Brexit và bài học hội nhập

Theo daibieunhandan.vn

“Cuộc ly hôn phức tạp của Anh và Liên minh châu Âu (EU) không thể giải quyết một sớm một chiều. Nỗi băn khoăn, lo lắng sẽ còn dai dẳng. Không chịu tác động trực tiếp nhưng Brexit là bài học sâu sắc cho hội nhập ở các khu vực nói chung, trong đó có ASEAN”. Đó là ý kiến của GS. David Camroux, Viện Sciences-Po, Đại học Paris, Pháp, đang giảng dạy tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.

Cuộc ly hôn phức tạp của Anh và Liên minh châu Âu không thể giải quyết một sớm một chiều.
Cuộc ly hôn phức tạp của Anh và Liên minh châu Âu không thể giải quyết một sớm một chiều.

Chưa hết lo

Nhìn lại cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, nhóm ủng hộ chia tay đã có cách tiếp cận theo hướng rất hiệu quả. Họ hô vang khẩu hiệu: Hãy lấy lại đất nước, giành lại quyền kiểm soát và chỉ ra viễn cảnh tươi đẹp khi rời khỏi EU. 83% bài viết trên báo chí ủng hộ chia tay, “đánh” vào bất cập di cư, di trú, tình hình tội phạm…

Nhóm chủ trương ra đi đã khôn khéo lợi dụng điều này. Trong khi phe bầu ở lại có vẻ mờ nhạt, chỉ viện chứng những điều tiêu cực như rời đi thì sẽ có thảm họa về mặt kinh tế, tài chính… chứ không đưa được viễn kiến nào tươi sáng.

Đã 3 tháng kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, người dân Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland vẫn chưa ra khỏi trạng thái “the morning after” - thành ngữ dùng cho những người đêm trước uống quá nhiều, tỉnh dậy với cảm giác biêng biêng.

Quyết định xong nhưng lại ngỡ ngàng: Chia tay rồi đi đâu? Liệu người Anh có thể vừa ngắm một cái bánh lại vừa được ăn nó không? Bây giờ lại muốn cả hai, trong khi đường hướng thì chưa vạch ra, quá trình thương thảo ít cũng phải trong vòng 2-10 năm tới.

Nhắm vào toàn cầu hóa

“Tiền không mua được tình yêu”, nhưng rõ ràng sự khác biệt về kinh tế, tài chính… ở các vùng miền đô thị lớn với vùng nông thôn và các đô thị nhỏ đã ảnh hưởng đến quyết định đi hay ở. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới Brexit - cũng là vấn đề không chỉ Anh, EU mà bất cứ quốc gia nào, khu vực nào cũng có thể phải đối mặt - là sự phân cách giữa những người được hưởng lợi từ toàn cầu hóa với những người thấy thua thiệt, cho rằng liên kết chỉ đem đến tổn hại, mất mát.

Khu vực hóa là hiện tượng phổ biến trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhưng hội nhập khu vực không phải là lá chắn để chống lại mà chỉ là hình thức khác của toàn cầu hóa. Tôi cho rằng, người dân bỏ phiếu rời EU không phải để chống lại EU mà sâu xa hơn là chống lại quá trình toàn cầu hóa - cái khiến họ bị gạt ra bên lề.

Ủy ban châu Âu nói rằng, chỉ có EU mới giúp các nước thành viên chống lại tập đoàn quyền năng, đối phó với thách thức toàn cầu hóa nhưng thế mạnh ấy cũng kéo theo hàng loạt áp đặt quy tắc mà quên đi những con người có thân phận nhỏ bé. Không thấy được lợi ích, thậm chí lợi ích bị đe dọa thì người ta không thích thú gì việc ở lại.

Bài học hội nhập

Không có con người thì không có gì cả, nhưng không có định chế thì chẳng có gì được dài lâu. Vấn đề Brexit đặt câu hỏi lớn: Toàn cầu hóa có cần chủ nghĩa khu vực (ý nói các định chế) hay không?

Trong hội nhập, nó như con dao hai lưỡi, một mặt tạo khả năng chống chịu những cú sốc, khủng hoảng bên ngoài, nhưng mặt khác lại mang chất tinh hoa chủ nghĩa, khiến xu thế vận hành nhanh hơn so với những gì xã hội có thể thích ứng. Nỗi lo sợ về làn sóng nhập cư ở châu Âu là một ví dụ về sự hội nhập quá nhanh, trong khi xã hội đa văn hóa cần nhiều thời gian để chấp nhận.

So với EU, ASEAN có lợi điểm lớn ở chỗ: Thứ nhất, không cần quan tâm mở rộng thành viên bởi đã xác định rõ giới hạn địa lý Đông Nam Á. Thứ hai là lực tác động từ toàn cầu hóa đang rất có lợi cho các nước khu vực nên ASEAN cũng không cần phải thu mình, giơ tấm khiên chống lại. Nói chung tình hình kinh tế ở Đông Nam Á khá “trời yên bể lặng” nhưng cũng không ngăn cản thách thức mà ASEAN phải đối mặt hiện tại và tương lai.

Nhiều năm nay, Mỹ khuyến khích sự hội nhập ở châu Âu, nhưng ở châu Á thì lại có thiên hướng liên minh song phương thay vì thúc đẩy hội nhập khu vực. Bên cạnh đó, sự khác nhau trong hệ thống chính trị của các nước thành viên ASEAN, hay vấn đề Biển Đông thể hiện sự tách biệt về lợi ích giữa những quốc gia có biển và không có biển… ở góc độ nhất định, có thể là mối đe dọa nội bộ ASEAN.

Trong bối cảnh đó, hướng tiếp cận chính trị trên quy mô toàn ASEAN là cần thiết, nhất là liên quan đến quá trình cân bằng đa phương với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Liên minh châu Âu… Đó giống như sự chống đỡ trước thách thức hội nhập, chia rẽ. Tôi thường ví hội nhập khu vực giống như đi xe đạp, không có yên, không có bàn đạp thì khéo lại “ngã lộn cổ”. 

“Bất chấp diễn biến chia rẽ ở châu Âu, yêu cầu đoàn kết vẫn được đặt ra. Các vấn đề như cháy rừng (2015) ở Sumatra và Kalimantan của Indonesia, khói bụi thổi sang tận Singapore, Malaysia... hay trường hợp xây đập chặn dòng MeKong đe dọa đến cuộc sống của người dân quốc gia khác thì một quốc gia đơn lẻ không thể giải quyết được. Nếu vậy, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau đặt ra ở ASEAN sẽ phải xử lý như thế nào? Rõ ràng, đến lúc cần có một cơ chế chung dựa trên quan hệ siêu quốc gia”.

GS. David Camroux