Bài toán khó kỷ nguyên Merkel 4.0

Theo Huỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

Bà Angela Merkel đã bắt đầu nhiệm kỳ Thủ tướng Đức thứ 4 sau chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp vừa qua. Tuy nhiên, một thắng lợi không trọn vẹn, báo trước sứ mệnh dẫn dắt châu Âu và nước Đức của bà sắp tới không hoàn toàn suôn sẻ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khó tìm mẫu số chung

Quyền lực trong nước của Thủ tướng Merkel có phần giảm sút, thể hiện qua kết quả bầu cử lập pháp vừa qua, có thể gây khó khăn cho bà trong việc thúc đẩy chính sách đổi mới châu Âu.

Mặc dù Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà vẫn giành đủ số phiếu để được quyền thành lập nội các, nhưng đây là kết quả thấp nhất kể từ năm 1937. Sau khi bầu cử kết thúc, quyền uy của bà Merkel trong đảng tạm thời chưa bị thách thức, nhưng mâu thuẫn sẵn có giữa hai đồng minh truyền thống CDU và CSU trong chính sách người di cư, có dấu hiệu lại nổi lên.

Về lập trường đối với nhất thể hóa châu Âu, CSU bảo thủ hơn so với CDU, luôn nhấn mạnh lợi ích của Đức và của bang Bayern. Hiện nay, liên minh CDU/CSU của bà Merkel có hy vọng tạo thành “Liên minh Jamaica” (theo màu cờ của Jamaica) với đảng Dân chủ Tự do (FDP) thuộc cánh hữu và đảng Xanh thuộc cánh tả.

Tuy về tổng thể các đảng nhỏ như FDP, đảng Xanh… đều giữ lập trường ủng hộ EU, nhưng do ưu tiên của các đảng trong chính sách đối với châu Âu khác nhau, nên trong tương lai, chính quyền Merkel chỉ có thể hình thành “mẫu số chung nhỏ nhất” trong chính sách đổi mới châu Âu.

Thêm vào đó là sự nổi lên của đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) sẽ là lực cản tương đối lớn đối với chính sách châu Âu của Thủ tướng Merkel. Trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức lần này, AfD không những đã vượt qua ngưỡng 5% số phiếu để có chân trong Quốc hội, mà còn trở thành đảng lớn thứ 3 nhờ chính sách bài châu Âu và chống người di cư, đặc biệt là phản đối Hồi giáo.

Tác nhân bên ngoài

Các tác nhân bên ngoài cũng được dự báo sẽ là lực cản không nhỏ đối với bà Merkel nhiệm kỳ này. Sự nổi lên của Pháp ở EU có thể sẽ lấn át phần nào vai trò lãnh đạo của Đức. Từ khi trục truyền thống Pháp - Đức chuyển thành trục chính Đức - Pháp và trở thành một mình Đức lãnh đạo, thì những tiếng phê phán việc Đức tìm lại quyền bá chủ trong EU liên tục tăng.

Vì lý do này, trong nhiệm kỳ thứ 3, Thủ tướng Merkel đã xây dựng có chủ đích liên minh 4 nước gồm Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha, cũng như nỗ lực hồi sinh “Tam giác Weimar” giữa Đức, Ba Lan và Pháp, nhưng về tổng thể hiệu quả không lớn. Sau khi Tổng thống Pháp Macron chủ trương ủng hộ EU và giành thắng lợi trong bầu cử, mọi người đã có thêm hy vọng đối với sự khôi phục trục chính Đức - Pháp.

Tuy nhiên, một tiền đề quan trọng để tái khởi động trục chính Đức - Pháp là sức mạnh tổng hợp quốc gia của Pháp được khôi phục, để có thể hình thành sự cân bằng sức mạnh nào đó với Đức. Vì vấn đề này, kế hoạch cải cách trong nước và EU của ông Macron cản trở lẫn nhau: Tổng thống Pháp muốn nhanh chóng giành được thành tích chính trị ở EU để tạo bầu không khí bên ngoài tích cực cho cải cách trong nước.

Merkel về tổng thể giữ thái độ cởi mở đối với kiến nghị cải cách EU của ông. Nhưng, do không gian hành động trong chính sách đối với châu Âu của Chính quyền Merkel chịu sự ràng buộc bởi những lợi ích nội bộ, bà Merkel sẽ khó lòng ủng hộ hoàn toàn những sáng kiến cải cách EU khá triệt để mà ông Macron đưa ra trong bài phát biểu về “tầm nhìn EU mới”.

Trong khi đó, sau khi Anh rời EU, thế lực hoài nghi và phản đối châu Âu trong EU tăng lên, hình thành những nhóm nhỏ với quan điểm đi ngược lại quan điểm chung của EU trong các lĩnh vực chính sách, khiến cho đoàn kết nội bộ gặp thách thức nghiêm trọng. Ví dụ rõ rệt nhất là việc Hungary từ chối tiếp nhận phán quyết của Tòa án EU về hạn ngạch người di cư.

Xét hiện trạng của EU, trong tương lai tổ chức này sẽ vẫn tập trung nguồn lực và hành động để xử lý công việc nội bộ, đặc biệt là nhiệm vụ bảo đảm an ninh. Còn trên bình diện thế giới, đây sẽ là vũ đài của các nước lớn trong EU, mà đứng đầu là Đức.

Nhưng e rằng sẽ khó khăn cho vai trò lãnh đạo trong tương lai khi mục tiêu theo đuổi vai trò toàn cầu của tầng lớp tinh hoa chính trị và tâm lý cầu an của người dân đang tồn tại khác biệt rõ rệt.