ASEAN - trung tâm tăng trưởng toàn cầu

Theo baoquocte.vn

Tờ Bloomberg nhận định, ở tuổi 50, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế với nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Nguồn: internet
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Nguồn: internet

Thành lập từ năm 1967 tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), ASEAN gồm 5 quốc gia thành viên ban đầu là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố hòa bình. Từ thời điểm đó, trải qua chặng đường 50 năm, ASEAN đã mở rộng với 10 thành viên, phát triển từ một khu vực đói nghèo, chủ yếu làm nông nghiệp trở thành một trung tâm sản xuất của thế giới.

Nhiều nước trong khu vực ASEAN đã lọt vào top những nền kinh tế phát triển nhanh nhất toàn cầu, điển hình như Philippines hay Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm hơn 6%. Với dân số hơn 620 triệu người và GDP 2.600 tỷ USD, tiềm năng đầu tư vào khu vực ASEAN là rất lớn. Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến năm 2020, khu vực này sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.

Dù vậy, mục tiêu hợp nhất về kinh tế của ASEAN vẫn là chặng đường đầy chông gai và thử thách. Các doanh nghiệp vẫn còn phải đối mặt với nhiều rào cản bất chấp việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) – một thị trường chung nhằm xóa bỏ rào cản thương mại, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, lao động đã được thành lập từ cuối năm 2015.

Tờ Bloomberg phân tích, GDP của các nước ASEAN đã lên tới 2.600 tỷ USD năm 2016 từ  37,6 tỷ USD năm 1970. BMI Research (Tập đoàn thông tin dịch vụ tài chính Fitch Group) dự báo, tốc độ tăng trưởng của khu vực ASEAN sẽ đạt 4,9% trong năm tới với lực đẩy chính là ba nước Myanmar, Việt Nam và Philippines.
Rất nhiều quốc gia phát triển trong ASEAN như Singapore đang phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, tỷ trọng thương mại vì thế sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ những biến động trên toàn cầu. Khu vực Đông Nam Á cũng đang nổi lên như một “công xưởng” mới của thế giới, thay thế cho Trung Quốc nhờ lợi thế nhân công rẻ, nhu cầu nội địa tăng cũng như cơ sở hạ tầng được cải thiện.

Tuy nhiên, tổ chức Capital Economics nhận định, trao đổi thương mại giữa các nước trong khu vực này còn khá thấp so với các nước trong Liên minh châu Âu (EU). “Thương mại nội khối chỉ đóng góp tổng cộng một phần năm kim ngạch, thấp hơn rất nhiều so với hơn 60% tại EU. Rào cản phi thuế quan giữa các nước cũng vẫn cao, đặc biệt là tại Indonesia”, Gareth Leather, chuyên gia kinh tế châu Á cao cấp của Capital Economics đánh giá.

Rất nhiều nước trong khu vực đang hưởng lợi từ yếu tố dân số. Khi lực lượng lao động tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hong Kong co lại từ năm 2015, con số này tại Đông Nam Á được dự báo vẫn tăng đến năm 2020, Nomura cho biết.

Bên cạnh đó, rất nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang tận dụng lợi thế dân số vàng. Trong khi lực lượng lao động tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hong Kong (Trung Quốc) đang có xu hướng giảm dần từ năm 2015 thì khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tiếp tục tăng đến năm 2020.

Triển vọng tăng trưởng mạnh của Đông Nam Á cũng đang giúp khu vực này thu hút nhiều đầu tư hơn. Coca Cola đang mở rộng tại Việt Nam và Myanmar. Trong khi đó, Apple sẽ xây trung tâm nghiên cứu tại Indonesia...