Bị phạt vì... không cần vay tiền của IMF

Theo Vietnam+

Tổng thống Argentina khẳng định lý do thực mà IMF trừng phạt Buenos Aires là do nước này không cần các khoản vay của tổ chức này.

Bị phạt vì... không cần vay tiền của IMF
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tổng thống Argentina, Cristina Fernandez, khẳng định lý do thực mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trừng phạt Buenos Aires về sự thiếu chính xác trong thống kê kinh tế là sự “bực bội” của IMF trước quyết định của Argentina không cần các khoản vay của tổ chức này.

Trong một hành động chưa từng có trong lịch sử IMF, tổ chức này hôm 1/2 đã ra “tuyên bố khiển trách” Argentina do chậm cải tiến chất lượng thống kê kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chỉ số tăng trưởng kinh tế và lạm phát.

Đây là mức phạt nhẹ nhất, thế nhưng, theo các nhà phân tích, nếu cứ “khăng khăng” không điều chỉnh phương thức thống kê, Argentina sẽ không được nhận tín dụng, đồng thời bị đình chỉ quyền bỏ phiếu, thậm chí trở thành quốc gia đầu tiên bị IMF khai trừ.

Theo số liệu thống kê chính thức của Argentina, nước này đạt tăng trưởng bình quân trên 8% giai đoạn 2003-2011 trước khi giảm xuống khoảng 2% năm 2012 do tác động của khủng hoảng kinh tế quốc tế và hạn hán. Trong khi đó, mức lạm phát dưới 10%.

Tuy nhiên, các hãng tư vấn tư nhân cho rằng lạm phát thực tế cao gấp đôi so với mức công bố và năm ngoái Argentina bị lạm phát cao nhất Mỹ Latinh, với khoảng 25%.

Tiếp quản đất nước trong tình trạng vỡ nợ, tháng 12/2005, người tiền nhiệm đồng thời là phu quân của bà Cristina, cố Tổng thống Nestor Kirchner, quyết định trả toàn bộ khoản nợ 9,5 tỷ USD đối với IMF và tái cấu trúc các khoản nợ trong 2 đợt (năm 2005 và năm 2010). Từ đó đến nay Argentina luôn trả đúng hạn tiền lãi của các khoản nợ đã tái cơ cấu. Riêng năm 2012, Argentina đã trả nợ khu vực tư nhân trên 11,2 tỷ USD.

Theo bà Cristina, việc IMF đưa ra hình phạt trên bởi Buenos Aires cắt đứt quan hệ tín dụng với tổ chức này và từ chối trở lại thị trường tài chính quốc tế.

Từng là một “học sinh ngoan” của IMF trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi mà Argentina theo từng “đơn thuốc” kinh tế của IMF, nhưng khi lâm vào khủng hoảng thể chế và kinh tế lớn nhất trong lịch sử của mình bởi chính “đơn thuốc đó,” Buenos Aires bị IMF bỏ rơi.

Theo chính phủ Argentina, nhờ trả hết nợ và thoát khoải sự can thiệp của IMF, nợ công của Argentina tương đương 166% GDP vào năm 2003, khi ông Kirchner nhậm chức, nay chỉ còn 14%. Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ khi nước này lâm vào khủng hoảng năm 2001 chỉ ở mức 6 tỷ USD, hiện dao động ở mức 45 tỷ USD. Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp hiện chỉ ở mức 6,9%.

Sau khi IMF đưa ra quyết định trên, Bộ kinh tế Argentina ra thông cáo, trong đó đề nghị triệu tập một cuộc họp bất thường của Hội đồng thống đốc của IMF để thảo luận chính sách của cơ quan này đối với Argentina và trách nhiệm của IMF đối với cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới hiện nay.

Thông cáo nhấn mạnh việc trừng phạt Argentina là một “sai lầm mới” và thể hiện sự đối xử không bình đẳng của IMF đối với Buenos Aires.

Trước đó, tháng 9 năm ngoái, sau khi Tổng giám đốc IMF, Christine Lagarde, dọa rút “thẻ đỏ” cảnh cáo nếu Argentina không cải thiện chất lượng thống kê kinh tế theo quy định của IMF, bà Cristina tuyên bố Argentina không phải là một đội bóng mà là một nước có chủ quyền không chấp nhận sức ép và mối đe dọa nào từ bên ngoài.

Bà khuyên IMF học hỏi kinh nghiệm của Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA) vì cứ mỗi 4 năm tổ chức thành công các vòng chung kết World Cup, trong khi từ mấy thập kỷ qua IMF không tổ chức nổi nền kinh tế toàn cầu dẫn tới tình trạng khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng.

Bà còn phê phán IMF không theo dõi sát sao thống kê của các nước như Tây Ban Nha, Ireland, Italy và Hy Lạp dẫn tới việc các nước này lâm vào khủng hoảng và cuộc khủng hoảng tại Tây Âu đã tác động xấu tới kinh tế toàn cầu.