ASEAN: Tránh xa nguy cơ “Brexit”

Theo daibieunhandan.vn

Trong nhiều thập niên qua, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vẫn nhìn nhận Liên minh châu Âu (EU) như là một mô hình kiểu mẫu để xây dựng và thúc đẩy tiến trình liên kết nội khối. Vì thế, trước “cơn địa chấn” mang tên Brexit của EU, không ít ý kiến quan ngại về một kịch bản tương tự tại khu vực đang nổi lên này. Giới chuyên gia cho rằng Brexit là một lời cảnh báo sớm mà Đông Nam Á không thể bỏ qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực tế, có nhiều lý do để ASEAN phải cảnh giác, đặt ra những bài toán khó cho các nhà hoạch định chính sách khu vực, ở cấp độ từng quốc gia riêng lẻ cũng như tại đầu não Jakarta (Indonesia), nơi đặt trụ sở hiệp hội.

Cần đồng đều hóa lợi ích

Đó là những bất cập trong hội nhập kinh tế khu vực. Tại Đông Nam Á, mức độ hội nhập chưa thể được xem là sánh bằng EU, nhưng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã được xây dựng theo mô hình và chia sẻ những tham vọng của EU - đó là hướng tới một thị trường duy nhất và một chuỗi cung ứng công nghiệp chung, với sự dịch chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ và lao động. Về ưu điểm, AEC từ khi bắt đầu đã tìm cách vượt qua những khác biệt giữa các thành viên, với các chương trình được thiết kế để thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia thành viên mới và cũ, giữa các nước giàu và nghèo.

Tuy nhiên, mô hình liên kết của ASEAN cũng chưa phải hoàn hảo. ASEAN dường như không có khả năng giải quyết vấn đề bất bình đẳng kinh tế - xã hội mang ý nghĩa quan trọng sống còn. AEC chưa “hội nhập” các lĩnh vực mang tính “nhạy cảm” như mở cửa ngành nông nghiệp, chế tạo ô tô và các ngành mang tính bảo hộ khác. Các công dân ASEAN sẽ được phép làm việc ở các quốc gia khác trong khu vực, nhưng chỉ được giới hạn ở 8 ngành nghề, trong đó có kỹ sư, kế toán và du lịch. Các ngành nghề này chỉ chiếm 1,5% tổng số việc làm của khu vực và các nước chủ nhà vẫn có thể dựng lên các rào cản pháp lý để hạn chế thất thoát nhân tài. Nông dân và lao động phổ thông hoàn toàn ở thế bất lợi.

Trên thực tế, theo một nghiên cứu hồi năm 2014 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các thỏa thuận công nhận nghề nghiệp lẫn nhau của ASEAN (AMRAs) được ký kết hồi năm 2009 chỉ đem lại lợi ích cho 1% số người lao động khu vực Đông Nam Á.

AEC đặt mục tiêu giúp cho người lao động có kỹ năng di chuyển trong toàn khối, nhưng đã không làm gì giúp cho những người không có kỹ năng. Hàng triệu lao động nhập cư đang đối mặt với nguy cơ lớn khi di chuyển để tìm việc làm tốt hơn trong khu vực và để cải thiện điều kiện sống của họ.

Như những gì đã được chứng kiến ở nước Anh, chính một bộ phận dân chúng mang cảm xúc “bị bỏ lại đằng sau” đã nói lời quyết định chia tay với châu Âu, phá hỏng sự hội nhập trong khu vực. Họ đa phần là người lớn tuổi, có thu nhập và trình độ học vấn thấp. Ý nghĩa rút ra từ việc này chính là nhóm đa số chọn rời bỏ gồm những người cảm thấy họ nhận được rất ít lợi ích từ hội nhập châu Âu kể từ khi Anh tham gia vào thị trường chung hồi năm 1973. Nếu chủ nghĩa khu vực và toàn cầu hóa dường như không đem đến lợi ích, chủ nghĩa dân tộc sẽ trỗi dậy và cùng với đó là định kiến và bất hòa. Điều này hoàn toàn có xảy ra với ASEAN nếu không xử lý hiệu quả những chênh lệnh giữa các nước, đặc biệt trong lĩnh vực “cơm áo gạo tiền” như việc làm.

Ngăn chặn nguy cơ chia rẽ nội bộ

Một trong những nguy cơ rõ nét nhất là đó là tình trạng chia rẽ trong nội bộ ASEAN ngày càng trở nên rõ nét. Theo Phó Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh và Quan hệ Quốc tế, Khoa Chính trị, Đại học Chulalongkorn của Thái Lan, gần 50 năm sau khi ASEAN được thành lập, Đông Nam Á đang phải đối mặt với các vấn đề và thách thức bắt nguồn từ sự hợp nhất mang tính khái niệm và đặc điểm địa lý trong thời kỳ hậu thuộc địa sau Chiến tranh Thế giới II. Khu vực bị chia rẽ bởi lợi ích khác biệt và thực tế địa lý trong khi ngày càng bị chi phối bởi sự thao túng và cạnh tranh giữa các cường quốc.

Trong khi quỹ đạo tăng trưởng kinh tế của khối dường như vẫn giữ nguyên, trong phạm vi 5% trong trung hạn, hòa bình và sự ổn định trong khu vực Đông Nam Á vốn được bảo đảm bởi ASEAN, với tư cách một thể chế khu vực, đã không còn chắc chắn. Sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng sự quyết đoán ngày càng tăng của nước này ở Biển Đông và khu vực Tiểu vùng sông Mekong tương tác với quyền lực nổi trội hiện nay của Mỹ đã trực tiếp thách thức sự gắn kết, vai trò trung tâm và khát vọng cộng đồng của ASEAN.

Hiện là thể chế thúc đẩy trật tự tại khu vực Đông Nam Á, nhưng các nước ASEAN không có sự đồng thuận về vai trò của các nước lớn trong khu vực. Các chính thể khác nhau có quan điểm khác nhau. Những yếu tố này nếu không được xử lý thận trọng, thỏa đáng có thể kết hợp với những bất cập trong hội nhập kinh tế khu vực như đã phân tích ở trên có thể tạo nên một “quả bom nổ chậm” đối với ASEAN, xóa bỏ những thành tựu lâu nay của liên minh.

Trong tương lai gần, tại ASEAN sẽ khó xảy ra bất kỳ cuộc biểu tình nào kêu gọi sự giải thể tổ chức, nhưng các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên nên hành động trước, ngay bây giờ và không ngừng nghỉ, để giải tỏa các vấn đề cơ bản có thể đưa đến một kịch bản Brexit ở khu vực.