Ba thách thức lớn kinh tế Trung Quốc

Theo Thành An/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Các chuyên gia Trung Quốc chỉ ra rằng, nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với ba thách thức lớn liên quan đến nợ công (đặc biệt là nợ địa phương), bảo hiểm xã hội và tình trạng thoái vốn nước ngoài.

Cuối năm 2014, quy mô huy động vốn của chính quyền các địa phương ở Trung Quốc giảm hơn 70 tỷ NDT. Nguồn:livetradingnews.com
Cuối năm 2014, quy mô huy động vốn của chính quyền các địa phương ở Trung Quốc giảm hơn 70 tỷ NDT. Nguồn:livetradingnews.com

Cuộc khủng hoảng nợ công đang rình rập Bắc Kinh. Theo báo cáo mới nhất của Viện McKinsey toàn cầu (MGI), nợ của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần, từ 7.000 tỷ USD năm 2007 lên 28.000 tỷ USD vào giữa năm 2014, bằng 282% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và cao hơn so với mức của Mỹ.

Nếu cứ tiếp tục đà này, nợ của Trung Quốc sẽ lên tới 400% GDP vào năm 2018, tương đương mức của Tây Ban Nha. Bình luận về sự bùng nổ nợ của Trung Quốc, báo cáo của MGI nhận xét: có một số yếu tố đáng lo ngại: một nửa các khoản vay liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường bất động sản của Trung Quốc, các tài khoản ngân hàng không được kiểm soát chiếm tới gần một nửa các khoản vay mới, và món nợ của nhiều chính quyền địa phương dường như là khó trả.   

Theo MGI, giá bất động sản đã tăng 60% kể từ năm 2008 tại 40 thành phố của Trung Quốc, giá nhà tại các vị trí đắc địa ở Thượng Hải hiện chỉ thấp hơn khoảng 10% mức giá tại New York hay Paris. Một cuộc suy thoái kéo dài sẽ tác động mạnh đến lĩnh vực xây dựng nhà ở, vốn chiếm tới 15% GDP, trong khi các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại, nơi những khoản cho vay liên quan đến bất động sản chiếm tới 30% danh mục cho vay, sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Có tới 9.000 tỷ USD nợ trực tiếp hoặc gián tiếp của Trung Quốc liên quan đến bất động sản, trong đó phần lớn là các khoản cho vay ngầm. Ngoài ra, thị trường bất động sản chậm lại đang làm tăng nguy cơ về một đợt vỡ nợ của các chính quyền địa phương, với 40% số tiền trả nợ được trích từ hoạt động bán đất.   

Số liệu thống kê tới cuối năm 2014 cho thấy, quy mô huy động vốn của chính quyền các địa phương ở Trung Quốc giảm hơn 70 tỷ NDT, chứng tỏ kênh phát hành trái phiếu huy động vốn của các địa phương bị thu hẹp.

Trong khi đó, nhiều thông tin cho biết, vài năm qua, số liệu kinh tế của Trung Quốc không được báo cáo chân thực, trong đó các địa phương có xu hướng báo cáo tăng số nợ. Đằng sau sự gia tăng nhanh chóng về số liệu nợ, không loại trừ khả năng một số khoản nợ đáng lẽ không nằm trong danh mục nợ địa phương đã được đưa vào.

Hai tiết lộ trên cho thấy chính quyền Trung ương khó quản lý được nợ địa phương, do đó, không có được định lượng và định tính chính xác khi giải quyết vấn đề này. Nợ địa phương không được giải quyết tốt sẽ khiến chính quyền địa phương đối mặt với khả năng không thể huy động đủ vốn để phát triển, làm nguồn tài chính địa phương bị thu hẹp nghiêm trọng.    

Nguy cơ thứ hai đến từ lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội là vấn đề cũ, nhưng cái gọi là khủng hoảng bảo hiểm xã hội đang hình thành là cách đề cập mới. Trong bối cảnh kinh tế đi xuống, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Trung Quốc rơi vào khó khăn, yêu cầu giảm gánh nặng của doanh nghiệp trỗi dậy mạnh mẽ.

Trong khi đó, tỷ lệ thu phí bảo hiểm xã hội ở Trung Quốc lại quá cao, trở thành gánh nặng lớn cho doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng tới kinh doanh của doanh nghiệp và nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Tuy nhiên, kỳ vọng của ngành bảo hiểm xã hội có thể lại trái với mong muốn của doanh nghiệp.   

Trung Quốc đã đi qua thời kỳ dân số vàng, thay vào đó, một lượng lớn người dân bước tới tuổi già cần tới bảo hiểm xã hội. Để công bằng, trong tương lai, phạm vi thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cũng cần phải bao phủ cả khu vực nông thôn. Thực tế đó khiến ngành bảo hiểm xã hội phải tăng thu nếu muốn giảm gánh nặng và bảo đảm không bị vỡ quỹ. Tất cả khiến cho cuộc khủng hoảng bảo hiểm xã hội ngày càng hiện rõ.   

Điều đáng chú ý là cuộc khủng hoảng bảo hiểm xã hội lại dẫn tới một chủ đề mới: các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi Trung Quốc. Phí bảo hiểm xã hội không chỉ đè nặng lên doanh nghiệp Trung Quốc, mà còn khiến doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc phải đau đầu.

Không thể thay đổi tình hình, họ chỉ còn cách rút vốn đầu tư. Gần đây, một loạt doanh nghiệp nước ngoài lớn đầu tư vào Trung Quốc đã rút vốn khỏi nước này và một trong những lý do dẫn tới quyết định trên là mức phí bảo hiểm xã hội quá cao.

Đương nhiên, bảo hiểm xã hội không phải là lý do duy nhất, cũng không phải chỉ có doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế tạo rút vốn, mà còn có cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Nguyên nhân thúc đẩy doanh nghiệp nước ngoài rút vốn khỏi Trung Quốc còn đến từ vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ, giá thành nhân công tăng cao, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng…  

Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc vừa phải vực dậy nền kinh tế sa sút vừa phải ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính tiềm tàng đặt ra các bài toán cho giới hoạch định chính sách của Trung Quốc.