Bài học từ 25 năm trước dành cho thị trường chứng khoán toàn cầu

Theo CafeF

Dường như những bài học vẫn chưa được nhận thức đúng đắn. Bằng chứng là vào năm 2007 thị trường lại tiếp tục đi theo "vết xe đổ" của 25 năm trước.

Bài học từ 25 năm trước dành cho thị trường chứng khoán  toàn cầu
Dường như những bài học vẫn chưa được nhận thức đúng đắn. Bằng chứng là vào năm 2007 thị trường lại tiếp tục đi theo "vết xe đổ" của "ngày thứ 2 đen tối".
25 năm trước, vào ngày 19/10/187, thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu đột ngột lao dốc thảm hại. Chỉ số Dow Jones giảm gần 23% chỉ trong 1 phiên và đây vẫn là mức kỷ lục từ trước đến nay.

Khi đó, giới phân tích lao vào so sánh và rút ra kết luận phiên giao dịch trong “Ngày thứ 2 đen tối” giống với cú sụp đổ vào năm 1929 – sự kiện khởi đầu cho thời kỳ Đại suy thoái. Tuy nhiên, vụ sụp đổ xảy ra vào năm 2007 vừa qua mới là phép so sánh chính xác nhất. Có 3 lý do để khẳng định điều đó.

Rõ ràng, sai lầm lớn nhất chính là chính sách tiền tệ. Các NHTW trên toàn cầu nhanh chóng phản ứng với hiện tượng lao dốc không phanh của thị trường. Một số cắt giảm lãi suất trong khi 1 số khác nhanh chóng bơm tiền vào hệ thống.

Năm 2007, Alan Greenspan – người đang là Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại thời điểm đó – khẳng định với trách nhiệm ở vị trí là NHTW của nước Mỹ, Fed sẵn sàng đóng vai trò là nguồn cung cấp thanh khoản hỗ trợ nền kinh tế và thị trường tài chính.

Lời cam kết ấy có thể giúp thị trường bình tâm trong cơn hoảng loạn, nhưng chính nó lại khiến nảy sinh ý niệm cho rằng các NHTW luôn luôn sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ bất cứ khi nào thị trường giảm điểm quá nhanh và mạnh.

Greenspan tiếp tục mắc 1 sai lầm khác khi thị trường chìm trong bong bóng tài sản: kể cả khi giá cả tăng vọt lên mức “trên trời”, cố gắng hạ thấp giá xuống không phải là nhiệm vụ của các NHTW.

Việc thị trường giảm tới 23% chỉ trong 1 phiên hồi năm 1987 trong khi các nền tảng của nền kinh tế không có biến động lớn cho thấy không phải lúc nào thị trường cũng hiệu quả. Tuy nhiên, Greenspan đã từ chối can thiệp vào thị trường, kể cả khi cổ phiếu dotcom bùng nổ vào cuối những năm 1990 hay khi giá nhà đất tăng vọt thời kỳ đầu những năm 2000.

Đối với nhà đầu tư, thị trường trở thành 1 cuộc đánh cược chỉ có 1 chiều: các NHTW sẽ can thiệp khi thị trường xuống chứ không phải khi thị trường lên.

Bài học thứ 2 nằm ở việc mở rộng các bộ phận cần được bảo vệ của khu vực tài chính. Trước năm 1987, bộ phận được tập trung bảo vệ nhiều nhất chính là các ngân hàng nhận nhiều tiền gửi trong khi các nhà môi giới và các ngân hàng đầu tư đóng vai trò khá mờ nhạt trong hệ thống.

Tuy nhiên, sau sự cố “Ngày thứ 2 đen tối” với thông tin về thị trường chứng khoán tràn ngập các bản tin, các nhà hoạch định chính sách mới mở rộng khái niệm rủi ro hệ thống. Giờ đây, khái niệm này được áp dụng cho cả các loại hình tổ chức tài chính khác.

Cũng tương tự như vậy, vào năm 2007, các ngân hàng hay công ty bảo hiểm quy mô lớn điển hình như Citigroup hay AIG vẫn được coi là “quá lớn để có thể sụp đổ”.

Bài học thứ 3 có liên quan đến cách thức giao dịch. Thời kỳ giữa những năm 1980, rất nhiều nhà đầu tư định chế áp dụng chế độ bảo hiểm danh mục và coi đây là 1 cách phòng vệ trước các cú sụt giảm của thị trường. Theo đó, họ sẽ bán các hợp đồng tương lai sao cho khoản lợi thu về trên thị trường phái sinh có thể bù đắp dược khoản lỗ trên danh mục. Tuy nhiên, kỹ thuật này thậm chí còn “thổi phồng” khoản lỗ của thị trường bởi làn sóng bán tháo hợp đồng tương lai là tín hiệu báo động đối với các nhà đầu tư.

Bài học được rút ra ở đây là thị trường không thể tự bảo hiểm rủi ro: nếu như tất cả các nhà đầu tư đều muốn bán tài sản, sẽ không có ai có đủ tiền để mua số tài sản ấy. Tuy nhiên, 20 năm sau, vấn đề tương tự đã xảy ra. Nhà đầu tư ồ ạt bán ra các khoản nợ thế chấp được chứng khoán hóa. Không có ai sẵn sàng mua, giá nhanh chóng lao dốc.

Đối với bài học thứ 3, có vẻ như nhà đầu tư và cả các nhà quản lý đều đã thất bại trong việc rút ra bài học từ trong quá khứ và do đó liên tiếp lặp lại sai lầm. Tuy nhiên, với 2 bài học đầu tiên, các nhà hoạch định chính sách luôn cố gắng tìm ra giải pháp. Điều đáng tiếc ở đây là chính các giải pháp ấy lại tạo ra nhiều vấn đề.

Có lẽ, kết luận lớn nhất ở đây là bất cứ khi nào giá tài sản tăng lên quá nhanh trong 1 thời gian dài, đó đều là dấu hiệu của bong bóng. Và, dường như vẫn chưa có cách nào để dọn sạch đống hỗn độn sau khi bong bóng đã nổ.