sàng đối phó với những hậu quả khi các lực lượng khác chống đối, đồng thời đưa ra cảnh báo rằng ông vẫn còn có nhiều ý tưởng để đưa Ấn Độ thành một đất nước không tham nhũng.

Tuy nhiên, quyết sách này của ông Modi gây ảnh hưởng không nhỏ trước mắt tới tiêu dùng trong nước và tăng trưởng kinh tế.

Do 2 đồng tiền giấy mệnh giá này chiếm tới 86% lượng tiền mặt lưu thông hiện hành nên người dân không có tiền mặt để chi tiêu, buộc phải dồn đến các ngân hàng để đổi tiền. Thêm vào đó, hàng loạt cây ATM trên khắp thủ đô New Delhi cũng như nhiều khu vực khác trên cả nước cạn kiệt tiền mặt, khiến họ lâm vào cảnh chờ đợi trong vô vọng. Còn tại thành phố Mumbai, tình trạng thiếu hụt tiền mặt đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Trong đó, giá muối bị “hét” gấp 10 lần so với bình thường nếu người dân thanh toán bằng tiền mệnh giá cũ.

Theo một quan chức Bộ Tài chính Ấn Độ, việc in đồng tiền giấy mệnh giá 2.000 rupee đang diễn ra nhưng tờ 500 rupee mới chỉ vừa bắt đầu được in, khiến tình trạng thiếu hụt tiền mặt có thể kéo dài đến tháng tới. Bên ngoài các ngân hàng ở thủ đô New Delhi, nhân viên an ninh và lính vũ trang được triển khai để giữ trật tự trong bối cảnh người dân kéo đến ngày một đông để chờ đổi tiền.

Theo quy định, từ nay cho đến cuối tháng 12, người dân được quyền đổi tối đa 4.000 rupee mỗi ngày, nếu đổi quá mức này sẽ phải đóng thuế.

Ngân hàng Trung ương Ấn Độ khẳng định các ngân hàng có đủ tiền mặt phát hành ra công chúng nhưng cần thời gian điều chỉnh máy ATM để nó tương thích với tiền mới. Giám đốc phụ trách khu vực Ấn Độ và Nam Á của Công ty NCR Corp (đơn vị cung cấp 2/3 số máy ATM tại Ấn Độ) Navroze Dastur tiết lộ có đến 220.000 máy ATM cần phải điều chỉnh để “nhả” tiền mệnh giá 500 rupee và 2.000 rupee mới.

Một số nhà phân tích cho rằng hình ảnh dòng người xếp hàng dài bên ngoài các ngân hàng cho thấy Chính phủ Ấn Độ chưa được chuẩn bị tốt cho đợt đổi tiền quy mô lớn như vậy.