Bồ Đào Nha - "cơn đau đầu mới" của Liên minh châu Âu

Theo NY Times/Đại biểu Nhân dân

Chỉ vài tuần sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu tập trung tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng tài chính tại Síp, rắc rối mới trong khu vực đồng euro lại tiếp tục nổi lên và lần này là Bồ Đào Nha.

Bồ Đào Nha - "cơn đau đầu mới" của Liên minh châu Âu
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Trong bài diễn văn đọc trước quốc dân chủ nhật vừa qua, Thủ tướng Bồ Đào Nha Passos Coelho đã cảnh báo Chính phủ bắt buộc phải cắt giảm chi tiêu nhiều hơn và cuộc sống của người dân “sẽ khó khăn hơn”, sau khi Toà án Hiến pháp ra phán quyết chín biện pháp thắt lưng buộc bụng mà họ đưa vào thực hiện từ năm 2013 nhằm tiết kiệm 5 tỷ euro thông qua tăng thuế và giảm ngân sách công để đổi lấy gói giải cứu tài chính từ các định chế quốc tế cách đây hai năm là vi Hiến. Với phán quyết này, Chính phủ Bồ Đào Nha sẽ thiếu hụt khoảng 1,4 tỷ euro ngân sách.

Nicholas Spiro, giám đốc điều hành của công ty tư vấn nghiên cứu nợ công Spiro Sovereign Strategy tại London, nói những rủi ro của Eurozone đã gia tăng đáng kể trong vòng 6 tuần trở lại đây. Tình hình căng thẳng tại Bồ Đào Nha đã làm dấy lên mối đe dọa về một rắc rối hơn nữa, giữa lúc một số nước thành viên khó khăn đang phải vật lộn để thúc đẩy tăng trưởng sau một thời gian dài cắt giảm chi tiêu.

Sau chiến dịch cứu trợ Hy Lạp năm 2010, các nước EU có nguy cơ cao đã phải hứng chịu lãi suất đi vay tăng mạnh, do các nhà đầu tư tìm cách dự phòng tình huống phức tạp phát sinh trong Liên minh tiền tệ. Cách đây hai năm, Bồ Đào Nha là nước thứ ba trong khu vực đồng euro, sau Hy Lạp và Ireland, phải thương lượng một gói cứu trợ quốc tế. Lisbon đã nhận được khoảng vay 78 tỷ euro từ IMF và các chủ nợ châu Âu, đổi lại họ phải thực hiện các cam kết ngân sách chặt chẽ.

Tuy vậy, nền kinh tế nước này tiếp tục chìm sâu trong suy thoái, khiến cho hàng loạt cuộc biểu tình, bãi công bùng nổ. Tuy nhiên, trong bài phát biểu trước công chúng đầu tiên sau phán quyết của Tòa án, Thủ tướng Passos Coelho vẫn bảo vệ thành quả của chính phủ sau hai năm cầm quyền, đồng thời cho biết sẽ “làm mọi thứ để tránh phải xin cứu trợ lần thứ hai”, trong đó không loại trừ biện pháp tăng thuế.

Tại châu Âu, gần đây nhất Cộng hòa Síp đã nhận được gói cứu trợ 10 tỷ euro từ các chủ nợ quốc tế cuối tháng trước. Theo Jens Weidmann, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức, Síp có thể sẽ cần thêm tiền để cứu hệ thống ngân hàng. Theo ông, cuộc khủng hoảng tại đảo quốc này phản ánh phản ứng nhanh chóng của Eurozone trong việc xây dựng các công cụ dập tắt sự đổ vỡ của ngân hàng mà không tăng thêm gánh nặng cho người đóng thuế hay gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính. Tuy vậy, vẫn có nguy cơ một số ngân hàng có mối liên hệ quá phức tạp và quy mô lớn gặp khó khăn mà không thể cứu trợ nếu không tạo ra một vấn đề nào đó cho hệ thống tài chính. Bồ Đào Nha có thể nằm trong trường hợp này. 

Sau phán quyết của Tòa án, lãnh đạo đảng Xã hội đối lập, António José Seguro đã kêu gọi Thủ tướng Passos Coelho giải tán Quốc hội để tiến hành bầu cử sớm. Cách đây hai năm, chính phủ của đảng Xã hội đã phải từ chức và tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn sau khi Quốc hội bác bỏ chương trình cắt giảm chi tiêu mà họ đưa ra. Thủ tướng Passos Coelho nay nắm giữ đa số tương đối chắc chắn tại nghị viện, với một liên minh trung hữu thành lập bởi đảng Dân chủ Xã hội và đảng Nhân dân, theo xu hướng bảo thủ. Nhờ đó, ngày 3.4, chính phủ đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do đảng Xã hội khởi xướng.

Hiện tại, Bồ Đào Nha đang cố gắng cắt thâm hụt ngân sách từ 6,4% năm 2012 xuống còn 5,5% trong năm nay, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu này khó đạt được do suy thoái kinh tế kéo dài đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên gần 18%, gấp rưỡi so với thời điểm Thủ tướng Passos Coelho nhậm chức. Phán quyết của Tòa án Hiến pháp, mặc dù làm xói mòn lòng tin vào kế hoạch ngân sách của chính phủ, nhưng đồng thời trao cho ông Coelho thêm lý do thuyết phục các chủ nợ cho Lisbon thêm thời gian để đạt được mục tiêu ngân sách.

Trước đó, Bồ Đào Nha đã cam kết sẽ cắt giảm thâm hụt xuống 3% năm 2015. Nhưng theo đánh giá của giáo sư chính trị học Pedro C. Magalhães, Đại học tổng hợp Lisbon, ngay cả khi không có quyết định của Tòa án, Bồ Đào Nha cũng không thể đạt mục tiêu giảm thâm hụt đúng hạn.

Tin vui là bất chấp những phức tạp đó, IMF tiếp tục duy trì lòng tin vào chính phủ của Thủ tướng Passos Coelho, đặc biệt là khi Lisbon cố gắng trở lại thị trường trái phiếu vào tháng 1 vừa qua với đợt phát hành tổng trị giá 2,45 tỷ euro. Bồ Đào Nha được kỳ vọng có thể sẽ tiếp tục xu hướng này với việc chuẩn bị phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên sau đợt cứu trợ quốc tế.