Mỹ - Cuba đạt thỏa thuận mở lại đại sứ quán:

Bước "phá băng" quan trọng

Huỳnh Vũ

(Taichinh) - Trong một động thái được mong chờ, Mỹ và Cuba đã quyết định mở lại các đại sứ quán trong tháng 7. Đây có thể được coi là sự kiện “phá băng” quan trọng nhất giữa hai nước sau hơn một nửa thế kỷ thù địch.

Mỹ - Cuba đạt thỏa thuận mở lại đại sứ quán.
Mỹ - Cuba đạt thỏa thuận mở lại đại sứ quán.

Rào cản lớn nhất được loại bỏ

Vào 11h đêm qua, 1.7 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, khẳng định Mỹ và Cuba đã đạt được thỏa thuận tái thiết lập quan hệ ngoại giao và mở cửa đại sứ quán hai nước tại Thủ đô hai nước. Mặc dù không tiết lộ thời điểm cụ thể, song các nguồn tin ở Washington cho biết, các đại sứ quán có thể lần lượt được mở cửa vào trung tuần tháng 7, hai tuần sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo quyết định này cho Quốc hội Mỹ.

Sự kiện trên sẽ là cột mốc quan trọng nhất trong tiến trình “phá băng” quan hệ kể từ khi Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro chính thức thông báo quyết định “bình thường hóa quan hệ” vào tháng 12 năm ngoái. Từ đó đến nay, hai nước đã có nhiều động thái tích cực với việc tiến hành 4 vòng đàm phán lần lượt tại Thủ đô của hai nước. Vòng đàm phán gần đây nhất diễn ra ngày 21 - 22.5 tại Washington với những tiến triển trong nhiều vấn đề quan trọng.

Mỹ cũng đã dỡ bỏ rào cản lớn nhất trên con đường khôi phục quan hệ song phương khi đưa Cuba ra khỏi “Danh sách các nước bảo trợ khủng bố”. Hồi đầu tháng 4, Washington và La Habana cũng đã lần đầu tiên tổ chức cuộc đối thoại về nhân quyền. Trước đó, Mỹ đã dần dỡ bỏ hàng loạt rào cản về thương mại - tài chính và đi lại áp đặt từ năm 1982 đối với “đảo quốc tự do”. Nguồn tín dụng từ các ngân hàng nước ngoài, chuyển tiền giữa các quốc gia và thực hiện các giao dịch tài chính quốc tế khác cũng trở nên dễ dàng hơn.

Quyết định mở lại đại sứ quán ngay trong tháng 7, cùng với quyết định trước đó về việc đưa Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố, hai bên gần như đã loại bỏ được rào cản lớn nhất trên con đường khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao, vốn “đóng băng” từ hơn nửa thế kỷ qua.

Chờ đợi bước đi tiếp theo

Kể từ lúc hai nước thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ cho tới khi chính thức thông báo mở lại đại sứ quán chỉ vỏn vẹn 7 tháng. Tiến triển nhanh, mạnh mẽ của tiến trình này cho thấy quyết tâm và ý chí chính trị thực sự trong lực lượng lãnh đạo cả ở Mỹ và Cuba đối với nhu cầu phải cởi trói mối quan hệ đã lạnh giá quá lâu này.

Một Cuba đang lên cả về vị thế chính trị lẫn tiềm năng kinh tế chính là một đối tác hấp dẫn đối với Mỹ ở Tây bán cầu. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây tại Mỹ cho thấy, chính sách với Cuba được chính quyền Tổng thống Obama thực hiện thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ của 59% người Mỹ. Thậm chí, có đến 97% người dân tin rằng việc bình thường hóa quan hệ sẽ có lợi cho nước Mỹ. Bên cạnh đó, tiến trình hòa giải với Cuba có thể cho phép Mỹ trở lại khu vực vốn được coi là “sân sau”, bởi phần lớn các chính phủ Nam Mỹ đều phản đối lệnh bao vây cấm vận của Mỹ với Cuba được áp đặt từ năm 1962.

Về phía Cuba, nhiều năm cấm vận đã khiến quốc đảo mạnh mẽ và can trường này gặp không ít khó khăn. Bình thường hóa quan hệ với Mỹ mang ý nghĩa vô cùng quan trọng để khai thông những bế tắc, trong bối cảnh Chủ tịch Raul Castro tích cực thúc đẩy các biện pháp cải cách, mở cửa.

Tuy nhiên, tái lập quan hệ ngoại giao mới chỉ là khởi đầu của quá trình bình thường hóa. Các bước đi sắp tới “hứa hẹn” còn không ít chông gai: từ những điều kiện của La Habana về xóa bỏ cấm vận, trả lại căn cứ quân sự Guantánamo, chấm dứt mọi hành động thù địch, cho tới những yêu sách của Washington nhằm thay đổi hệ thống chính trị tại Cuba… Với lịch sử quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Cuba, ngay cả sau khi bình thường hóa, quan hệ giữa hai nước sẽ không tránh được những thời điểm thăng trầm, bởi vẫn còn rất nhiều khác biệt.

Thêm vào đó, Tổng thống Barack Obama sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2016, còn Đảng Cộng sản Cuba đã ấn định lịch trình tổ chức Đại hội VII vào tháng 4.2016 và bầu cử toàn quốc vào năm 2018. Do vậy, nếu hai bên muốn đạt được những tiến triển mới trước các cột mốc đổi thay trên, cả hai phía sẽ còn phải nỗ lực hơn rất nhiều.

Năm 1961, Mỹ cắt đứt quan hệ với Cuba sau khi hai anh em Fidel và Raul Castro lãnh đạo cuộc cách mạng lật đổ chính thể độc tài Fulgencio Batista do Mỹ hậu thuẫn và lập nên Nhà nước Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa có quan hệ gần gũi với Liên Xô. Thời điểm này, Mỹ và Cuba hoàn toàn không có đại diện ngoại giao ở mỗi nước.

Năm 1977, khi Tổng thống Jimmy Carter lên nắm quyền, Mỹ cho thành lập “Khu vực lợi ích Mỹ” (USINT) đặt tại Cuba, ngay bên trong tòa nhà Đại sứ quán cũ. Nhiệm vụ của USINT là cấp visa, tổ chức các sự kiện văn hóa và duy trì liên lạc giữa 2 nước. Về kỹ thuật, phái đoàn đại diện Mỹ hoạt động bên trong Tòa đại sứ dưới sự bảo hộ pháp lý của Đại sứ quán Thụy Sĩ nhưng cơ quan này không có quy chế như một đại sứ quán chính thức.

Tháng 12.2014, lần đầu tiên sau hơn 50 năm cắt đứt quan hệ ngoại giao, Mỹ và Cuba nhất trí tiến tới bình thường hóa quan hệ. Các cuộc đàm phán và gặp gỡ cấp cao sau đó đã đưa đến quyết định hai nước sẽ mở lại đại sứ quán vào tháng 7 này.