"Bong bóng" chứng khoán thế giới?

PGS.,TS. TRẦN THỊ LAN HƯƠNG

(Tài chính) Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ nói riêng và thị trường chứng khoán thế giới nói chung đang chứng kiến hiện tượng giá lên. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh về “bong bóng” một lần nữa lại dấy lên.

"Bong bóng" chứng khoán thế giới?
"Bong bóng” chứng khoán vẫn chưa xuất hiện? Nguồn: Internet

Đà tăng lan rộng

Sau khi đã tăng hơn 7% trong năm 2012, chỉ số chứng khoán Dow Jones trên TTCK Mỹ tiếp tục tăng với tốc độ chưa từng có trong những tháng đầu năm 2013. Trong tháng 2/2013, Dow Jones đã vượt mốc 14.000 điểm. Tiếp đó, ngày 14/5/2013 Dow Jones đã ở mức cao nhất trong lịch sử là 15.215,25 điểm. Như vậy, tính từ mốc đóng cửa cuối năm 2012 đến nay, Dow Jones đã tăng khoảng 17% và chỉ số này đã tăng hơn gấp đôi kể từ mức “đáy” vào tháng 3/2009.

Từ Dow Jones, đà tăng tiếp tục lan truyền đến các các chỉ số chứng khoán khác của Mỹ. S&P 500 và Nasdaq đều đã lập kỷ lục mới với hơn 1.600 điểm và 3.400 điểm.

Việc rút lại các gói kích thích kinh tế và chính sách lãi suất 0% của FED có thể nguy hiểm: nếu diễn ra quá nhanh, nền kinh tế thực sẽ sụp đổ còn nếu diễn ra quá chậm sẽ gây ra “bong bóng” khổng lồ và khiến hệ thống tài chính đổ vỡ.

Nouriel Roubini
Giáo sư kinh tế Mỹ

Các TTCK của châu Á cũng khởi sắc nhờ phố Wall. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương kể từ đầu năm đến giữa tháng 5/2013 đã tăng tổng cộng gần 10%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản trong phiên 15/5/2013 đã vượt 15.000 điểm, mức cao nhất kể từ thời điểm Lehman Brothers sụp đổ.

Như vậy, Nikkei 225 đã tăng tổng cộng hơn 40% trong năm 2013 và Nhật Bản chính thức là nước có TTCK bứt phá mạnh nhất thế giới từ đầu năm 2013 đến nay.

Niềm lạc quan về nền kinh tế toàn cầu đã đẩy TTCK châu Âu vượt đỉnh 5 năm. Thậm chí, chỉ số DAX của Đức đã lên mức cao nhất mọi thời đại và chốt phiên giao dịch 14/5/2013 ở mốc 8.339,11...

Nguyên nhân

TTCK Mỹ nói riêng và TTCK thế giới nói chung liên tục khởi sắc trong thời gian qua nhờ: kinh tế Mỹ ngày càng có nhiều dấu hiệu khả quan hơn; chính sách tiền tệ thông thoáng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và quyết định hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn; kết quả kinh doanh quý I/2013 tốt hơn dự báo của nhiều công ty Mỹ

Ngoài ra, các TTCK trên thế giới cũng tăng điểm sau các dữ liệu kinh tế tích cực từ các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Đức; Khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone đã sán lạn hơn…

Rủi ro tiềm ẩn

Trong những tuyên bố gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng chính sách lãi suất thấp của các ngân hàng trung ương đã và đang cung cấp “những hỗ trợ cần thiết” cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, IMF cũng đánh giá, các chính sách này cũng có thể có “những tác dụng phụ”, bao gồm việc gia tăng các khoản nợ của của các doanh nghiệp, tạo ra một “bong bóng” trên TTCK và các khoản đầu tư rủi ro của các quỹ hưu trí.

Đồng quan điểm này, Giáo sư kinh tế Nouriel Roubini - Đại học New York đã cảnh báo, các nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn sàng tâm lý TTCK Mỹ có thể xuất hiện điều chỉnh trong 6 tháng cuối năm 2013.

Nouriel Roubini cho biết “bong bóng” chứng khoán vẫn chưa xuất hiện nhưng cam kết nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed có thể dẫn đến “bong bóng” tài sản và cổ phiếu trong hai năm tới. Đặc biệt, ông cho biết nếu cuộc khủng hoảng này xảy ra, nó sẽ tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng vừa qua.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 5 - 2013