Belarus hợp pháp hóa tiền mật mã để thu hút đầu tư nước ngoài

Theo Hải Châu/thoibaokinhdoanh.vn

Belarus đã cho phép hợp pháp hóa các giao dịch bằng tiền kỹ thuật số (crypto - currency), với kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng của khu vực tư nhân và thu hút đầu tư nước ngoài, thổi làn gió mới tự do hóa vào một nền kinh tế còn mang nhiều mầu sắc từ thời Liên Xô cũ.

Belarus đã cho phép hợp pháp hóa các giao dịch bằng tiền mật mã. Nguồn: Internet
Belarus đã cho phép hợp pháp hóa các giao dịch bằng tiền mật mã. Nguồn: Internet

Theo thông cáo với báo chí, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã chính thức ký ban hành quy định trên.

Bitcoin - một loại tiền mật mã phổ biến nhất thế giới, đã mất tới 1/3 giá trị sau khi đạt mức kỷ lục gần 20.000 USD. Nhưng, nhiều người ủng hộ đồng tiền này tỏ ra không hề lo lắng về sự biến động của nó, mà vẫn tin tưởng đây là giai đoạn khởi đầu của một hệ thống tiền tệ mới hoàn toàn tách biệt độc lập, không phụ thuộc chút nào vào các ngân hàng trung ương.

Sẵn sàng tiếp đón nhà đầu tư

Hãng Thông tấn Belta của Belarus dẫn lời ông Lukashenko, rằng: “Những người thông minh thừa hiểu thế nào là ổn định và trật tự. Họ đang cố gắng đến đích. Còn chúng tôi thì chuẩn bị sẵn sàng để tiếp đón”.

Nghị định mới hướng đến thu hút các doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ kỹ thuật số, đặc biệt là những người đang đi tìm cơ hội đầu tư mới tại những quốc gia “thân thiện” với loại tiền này, sau khi cơ quan chức năng của nhiều nước kiểm soát gắt gao hơn việc huy động vốn bằng tiền ảo (Initial Coin Offerings - ICO).

Trả lời phóng viên Reuters, ông Anton Myakishev - Giám đốc văn phòng Microsoft tại Belarus, cho rằng: “Nghị định mới là một bước đột phá đối với Belarus. Nó mang đến cơ hội cho lĩnh vực này tạo ra bước nhảy vọt, cho phép dòng vốn nước ngoài có thể chảy đến Belarus và làm ăn một cách thoải mái”.

Quy định mới sẽ hợp pháp hóa ICO và các giao dịch bằng tiền mật mã, bao gồm cả việc đổi tiền mật mã lấy tiền tệ truyền thống (Rubles) trên các sàn giao dịch Belarus và tất cả sẽ được miễn thuế trong 5 năm tới.

Các công ty công nghệ thông tin trong nước thậm chí còn được lựa chọn tuân thủ một phần theo luật pháp Anh. Đây là vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài vô cùng quan tâm, vì những khó khăn họ gặp phải trong quá trình tìm hiểu pháp luật ở Belarus.

Như lời ông Denis Aleinikov - Giám đốc cấp cao công ty luật Aleinikov and Partners và cũng là thành viên ban soạn thảo Nghị định, “Chúng tôi thường xuyên gặp phải các trục trặc pháp lý. Khi một doanh nghiệp phương Tây muốn mua một công ty Belarus thì hai bên cố gắng thực hiện bên ngoài lãnh thổ Belarus. Nhà đầu tư ngoại rất ngại hệ thống luật pháp nơi đây”.

Quyết tâm của lãnh đạo

Là nước từng thuộc Liên Xô cũ, Belarus ngày nay vẫn cần nhiều sự hỗ trợ tài chính của Nga, trong bối cảnh quy mô khu vực tư nhân còn nhỏ và bị che khuất bởi khối nhà nước, bộ máy công quyền còn quan liêu và các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả.

Tổng thống Belarus - một người từng làm nghề nông và gọi Internet là “rác”, đã quyết tâm và mạnh dạn cải cách để làm mới môi trường kinh doanh và khôi phục nền kinh tế sau suy thoái năm 2015 và 2016. 

Ông Lukashenko tuyên bố: “Trở thành một quốc gia công nghệ thông tin là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng có thể đạt được của chúng tôi. Điều này cho phép chúng tôi biến Belarus trở nên hiện đại, thịnh vượng hơn và cho phép người dân Belarus tự tin hướng về tương lai”. 

Ông Lukashenko cũng nhấn mạnh sự cần thiết phát triển trí thông minh nhân tạo, những chiếc xe không người lái và công nghệ blockchain, công nghệ cho phép nhiều bên chia sẻ hồ sơ kỹ thuật số. 

Có thể nói, riêng với lĩnh vực công nghệ thông tin, chính phủ Belarus rất ủng hộ và tạo điều kiện tối đa.

Chẳng thế mà ngành công nghiệp này vẫn phát triển rất mạnh, bất chấp bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, giúp thu hút lao động nước ngoài, tạo việc làm cho người dân với mức lương có khi gấp tới 5 lần mức trung bình.

Hàng chục công ty phần mềm hiện đang hoạt động trong công viên công nghệ cao ở Minsk (thủ đô của Belarus), trong đó có EPAM Systems - một công ty đặt trụ sở ở Mỹ, do hai người Belarus thành lập vào năm 1993. Các kỹ sư phần mềm của Belarus cũng tham gia xây dựng ứng dụng tin nhắn Viber, hay trò chơi video nổi tiếng World of Tanks.