ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập: Bước vào “tuổi vàng”

Theo daibieunhandan.vn

50 được ví như độ tuổi vàng - ngưỡng tuổi đạt tới độ vững vàng trong tri thức, kiến văn và kinh nghiệm. Khổng Tử có câu “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”, nghĩa là ở tuổi 50, người ta có thể thông suốt chân lý của tạo hóa, tức hiểu được mệnh trời. Song, đây cũng là ngưỡng tuổi đối diện với nhiều thách thức, khủng hoảng. Bởi vậy, câu hỏi đặt ra với ASEAN là sau 50 năm thành lập, tổ chức này có vững vàng tiến lên phía trước?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Phép màu ASEAN

Vào ngày 8/8/1967, các Bộ trưởng Ngoại giao của 5 nước Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia và Singapore - cùng ký vào bản Tuyên bố ASEAN, sáng lập ra Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.

50 năm sau, ASEAN được xem là phép màu trong thời hiện đại, Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định.

Trước hết, ASEAN là phép màu địa chính trị, bởi khi mới thành lập, không mấy ai dám nghĩ rằng tổ chức này có thể tồn tại lâu, chưa dám nói đến thành công, do khu vực có 600 triệu dân với nhiều ngôn ngữ, tín ngưỡng và truyền thống khác nhau. ASEAN có khoảng 240 triệu người theo đạo Hồi, 130 triệu người theo đạo Thiên chúa; 140 triệu người theo đạo Phật, 7 triệu người theo đạo Hindu và 50 triệu tín đồ của các tôn giáo dân gian.

Các hệ thống chính trị của ASEAN cũng đa dạng, từ các nền dân chủ đại diện, các quốc gia do một đảng lãnh đạo đến các chế độ quân chủ. Thậm chí, các nền văn hóa của khu vực còn nhiều khác biệt hơn. Theo giáo sư Kishore Mahbubani, trong quá khứ, nếu phải chọn nơi nào trên thế giới khó tổ chức hợp tác khu vực nhất thì ứng cử viên hàng đầu là Đông Nam Á.

Tuy nhiên, ASEAN đã chứng tỏ được sức sống mãnh liệt và là chất xúc tác mang lại hòa bình bền vững cho khu vực vốn đã trải qua những xung đột lớn trong quá khứ. Ngày nay, cam kết về hòa bình giữa các quốc gia thành viên được thể hiện bởi Hiệp ước Thân thiện và hợp tác (TAC), được thông qua năm 1976. TAC tập trung vào việc thúc đẩy hòa bình và ổn định cho khu vực thông qua cơ chế đối thoại, sự tôn trọng và hợp tác giữa các thể chế.

Việc các nước phi thành viên như Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ cũng ký kết TAC là một minh chứng cho thành công về mặt địa chính trị của ASEAN. Mốc quan trọng khác trong việc thúc đẩy hòa bình ở khu vực là ASEAN đã thông qua Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông vào năm 2002. Bên cạnh đó, trong khu vực tồn tại rất nhiều quan hệ liên minh chiến lược dựa trên hiệp ước và phi hiệp ước, cũng như các hình thức dàn xếp an ninh đa phương.

ASEAN cũng là phép màu hợp tác và kinh tế. Chủ tịch Nhóm chiến lược khu vực ASEAN của Diễn đàn kinh tế thế giới (RSG), Chủ tịch CIMB Group, một trong những ngân hàng hàng đầu của ASEAN Nazir Razak cho rằng, trong 50 năm qua, ASEAN đã đạt được thành tựu ngoài sức tưởng tượng.

Trong đó, tiến bộ nổi bật nhất là việc kết nối 10 quốc gia vốn rất đa dạng trong một cộng đồng được tích hợp đầy đủ hơn, với liên kết kinh tế sâu rộng hơn, góp phần củng cố vào sự thịnh vượng khu vực. Cuối năm 2016 đánh dấu sự hình thành Cộng đồng ASEAN, trên ba trụ cột chính: chính trị - an ninh; kinh tế và văn hóa – xã hội, nhằm tiếp nối và thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực hội nhập khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước và mang lại lợi ích cho người dân trên khắp khu vực.

Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương Justin Wood nhận định, ASEAN ngày nay có sức mạnh kinh tế to lớn, với 630 triệu dân, phần lớn vẫn rất trẻ. Các nước ASEAN là những đầu tàu mạnh mẽ của tăng trưởng, dưới các hình thức công nghiệp hóa, đô thị hóa, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ và cải tiến giáo dục… Với tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 5,3% trong khoảng 2007 - 2015, ASEAN là một trong những điểm sáng nhất của nền kinh tế toàn cầu.

Đầu năm 2016, 10 nền kinh tế của ASEAN tập hợp thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới. Đến đầu năm 2017, vị trí này đã được cải thiện lên hàng thứ 6 và dự báo sẽ leo lên hàng thứ 5 vào năm 2020, thậm chí có thể lên hàng thứ 4 vào năm 2025.

ASEAN cũng là một trong những người chơi chính trong hệ thống thương mại toàn cầu. Năm 2015, tổng kim ngạch thương mại khu vực đạt 2.300 tỷ USD, đóng góp nhiều thứ tư trên thế giới sau Trung Quốc, Mỹ và Đức. ASEAN đã nhanh chóng trở thành bên tham gia chính vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi lại, vị thế và vai trò của khu vực trong thương mại toàn cầu càng được củng cố.

Có thể nói, trong kỷ nguyên của sự bi quan về hòa hợp văn hóa, triển vọng kinh tế, sự gia tăng cạnh tranh địa chính trị và căng thẳng, 10 nước ASEAN đã cung cấp ví dụ phản bác lại tất cả những mệnh đề này.

Cuộc khủng hoảng tuổi trung niên?

Bất kỳ tổ chức nào cũng đều có điểm yếu và ASEAN đã bộc lộ những yếu điểm của mình. Một trong số đó là khoảng cách giữa lời hứa và thực hiện lời hứa. Các nhà lãnh đạo ASEAN dường như luôn cán đích chậm hơn so với mốc thời gian đã đề ra.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc làm nên thành công và cả sự khác biệt so với các tổ chức khu vực khác là sự đồng thuận và không can thiệp giữa các nước thành viên. Thế nhưng, giới phê bình cho rằng, các nguyên tắc này không còn phù hợp, thậm chí bộc lộ hạn chế trong giải quyết vấn đề Biển Đông, cản trở 10 quốc gia cùng tiến bước trong tiến trình hòa nhập.

Các nước ASEAN cũng đang phải đối mặt với những thách thức địa chính trị nghiêm trọng, trong đó phải kể tới sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai cường quốc Mỹ - Trung Quốc và quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ.

Khu vực cũng đối mặt với những thách thức từ sự trỗi dậy của các nhóm cực đoan, biến đối khí hậu, biến động kinh tế và thị trường tự do… Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak Institute ở Singapore Tang Siew Mun cho rằng, cũng giống như một người bước vào tuổi trung niên, ASEAN có nhiều vấn đề phức tạp cần giải quyết, vì vậy, đây là giai đoạn tổ chức này cần thường xuyên tự kiểm tra, xem xét lại bản thân và đánh giá những điểm mạnh, yếu, nhằm xác định giải pháp và đường hướng tiếp theo.

Năm 2017 đánh dấu cột mốc 50 năm phát triển và thịnh vượng của ASEAN. Cũng là năm của sự khởi đầu mới đầy hứa hẹn song cũng sẽ không ít gian truân, khi ASEAN phải đương đầu với những thử thách, vượt qua chính mình để phát triển mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò trên trường quốc tế.