Báo động nợ của hộ gia đình ở châu Á

Thu Huyền

(Tài chính) Thói quen vay tín dụng để chi tiêu và tậu nhà của người châu Á đã khiến tỷ lệ nợ của các hộ gia đình tại 4 nước: Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan lên tới những ngưỡng cao khó tin. Vấn đề này quả thực đáng báo động khi thu nhập của người dân chưa cải thiện được trong vài năm qua.

Kinh tế sa sút khiến các gia đình phải cắt giảm chi tiêu. Nguồn: internet
Kinh tế sa sút khiến các gia đình phải cắt giảm chi tiêu. Nguồn: internet

Theo số liệu từ công ty đánh giá tín dụng lớn nhất thế giới Standard & Poor, tổng nợ các hộ gia đình trên tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2013 ở Malaysia, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc đã lên mức khá cao. Cụ thể: ở Malaysia là 81%, ở Thái Lan là 77%, Singapore là 77% và Hàn Quốc 75%.

Tại Singapore, người dân vay nợ rồi “đổ” phần lớn tiền vào bất động sản (3/4 tổng số vay nợ). Số người vay tín dụng để mua nhà đất đã tăng lên 78% trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2012. Theo ngân hàng Standard Chartered, năm 2012, người Singapore vay nợ tương đương 151% thu nhập hàng năm, cao thứ hai trong khu vực.

Tại Hàn Quốc, các hộ gia đình nghèo nhất cũng là những người có nguy cơ nợ nần chồng chất nhất. Nợ của 20% những người nghèo nhất đạt đến 184% tổng thu nhập khả dụng của họ vào năm 2012. Theo số liệu thống kê của cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc FSS, tính đến cuối năm 2012, tổng số nợ của các hộ gia đình Hàn Quốc là 1.098,5 nghìn tỷ won, tăng từ 52,1 nghìn tỷ won trong năm 2011. Số nợ tăng chóng mặt của các hộ gia đình Hàn Quốc trở thành một lực cản lớn với nền kinh tế, khiến tiêu dùng suy giảm và làm tổn thương tăng trưởng kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, tỷ lệ đòn bẩy cao bắt đầu trở thành nguy cơ khi lãi suất ngắn hạn bắt đầu tăng lên. Các hộ gia đình gánh quá nhiều nợ, dù không đến mức phá sản nhưng sẽ có những chuyển biến tiêu cực dẫn đến nền kinh tế bị tổn thương.

Vỡ “bong bóng” bất động sản

Kinh tế sa sút khiến các gia đình phải cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là việc mua bất động sản đã bị hạn chế. Điều này lại tác động lên giá cả bất động sản, khiến thị trường này có nguy cơ “vỡ bong bóng”.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trước tình trạng nợ tăng vọt như trên, 4 nước Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan có nguy cơ rơi vào tình trạng giống như Mỹ vào năm 2008, thời điểm mà tỷ lệ nợ trung bình của các hộ gia đình Mỹ lên tới 130%. Tác động của các khoản nợ này không hề nhỏ: giá nhà đất sụt giảm, thị trường nhà đất đóng băng, bong bóng bất động sản ngày càng phình to khiến cho tín dụng tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia rơi vào thế nguy hiểm.

Nhận định lạc quan hơn, ngân hàng Standard Chartered cho rằng, họ không lo ngại về khả năng thanh toán của các hộ gia đình tại Singapore. Do lãi suất thấp, việc trả lãi vay của các hộ Singapore cũng ở mức thấp nhất khu vực. Tuy nhiên, ngân hàng Standard Chartered cũng phải thừa nhận rằng một khi lãi suất tăng, việc trả nợ sẽ trở nên khó khăn đối với nhiều gia đình.

Nói về vấn đề này, các chuyên gia bảo hiểm và tín dụng cho rằng, 4 nước trên cần thực hiện một số biện pháp điều chỉnh trong thời gian tới, bao gồm cả các biện pháp hạn chế chi tiêu của hộ gia đình. Ngoài ra, chính quyền cần siết chặt chính sách tiền tệ cũng như luật lệ trong ngành bất động sản.

Tuy nhiên, điều đáng nói là tránh xa nợ nần và chi tiêu ít hơn có thể tốt cho tài chính của một gia đình, nhưng khi hàng trăm triệu gia đình làm vậy thì nó có thể sẽ làm nền kinh tế toàn cầu chưa thể “sáng” lên trong ngắn hạn.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 11 - 2013