Hạ viện Mỹ dời thời hạn bỏ phiếu về TAA:

Bước lùi của hy vọng?

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Để không chậm chân so với các đối tác trong lĩnh vực tự do thương mại, các nhà lập pháp Mỹ đã chính thức phê chuẩn đề nghị lùi thời hạn chót để bỏ phiếu lần hai về dự luật Điều chỉnh Hỗ trợ thương mại (TAA), một dự luật đi kèm với Quyền Thúc đẩy Thương mại (còn gọi là quyền đàm phán nhanh - TPA). Nước Mỹ cần có thêm thời gian.

Tổng thống Barack Obama đang nỗ lực vận động để được Quốc hội Mỹ trao TPA. Nguồn: internet
Tổng thống Barack Obama đang nỗ lực vận động để được Quốc hội Mỹ trao TPA. Nguồn: internet

Với 236 phiếu thuận và 189 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã đồng ý lùi thời điểm bỏ phiếu lần thứ 2 về dự luật TAA tới ngày 30/7. Giới chức Mỹ cho rằng, với thời gian được gia hạn, những người ủng hộ TPA có thêm thời gian tìm kiếm những giải pháp cứu vãn dự luật thúc đẩy thương mại này.

TAA là một phần trong gói dự luật về TPA. Dự luật này được soạn thảo nhằm hỗ trợ cho các lao động Mỹ bị mất việc làm vì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Washington đang thúc đẩy. Tổng thống Barack Obama đang nỗ lực vận động để được Quốc hội Mỹ trao TPA, qua đó mở đường cho ông toàn quyền xúc tiến các cuộc đàm phán TPP với 11 quốc gia đối tác.

Hầu hết các nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ trao TPA cho Tổng thống Obama, song phần lớn các nghị sĩ Dân chủ dưới sức ép của các nghiệp đoàn tới nay vẫn phản đối điều này. Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn gói dự luật về TPA hồi cuối tháng trước. Trong cuộc bỏ phiếu hồi tuần trước, Hạ viện cũng đã phê chuẩn TPA song lại bác bỏ TAA.

Việc trì hoãn bỏ phiếu với TAA ảnh hưởng tới kế hoạch của Tổng thống Obama nhằm kết thúc nhanh đàm phán TPP. Theo Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Thune, càng bị kéo dài thì việc phê chuẩn TPA càng trở nên khó khăn và việc thông qua TPP càng trở nên phức tạp, trong khi hiệp định này cần được Quốc hội Mỹ thông qua trong năm nay, trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới.

Giới phân tích nhận định, việc Hạ viện bác bỏ dự luật TAA là một tổn thất khá nặng nề đối với Tổng thống Obama. Trong trường hợp này, TAA là công cụ để các nghị sĩ Dân chủ phong tỏa TPA, qua đó trì hoãn TPP do lo ngại rằng một khu vực tự do thương mại, chiếm tới 30% thương mại và 40% kinh tế toàn cầu, sẽ chỉ đem đến lợi ích cho các công ty đa quốc gia.

Bên cạnh đó, dưới sức ép của các nghiệp đoàn, các nghị sĩ Dân chủ tiếp tục cho rằng phần dự luật TAA mà Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 5 là không đủ mạnh để có thể hỗ trợ cho những người lao động Mỹ bị mất việc làm vì TPP.

Việc lùi thời điểm bỏ phiếu lần thứ 2 về dự luật TAA tới ngày cuối cùng của tháng 7 mở ra hy vọng các nghị sĩ và chính quyền sẽ có những điều chỉnh để dung hòa lập trường, hướng tới một sự thỏa hiệp cho một mục tiêu lớn hơn.

Nếu TAA được thông qua thì chắc chắn ông chủ Nhà Trắng sẽ được Quốc hội trao quyền đàm phán nhanh, đây là một thắng lợi đối với chính quyền của Tổng thống Obama, người từng coi việc kết thúc đàm phán TPP với 11 đối tác châu Á - Thái Bình Dương là một ưu tiên đối ngoại trong nhiệm kỳ hai.

Dù đã được kỳ vọng là một “di sản” kinh tế của Tổng thống Obama, nhưng đàm phán TPP có thể sẽ phải kéo dài thêm một thời gian nữa với nhiều khó khăn trước khi thực sự cán đích.