Ấn Độ: Từ chính sách đến ban hành luật

Theo daibieunhandan.vn

Ấn Độ là một trong những nước đầu tiên ở châu Á nhận thấy hiệu quả của mô hình Khu chế xuất (EPZ) trong thúc đẩy xuất khẩu, và thành lập EPZ đầu tiên ở Kandla, bang Gujarat vào năm 1965. Nhằm khắc phục những hạn chế trong nhiều khâu kiểm soát và thông quan, sự thiếu vắng cơ sở hạ tầng tầm cỡ thế giới và cơ chế tài chính không ổn định, đồng thời, để thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, Ấn Độ đã công bố chính sách Đặc khu kinh tế vào tháng 4/2000.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Tạo cơ chế chính sách SEZ ổn định

Chính sách này nhằm biến SEZ trở thành đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế, được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng chất lượng và các gói tài chính hấp dẫn ở cả cấp trung ương và cấp bang, với các quy định được giảm thiểu nhất có thể. Các SEZ ở Ấn Độ hoạt động từ ngày 1/11/2000 - 9/2/2006, được điều chỉnh bởi các điều khoản của Chính sách Ngoại thương và các chính sách ưu đãi tài chính thông qua các đạo luật liên quan.

Nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ Ấn Độ đã đầu tư cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho việc vận hành các đặc khu kinh tế, nhiều đặc khu có sân bay, hải cảng và ga tàu riêng.

Ấn Độ cũng đưa ra các ưu đãi về thuế, như giảm thuế cho các nhà đầu tư trong vòng 15 năm đối với các dự án được thực hiện trong các đặc khu kinh tế trên toàn lãnh thổ. Năm 2005-2006, Ấn Độ đã thành lập cơ quan pháp lý chịu trách nhiệm điều tra và xét xử tranh chấp trong các đặc khu kinh tế để bảo đảm rằng việc điều tra và xét xử sẽ được tiến hành nhanh chóng.

Để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và phát tín hiệu về cam kết của Chính phủ đối với cơ chế chính sách SEZ ổn định, Chính phủ đã soạn thảo dự thảo Luật Đặc khu kinh tế, sau các cuộc thảo luận kéo dài giữa các bên liên quan. Tháng 5/2005, Nghị viện đã thông qua Luật Khu kinh tế đặc biệt và Tổng thống phê chuẩn Luật này vào ngày 23/6/2005.

Các quy định về đặc khu kinh tế cũng được thảo luận rộng rãi và đưa lên trang web của Bộ Thương mại Ấn Độ nhằm trưng cầu ý kiến. Dự thảo đã nhận được khoảng 800 ý kiến đóng góp. Sau nhiều cuộc tham vấn rộng rãi, Luật Đặc khu kinh tế năm 2005 và Các quy định về đặc khu kinh tế chính thức có hiệu lực vào ngày 10/2/2006, cung cấp khuôn khổ pháp lý cho việc đơn giản hóa thủ tục và cơ chế “một cửa” nhằm giải quyết các vấn đề về SEZ liên quan đến chính quyền trung ương và chính quyền cấp bang.

Các mục tiêu chính của Luật Đặc khu kinh tế nhằm tạo thêm hoạt động kinh tế; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ; thúc đẩy đầu tư từ các nguồn vốn cả trong và ngoài nước; tạo cơ hội việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng. Luật nhấn mạnh vai trò chủ chốt của các chính quyền bang trong thúc đẩy xuất khẩu và xây dựng cơ sở hạ tầng có liên quan. Cơ chế phê duyệt SEZ một cửa do Ban phê duyệt liên bộ gồm 19 thành viên cung cấp.

Các quy định về đặc khu kinh tế cũng cấp các yêu cầu tối thiểu về đất đai khác nhau đối với các SEZ có quy mô khác nhau. Mỗi SEZ được phân vào khu vực chế biến - nơi chỉ có các đơn vị SEZ được thiết lập, và khu vực phi chế biến - nơi các cơ sở hạ tầng hỗ trợ được tạo ra.

Các quy định về đặc khu kinh tế còn đơn giản hóa các thủ tục cho việc phát triển, vận hành và duy trì các SEZ; việc thiết lập các đơn vị và xúc tiến kinh doanh trong các SEZ; cơ chế “một cửa” cho việc thiết lập đơn vị trong SEZ; cơ chế “một cửa” cho các vấn đề liên quan tới chính quyền trung ương và bang; đơn giản hóa thủ tục và giấy tờ theo thủ tục, với trọng tâm là sự tự chứng nhận.

Cơ chế phê duyệt và quản lý

Theo thủ tục, nhà đầu tư trình đề xuất thành lập SEZ lên chính quyền bang có liên quan. Trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị, Chính quyền bang phải chuyển đề xuất của nhà đầu tư cùng ý kiến của chính quyền cho Hội đồng phê duyệt. Song, người nộp đơn cũng có thể nộp đơn trực tiếp cho Hội đồng. Hội đồng phê duyệt do Chính quyền trung ương thành lập, theo Luật Đặc khu kinh tế. Tất cả các quyết định được đưa ra trong Hội đồng chấp thuận dựa trên nguyên tắc đồng thuận.

Việc vận hành SEZ được quản lý bởi ba cấp hành chính. Hội đồng phê duyệt là cơ quan có thẩm quyền quyết định cao nhất, do Bộ trưởng Bộ Thương mại đứng đầu. Ủy ban Phê duyệt ở cấp khu vực có thẩm quyền phê duyệt các đơn vị trong SEZ và các vấn đề khác có liên quan. Mỗi SEZ được điều hành bởi một Ủy viên Phát triển, vừa là chủ tịch thường trực của Ủy ban Phê duyệt.

Một khi SEZ được phê duyệt bởi Hội đồng phê duyệt và Chính quyền trung ương thông báo cho khu vực của SEZ biết, các đơn vị được phép thành lập tại SEZ. Tất cả các đề xuất thành lập các đơn vị trong SEZ được phê duyệt ở cấp khu vực bởi Ủy ban Phê duyệt, gồm Ủy viên Phát triển, Cơ quan hải quan và đại diện của Chính phủ Nhà nước.

Các thủ tục sau khi được phê duyệt bao gồm việc cấp mã số nhà nhập - xuất khẩu, thay đổi tên của công ty hoặc cơ quan thực hiện... do Ủy viên Phát triển cấp khu vực thực hiện. Hoạt động của các đơn vị SEZ được giám sát định kỳ bởi Ủy ban Phê duyệt và các đơn vị chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm theo quy định của Luật Ngoại thương, trong trường hợp vi phạm các điều kiện về phê duyệt.