Bảo toàn lợi ích

Theo daibieunhandan.vn

Mỹ có vẻ như lại trở thành miền đất hứa đối với các nhà sản xuất chế tạo ở bờ bên kia Thái Bình Dương, khi Tổng thống Donald Trump kêu gọi các công ty thúc đẩy sản xuất và tạo việc làm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Việc các nhà chế tạo châu Á hối hả tung ra các kế hoạch đầu tư vào Mỹ, nhằm hưởng ứng lời kêu gọi trên. Tuy nhiên, động thái này xuất phát từ những quan ngại về việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng lời “đe dọa” của ông Trump về việc “dán nhãn” một số quốc gia làm thao túng tiền tệ và cân nhắc đưa thuế nhập khẩu hoặc thuế biên giới vào một phần các chính sách “nước Mỹ trên hết” của mình.

Được biết, công ty chế tạo thiết bị điện tử của Nhật Bản Sharp Corp có khả năng sẽ khởi công xây dựng một nhà máy trị giá 7 tỷ USD tại Mỹ trước ngày 30/6 tới, nắm quyền điều hành trong một dự án trước đó được công ty mẹ Foxconn (nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất thế giới của vùng lãnh thổ Đài Loan) cân nhắc. Trước đó, Chủ tịch Foxconn là ông Terry Gou cũng cho biết công ty có thể sẽ thiết lập một nhà máy tại Mỹ với số vốn đầu tư có thể lên tới trên 7 tỷ USD và dự kiến sẽ tạo ra khoảng 30.000 - 50.000 việc làm.

Không kém cạnh, Samsung - tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc – có thể cũng sẽ xây dựng một nhà máy tại Mỹ phục vụ mảng kinh doanh thiết bị gia đình. Samsung cho biết sẽ tiến hành đầu tư lớn tại Mỹ, bao gồm cả nhà máy mạch vi xử lý trị giá 17 tỷ USD tại Austin, Texas. 

Trong khi đó, “đại gia” điện tử đồng hương của Samsung là LG Electronics Inc vừa thông báo sẽ đưa ra quyết định về kế hoạch xây dựng một trụ sở chế tạo tại Mỹ trong nửa đầu năm nay. Ngoài ra, Samsonite International S.A. (thương hiệu lớn nhất thế giới trong ngành vali, balô, túi xách của Mỹ) cho biết đang cân nhắc việc tái thiết lập hoạt động sản xuất tại Mỹ.  

Tổng Giám đốc điều hành “cỗ máy” thương mại điện tử khổng lồ Alibaba Group Holding Ltd của Trung Quốc Jack Ma, đã có cuộc gặp với Tổng thống Trump hôm 10/1 và vạch ra một kế hoạch nhằm tạo cơ hội cho một triệu doanh  nghiệp nhỏ của Mỹ bán hàng cho người tiêu dùng Trung Quốc trong 5 năm tới. Alibaba dự kiến sáng kiến đó sẽ tạo ra 1 triệu việc làm cho người Mỹ.

Các “đại gia” xe hơi cũng không chịu kém. Hãng chế tạo ô tô Toyota Motor Corp của Nhật Bản thông báo kế hoạch đầu tư trị giá 10 tỷ USD tại Mỹ trong 5 năm tới - tương tự dự án trong 5 năm qua - nhằm đáp ứng nhu cầu và nâng cấp các nhà máy để tạo thêm các mẫu xe có hiệu quả nhiên liệu. Hưởng ứng xu thế đó, Tập đoàn Hyundai Motor (Hàn Quốc) công bố kế hoạch tăng 50% đầu tư tại Mỹ lên 3,1 tỷ USD trong vòng 5 năm và có thể sẽ xây thêm một nhà máy mới ở đây. Đáng chú ý nữa là Softbank Group Corp - tập đoàn truyền thông và internet đa quốc gia của Nhật Bản - cũng cam kết một dự án đầu tư trị giá 50 tỷ USD dự kiến tạo mới 50.000 việc làm tại Mỹ.  

Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc đua giữa các “đại gia” châu Á xuất phát từ những quan ngại trong chính sách “nước Mỹ trên hết” và chủ nghĩa biệt lập Mỹ mà chính quyền của tân Tổng thống Donald Trump ủng hộ. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đưa ra quan điểm bảo hộ thương mại và cam kết áp đặt thuế quan cao đối với hàng hóa Trung Quốc. Những chính sách trên đi ngược lại trật tự kinh tế tự do mà Mỹ bảo trợ. 

Mặc dù có các cơ chế thương mại thay thế như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Khu vực Mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc và các tổ chức như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, Ngân hàng BRICS hoặc Ngân hàng Trung ương châu Âu, nhưng trên thực tế chúng chưa phải là lựa chọn hoàn hảo để thay thế hệ thống Bretton Woods và trật tự kinh tế tự do. 

Các chuyên gia đánh giá, việc ông Trump thực hiện chính sách bảo hộ thương mại đối với Mỹ, kéo các doanh nghiệp của Mỹ về nước hoạt động, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, cắt giảm chính sách tài chính, gia tăng đánh thuế đối với các loại hàng hóa nhập khẩu sẽ làm tổn hại các đồng tiền của châu Á khi nó bị suy yếu so với đồng USD, đồng thời đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ gặp nhiều khó khăn. Ứng phó với tình huống đó, các tập đoàn lớn đã lựa chọn tới Mỹ để bảo toàn lợi ích.