Bất đồng giữa Nga và EU về kịch bản “Đại châu Âu”

Theo TTXVN

Cuộc khủng hoảng quan hệ giữa Nga và EU gắn liền với sự kiện xảy ra tại Ukraine trong năm 2013-2014 mà cho đến nay vẫn đang tiếp diễn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Việc giải quyết tình hình ở Ukraine dường như không thể xảy ra ở tương lai gần. Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) Andrey Kortunov mới đây có bài viết đánh giá về thực trạng mối quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) cũng như triển vọng hợp tác giữa hai bên trong khuôn khổ các dự án hội nhập khu vực, nhất là trong khuôn khổ sáng kiến Đại Á-Âu. 

Theo bài viết này, thực sự khó mà tưởng tượng được mối quan hệ Nga - EU trở lại đúng hướng hay việc giao thương trở lại bình thường.

Tuy nhiên, trong một kịch bản tích cực, khi mà vấn đề về Ukraine được giải quyết, liệu điều này có mở đường cho một nhận thức chung về tương lai châu Âu, cho những nỗ lực hòa hợp của Nga và EU để cùng xây dựng một châu Âu rộng lớn hơn (Đại châu Âu) hay không? Điều này nhiều khả năng khó xảy ra.

Tình hình tại Ukraine không thể làm lu mờ những chia rẽ sâu sắc giữa Bờ Đông và Bờ Tây và những bất đồng này dường như không thể biến mất trong "một sớm một chiều".

Ngay cả lúc hợp tác Nga-EU còn “khăng khít” vào những năm 2000 thì Moskva vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận về tầm nhìn “Đại châu Âu” dựa trên cơ sở cạnh tranh hoặc trên cơ sở các chuẩn mực của EU, các quy tắc, tiêu chuẩn cùng các quy trình, thủ tục được tất cả quốc gia châu Âu khác thông qua một cách đơn phương.

Khả năng Nga có thể đồng thuận với tầm nhìn ngày nay của EU là không cao khi liên minh này đang phải đấu tranh với nhiều cuộc khủng hoảng và tương lai các dự án của EU có vẻ kém khả quan hơn so với khoảng 15-20 năm trước. 

Theo đánh giá của các tổ chức chính trị Nga, mức độ tin cậy các dự án của châu Âu đã suy giảm. Hơn nữa, ngay cả khi quan hệ Nga – EU còn “khăng khít” thì toàn bộ trung tâm phát triển về kinh tế và kỹ thuật đã dịch chuyển xa hơn từ những nước thuộc Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, như vậy ít nhất về mặt lý thuyết, một sự lựa chọn thay thế khá hấp dẫn về hội nhập cũng đã mở ra với Moskva.

Khái niệm của nước Nga về một châu Âu rộng lớn (Đại châu Âu) luôn có sự khác biệt. Moskva đang tiếp cận tương lai châu Âu như là “một liên doanh” giữa EU và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU). Tuy nhiên, tầm nhìn như vậy khó có thể thúc đẩy đáng kể sự nhiệt tình của EU. 

Thứ nhất, nhiều người tại Brussels đơn giản không nhận thức được EAEU là một dự án hội nhập “thực sự” tương đương với EU - ngay cả EU của những năm 1960 hoặc 1970. Sự khôn ngoan như thường lệ của EU liên quan đến sáng kiến này không có chỗ để phát huy và người ta cho rằng hầu hết các thành viên EAEU hiện tại sẽ sẵn sàng đánh đổi quy chế thành viên trong tổ chức này để có được quan hệ gần gũi hơn với EU, nếu họ được lựa chọn. 

Moskva được cho là cả công khai lẫn không công khai sử dụng các biện pháp khác nhau để vận động các quốc gia hậu Xô Viết còn đang lưỡng lự vào EAEU 

Quan trọng hơn, EU vẫn chưa sẵn sàng và cũng không có nhiều kinh nghiệm trong việc tiến hành đàm phán một cách bình đẳng - ngay cả với các đối tác mạnh như Trung Quốc hay Mỹ. Chiến lược truyền thống của EU luôn nhằm mở rộng (về mặt địa lý) các tiêu chuẩn, quy tắc và chuẩn mực của mình, chứ không phải điều chỉnh các tiêu chuẩn và quy tắc này phù hợp với môi trường quốc tế đang thay đổi. 

Việc phổ biến rộng rãi các tiêu chuẩn EU luôn là nền tảng trong tư duy của người châu Âu, nghĩa là chủ đề đàm phán với các đối tác bên ngoài không chỉ là sự thỏa hiệp đôi bên cùng có thể chấp nhận, mà là về khả năng thích ứng của các đối tác này trong việc áp dụng khung pháp lý của EU. 

Sự khác biệt trong cách nhìn nhận về tương lai châu Âu khó có khả năng sớm tìm được tiếng nói chung, ngay cả khi cuộc khủng hoảng Ukraine được giải quyết. Người ta có thể lập luận rằng quan hệ EU-Nga hiện tại thể hiện sự cân bằng giữa các điểm yếu của nhau. 

Brussels không có đủ lập luận để thuyết phục Moskva chấp nhận tầm nhìn về "một châu Âu lấy EU làm trung tâm" và buộc Nga phải thể hiện "xứng đáng" cho việc đưa quan hệ song phương quay trở lại thời kỳ tốt đẹp đầu những năm 2000. 

Về phần mình, Moskva, thậm chí cùng với các quốc gia thành viên khác của EAEU, cũng không có đủ sức mạnh để lôi kéo EU tham gia vào một cuộc đối thoại có ý nghĩa. Cả Brussels và Moskva dường như tin rằng thời gian vẫn đứng về phía họ, nhưng những chuyển động về chính trị và kinh tế toàn cầu gần đây đang đặt dấu hỏi cho niềm tin này.

Nếu Moskva một mình hoặc cùng với EAEU không thể yêu cầu EU tiến hành đối thoại một cách bình đẳng thì nước này phải tham gia một liên minh mạnh mẽ hơn để có thêm đòn bẩy trong việc đối thoại với Brussels. Nói cách khác, đối với Nga, khái niệm “Đại châu Âu” cần phải và sẽ trở thành một phần của khái niệm “Đại Á – Âu”. 

Ý tưởng về sự xoay trục của Nga sang châu Á xuất hiện từ rất lâu; Nga đã cố gắng triển khai ý tưởng này qua nhiều thời kỳ và dưới nhiều hình thức khác nhau. Kết quả thì không chưa thật rõ ràng; Tóm lại, mặc dù có một số thành công, nhưng Nga vẫn chưa trở thành thành viên đầy đủ của cộng đồng các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đang nổi lên.

Một trong những vấn đề về phương pháp tiếp cận hiện tại của Nga đối với châu Á là lối nhận thức “truyền thống” của Nga rằng xoay trục sang châu Á chỉ là một sự thay thế thực dụng cho công cuộc hiện đại hóa kinh tế, xã hội và chính trị của Nga. 

Người ta cho rằng, việc hợp tác với các đối tác châu Á - từ Trung Quốc, Hàn Quốc cho đến Ấn Độ và Malaysia – không đòi hỏi nhiều về chất lượng quản trị, đa dạng hóa nền kinh tế, không cần đầu tư nhiều vào nguồn nhân lực và công nghệ, không phải đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, nghĩa là không giống như hợp tác với EU. 

Trên thực tế, những yêu cầu này ở châu Á thậm chí còn cao hơn châu Âu, bởi vì châu Á lục địa phát triển năng động, tính cạnh tranh trên thị trường châu Á khốc liệt hơn, chủ nghĩa đa phương kém phát triển hơn và các hoạt động kinh tế nhìn chung không có chỗ cho những người tụt lại phía sau.

Đồng thời, xuất phát điểm của Nga ở châu Á yếu hơn nhiều so với ở châu Âu. Tại châu Á, người ta chủ yếu vẫn cảm nhận Moskva là “đứng ngoài cuộc chơi”. Không có cộng đồng người Nga đông đảo trong khu vực, cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội tại phần châu Á của Nga kém phát triển hơn nhiều so với phần châu Âu của Nga, khác biệt văn hóa sâu sắc giữa Nga và các quốc gia châu Á... 

Những tiến bộ gần đây trong thương mại song phương với Trung Quốc, trong việc tiếp cận với các đối tác châu Á mới, trong việc phát triển cơ cấu tổ chức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) không thể khỏa lấp nhiều vấn đề chưa được giải quyết, điều này đã làm chậm tiến trình Nga trở thành một quốc gia thực sự có ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vậy tại sao là châu Á mà không phải châu Âu? Dự án Á-Âu của Nga ngày nay có ít nhất hai lợi thế so với dự án châu Âu. Thứ nhất, mặc dù những tương tác của Nga với nhiều nước châu Á rất phức tạp và không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng sẽ không có vấn đề tiêu cực như với hầu hết quốc gia phương Tây. 

Các nước lớn ở châu Á hiện không coi Nga như một thách thức mà là một cơ hội tiềm năng. Ví dụ, diễn biến tại Ukraine rõ ràng tạo ra ít “cảm xúc” ở châu Á hơn là ở châu Âu và hầu hết các quốc gia châu Á cho rằng vấn đề trên không ảnh hưởng tới bất kỳ “trật tự châu Á” nào. 

Thứ hai, Dự án Á-Âu, không như dự án châu Âu, vẫn còn trong giai đoạn đầu triển khai và chưa tạo ra các quy tắc cứng nhắc, chưa tạo ra bộ máy quan liêu cồng kềnh, vốn đang là truyền thống ở châu Âu. Hơn nữa, hầu hết các sáng kiến “Á-Âu” (như Vành đai và Con đường, BRIСS+) thường chung chung để giảm chi phí đầu vào ban đầu cho các đối tác và thành viên tiềm năng. 

Đây là một cách tiếp cận rất khác so với khung thể chế rất cứng nhắc của EU. Do đó, Nga sẽ dễ dàng thâm nhập vào các cơ chế và chế độ mới nổi ở châu Á với tư cách không phải của một người đến sau, mà là một trong những người sáng lập, thậm chí trong một số trường hợp còn là một trong những nhà lãnh đạo. 

Ở đây không hàm ý rằng “dự án châu Âu” không có ý nghĩa gì đối với Nga. Sự thật lại hoàn toàn ngược lại. Lợi thế quan trọng nhất của Moskva trong khu vực châu Á chính là “bản chất” châu Âu của Nga. Chỉ bằng cách làm rõ bản chất này, Nga mới có thể trở thành một nhân tố có giá trị trong khu vực Á - Âu mới. 

Với ý nghĩa này, một nước Nga thành công trong khu vực châu Á có thể được so sánh với Australia hoặc New Zealand - hai nước này đã hội nhập rất tốt vào chuỗi dây chuyền sản xuất kinh tế châu Á chính vì họ khác biệt với tất cả các nước châu Á khác. Do đó, đối với Moskva, điều quan trọng là phải duy trì và mở rộng quan hệ nhân văn, văn hóa, giáo dục và các mối quan hệ lịch sử khác dựa trên bản chất châu Âu của Nga.

Tương lai lâu dài của mối quan hệ giữa EU và Nga phụ thuộc phần lớn vào tương lai của chính EU trong khoảng 5-10 năm nữa, khi Nga bước vào chu kỳ chính trị mới. Khi đó, vấn đề "quay trở lại châu Âu" sẽ có vẻ không còn phù hợp nữa. 

Vấn đề đó nên được thay thế bằng một câu hỏi khác, thực tế hơn là Moskva và Brussels có thể cộng tác như thế nào trong khuôn khổ dự án Đại Á - Âu đang nổi lên. Suy cho cùng, không nên quên rằng toàn bộ châu Âu, thậm chí tính thêm cả phần châu Âu của Nga, cũng chỉ là một bán đảo lớn ở góc phía Tây của lục địa khổng lồ châu Á.