Bê bối khí thải đe dọa “nhấn chìm” Volkswagen

Theo Thông tin Tài chính

Vụ bê bối gian lận khí thải của hãng xe hơi danh tiếng nước Đức Volkswagen (VW) đang khiến hãng này hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt không chỉ khiến VW có nguy cơ phá sản mà còn khiến nền kinh tế Đức chao đảo.

Ảnh minh họa. Nguồn: cartoonstock.com
Ảnh minh họa. Nguồn: cartoonstock.com

Thiệt hại khôn lường

Trung tuần tháng 9, tập đoàn chế tạo ô tô hàng đầu thế giới VW trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông quốc tế khi thừa nhận với Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) là đã bí mật cài phần mềm vào các thiết bị tại Mỹ, cho phép bật đầy đủ tính năng kiểm soát ô nhiễm chỉ khi xe bị các cơ quan chức năng kiểm tra khí thải.

Nhờ phần mềm này, các xe chạy động cơ diesel theo tiêu chuẩn Euro5 của VW luôn đạt tiêu chuẩn khí phát thải theo đúng quy định khi bị kiểm tra, nhưng khi sử dụng bình thường, những chiếc xe này sẽ thải ra lượng khí gấp 10 - 40 lần quy định cho phép.

Khi vụ bê bối gian lận khí thải của VW được công bố, giá cổ phiếu của hãng này ngay lập tức giảm gần 30% chỉ trong 2 ngày, khiến cho giá trị vốn hóa của tập đoàn bốc hơi 30 tỷ euro, kéo giá một loạt cổ phiếu của các hãng xe khác như Renault (Pháp) hay Nissan (Nhật Bản) giảm theo, vì giới đầu tư lo ngại rằng các tập đoàn này cũng đang nằm trong diện điều tra.

Tổng Giám đốc Martin Winterkorn, người đã có công đưa VW lên ngôi vị dẫn đầu, cũng phải từ chức sau 8 năm giữ cương vị lãnh đạo và hiện đang phải đối mặt với những cáo buộc hình sự.

Ngoài ra, VW còn đang đối mặt với nguy cơ bị phạt tới 18 tỷ USD tại Mỹ, cũng như phải tốn một khoản chi phí khổng lồ để thu hồi những chiếc xe có sai phạm và ngừng bán tất cả các dòng xe chạy bằng diesel.

Mức phạt này tương đương toàn bộ lợi nhuận hoạt động của hãng trong năm 2014 và VW có khả năng để chi trả bởi nguồn tiền mặt của hãng hiện có khoảng 21 tỷ euro, tương đương 24 tỷ USD. Tuy nhiên, vụ bê bối đang làm dấy lên những quan ngại về khả năng VW sẽ mạnh tay cắt giảm nhân công.

Không dừng lại ở đó, hai dòng xe Jetta TDI và Jetta Sportwaden trước đó được Chính phủ Mỹ ưu đãi thuế 1.300 USD/xe nhờ vào đánh giá “xanh” về khí phát thải sẽ bị truy thu thuế. Giới nghiên cứu ước tính số tiền truy thu thuế sẽ khiến VW thiệt hại thêm khoảng 54 triệu USD.

Bê bối vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi Audi, một thương hiệu khác thuộc sở hữu của VW, tiếp tục công khai thừa nhận có tới 2,1 triệu ô tô Audi sử dụng phần mềm được thiết kế nhằm “qua mặt” các nhà chức trách ở khâu kiểm định tiêu chuẩn khí thải.

Cụ thể, trong số 2,1 triệu xe có sử dụng phần mềm gian lận (tất cả xe này đều dùng động cơ diesel tiêu chuẩn Euro5) thì có 1,42 triệu xe đang lưu hành ở khu vực Tây Âu, 577 nghìn xe được bán tại Đức, 13 nghìn xe được bán tại Mỹ. Các dòng xe liên quan tới sai phạm gian lận kiểm định khí thải gồm Audi A1 - A3 - A4 - A5 - A6 - TT - Q3 và Q5, bao gồm nhiều chủng loại xe khác nhau như xe thể thao, xe SUV, xe gia đình…

Ngay sau khi thông tin này được công bố, giá cổ phiếu của Audi giảm 2,5%, mất hơn 100 điểm xuống còn 698 euro/1 cổ phiếu. Giá cổ phiếu của Audi giảm là nhân tố trực tiếp kéo giá cổ phiếu của VW giảm thêm gần 6% và đứng ở mức thấp nhất trong bốn năm qua.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, cổ phiếu của VW đã mất giá tới 36%, gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư. Quỹ đầu tư quốc gia của đất nước Vùng Vịnh Qatar (QIA) phải chịu thiệt hại nặng nề nhất khi cổ phiếu của VW mất giá. QIA, hiện đang nắm giữ cả cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi của VW, đã thua lỗ khoảng 8,4 tỷ USD kể từ khi vụ bê bối được phát hiện.

Không chỉ có hãng xe hơi VW hay các nhãn hiệu xe khác thuộc sở hữu của hãng này bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối trên, các thương hiệu xe hơi nổi tiếng khác của Đức cũng phải chịu tổn thất liên đới do những tác động tiêu cực từ sai phạm của VW.

Tại Đức, giá cổ phiếu của Daimler AG, công ty mẹ của Mercedes - Benz, giảm 7% trong khi giá cổ phiếu của BMW cũng giảm 6%. Tại Mỹ, giá cổ phiếu của các hãng sản xuất ô tô lớn như Ford và General Motors (GM) cũng giảm lần lượt 2,8% và 1,9%.

Hệ lụy tới nền kinh tế Đức

Hãng tin Reuters nhận định, vụ bê bối của VW đã gây ra một cú sốc lớn ở Đức và trở thành mối nguy cơ lớn đe dọa nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Chuyên gia kinh tế trưởng Carsten Brzeski của Ngân hàng ING nhận định: “Nếu doanh số của VW tại thị trường Bắc Mỹ sụt giảm trong những tháng sắp tới, thì không chỉ ảnh hưởng xấu tới công ty, mà còn tới cả toàn bộ nền kinh tế Đức”.

Những nhận định bi quan này hoàn toàn có cơ sở do VW là hãng xe lớn nhất của Đức và đứng số 1 thế giới về doanh số bán ra. Tại Đức, VW có 270.000 nhân công, chưa kể một lượng công nhân lớn hơn làm việc cho các nhà cung cấp của hãng. Các số liệu thống kê cho thấy, cứ 10 chiếc ô tô được bán ra trên thế giới lại có 1 chiếc thuộc các thương hiệu ô tô do VW sở hữu. Gần 70% xe của VW được bán ra bên ngoài biên giới nước Đức.

Không những thế, VW cùng với những thương hiệu xe hơi nổi tiếng “Made in Germany” khác như Mercedes - Benz và BMW, đã tạo ra ngành công nghiệp lớn nhất nước Đức, đóng góp 2,7% GDP của nước này. Khoảng 20% hàng xuất khẩu từ nước Đức là các loại xe và phụ tùng xe ô tô.

Riêng trong năm 2014, doanh số bán xe hơi trong nước và xuất khẩu của Đức đạt 368 tỷ euro, (tương đương 411 tỷ USD), chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Ngành công nghiệp ô tô của Đức cũng tạo ra 775.000 việc làm, chiếm gần 2% lực lượng lao động Đức và cung cấp khoảng 600.000 việc làm trên toàn thế giới.

Giới phân tích cảnh báo, việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghiệp ô tô có thể trở thành mối đe dọa lớn đối với kinh tế Đức vốn được dự báo tăng trưởng 1,8% trong năm 2015.

“Sản xuất ô tô là một ngành công nghiệp có mức độ sáng tạo cao và tạo ra nhiều công ăn việc làm của nước Đức do đó sẽ tiếp tục là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Đức” - Phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Đức cho biết.

Tương lai nào cho VW?

Là hãng xe lớn nhất nước Đức, VW hiện đang sở hữu trong tay 10 nhãn hiệu lớn, bao gồm Volkswagen, Audi, Bentley, Lamborghini, Bugatti, Seat, Skoda, Scania AB, MAN SE và Ducati.

Trong đó, dòng xe chạy diesel được VW xem như một trụ cột chiến lược quan trọng để phát triển doanh số tại Mỹ, thị trường mà hãng đã dày công phát triển trong suốt nhiều năm qua.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2014, VW đã bán tổng cộng 9,91 triệu xe con và xe thương mại hạng nhẹ tại thị trường Mỹ. Sự thành công của VW một phần được cộng hưởng từ doanh số bán hàng của các hãng con như Audi hay Skoda, với mức tăng trưởng tương ứng là 9,3% và 10,2% trong năm 2014.

Vụ bê bối của VW được xem là cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay trong ngành công nghiệp ô tô thế giới, không những mất đi hình ảnh của tập đoàn mà còn làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng đối với VW.

Ngoài những thiệt hại về tài chính trước mắt để nộp phạt và chi phí pháp lý cho những vụ kiện, VW còn phải đối mặt với tương lai u ám khi doanh số bán xe sụt giảm nghiêm trọng do làn sóng tẩy chay, “nói không với VW” của người tiêu dùng toàn cầu.

Mới đây, Hãng sản xuất xe Suzuki Motor của Nhật Bản đã bán toàn bộ số cổ phần mà thương hiệu này sở hữu tại tập đoàn VW cho đối tác Porsche Automobil Holding SE với giá trị giao dịch khoảng 36,7 tỷ yên Nhật (tương đương 304 triệu USD).

Trong khi đó, Thụy Sỹ cũng tuyên bố cấm bán các mẫu xe VW bị ảnh hưởng trong vụ bê bối. Phát ngôn viên Văn phòng liên bang Thụy Sỹ về đường bộ, Thomas Rohrbach, cho biết: Lệnh cấm được áp dụng đối với dòng xe diesel trong chuẩn khí thải Euro5, bao gồm các xe mang thương hiệu VW, Seat, Skoda và một số xe khác thuộc sở hữu của tập đoàn VW. Như vậy, với lệnh cấm này, khoảng 180 nghìn phương tiện sử dụng các động cơ diesel 1.6L và 2.0L sẽ bị ảnh hưởng.

Không những thế, vụ bê bối còn đặt ra dấu hỏi lớn về tương lai của động cơ diesel. Trong thời gian qua, VW đã được xem là lá cờ tiên phong trong việc phát triển các động cơ diesel thế hệ mới, vừa sạch lại vừa có công suất cao. Nhưng vụ bê bối đã làm đảo lộn mọi thứ.

Chủ tịch Hiệp hội ô tô Đức Matthias Wissmann mới đây đã phải lên tiếng bảo vệ công nghệ này: “Việc sử dụng diesel là một nhân tố quan trọng trong việc cắt giảm lượng khí thải CO2toàn cầu. Vì vậy, chúng ta cần phải phân biệt rạch ròi. Đừng vì sai phạm của một tập đoàn mà nghi ngờ cả ngành công nghiệp ôtô của Đức”.

Xem ra, cái tên VW từ đỉnh cao vinh quang bỗng chốc được xem là gánh nặng không chỉ của ngành công nghiệp ô tô mà còn của toàn bộ nền kinh tế Đức. Suy cho cùng, chính hành vi gian dối, thiếu đạo đức trong kinh doanh đã khiến tập đoàn VW phải trả giá và kéo theo hệ lụy cho cả ngành công nghiệp ô tô của Đức.

Phải chăng đã đến lúc VW nói riêng và ngành ô tô thế giới nói chung nhận ra rằng, cái giá của sự trung thực không bao giờ là quá đắt?