Bước tiến nhỏ, ý nghĩa lớn
Tuy kết quả khá khiêm tốn, nhưng vòng 6 tiến trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) tại Montreal được đánh giá là đem lại nhiều hy vọng nhất từ trước tới nay; hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho việc duy trì, thay vì phá vỡ, hiệp định thương mại 24 năm tuổi này.
Kết quả khiêm tốn
Kết thúc một tuần đàm phán, các bên đã không ra được tuyên bố chung nhưng đều nhấn mạnh cam kết tiếp tục thúc đẩy thương mại công bằng và bền vững. Các cuộc đàm phán kín trong suốt gần một tuần qua giữa 3 đoàn diễn ra tích cực hơn nhiều so với các vòng trước, khi các bên đã có thể bước vào thảo luận chính thức những vấn đề gai góc nhất về tỷ lệ nội địa hóa ô tô Bắc Mỹ, quy chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư quy định trong Chương 11, “điều khoản hoàng hôn” cho phép thỏa thuận NAFTA tự động hết hạn sau 5 năm trừ khi 3 nước cùng nhất trí tiếp tục kéo dài.
Ngoài ra, các bên cũng đã hoàn tất đàm phán và khép lại chương về chống tham nhũng, đồng thời thống nhất tiến hành các vòng đàm phán tiếp theo ở Mexico City và Washington trong vòng 2 tháng tới (thêm một vòng so với kế hoạch ban đầu).
Những diễn biến tích cực đó là nhờ bước đi chiến lược của Canada và Mexico, đồng ý ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như việc nước chủ nhà Canada đã đưa ra những “sáng kiến linh hoạt” liên quan đến cách tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư.
Cho tới cuối ngày đàm phán áp chót của vòng 6, bầu không khí căng thẳng và bi quan đã bị đẩy lùi, nhường chỗ cho những hy vọng nhen nhóm. “Chúng tôi đang có hướng đi tích cực hơn. Chúng tôi sẽ tận dụng điều khích lệ này mỗi khi có thể”, Trưởng đoàn đàm phán Caanda Steve Verheul nói.
Tại vòng đàm phán này, nước chủ nhà Canada đề xuất cách tính mới cho tỷ lệ nội địa hóa ô tô theo hướng tính thêm cả chi phí nghiên cứu và phát triển (D&R) và quyền sở hữu trí tuệ, vốn đều là thế mạnh của Mỹ. Ngoài ra, Canada cũng gợi ý cải tiến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư quy định trong Chương 11, theo đó tăng quyền lợi cho các nước tham gia và cho phép Mỹ rút lui khỏi cơ chế này nếu muốn.
Trước đó, Mỹ muốn chuyển cơ chế giải quyết tranh chấp từ mức “ràng buộc” thành “không ràng buộc” hoặc “tự nguyện”, vì cho rằng cơ chế này khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ chuyển đến Mexico để lợi dụng cơ chế kiện chính phủ nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Hiện tại, các bên đánh giá tác động của những ý tưởng đề xuất mới đối với các ngành nghề sản xuất trong nước trước khi quyết định có chấp nhận hay không.
Nghị sĩ Bill Pascrell thuộc Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện Mỹ cũng thừa nhận, ông “cảm thấy lạc quan hơn so với 6 tháng trước và cảm giác vứt bỏ tất cả dường như đã không còn, nhường chỗ cho tâm lý lạc quan này”.
Sự thẳng thắn cần thiết
Theo giới phân tích, những tiến bộ đạt được trong vòng đàm phán NAFTA thứ 6 tuy nhỏ nhưng hết sức cần thiết. Trước tiên là từ phía Mỹ. Trước thềm đàm phán, Tổng thống Donald Trump cho biết ông từng nghĩ rằng nếu không thể đàm phán thì Mỹ sẽ xóa bỏ NAFTA, nhưng sau đó ông đã phải thừa nhận “đàm phán đang diễn ra khá tốt đẹp, chúng ta sẽ chờ xem kết quả ra sao”.
Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ phía các nhà lập pháp, nhất là của đảng Cộng hòa, trong vấn đề NAFTA. Các nghị sĩ cảnh báo Nhà Trắng rằng rời khỏi NAFTA cũng đồng nghĩa với bước vào thảm họa kinh tế mới. Trước thềm vòng đàm phán này, Bàn tròn Doanh nghiệp, một nhóm giám đốc điều hành hàng đầu tại Mỹ, đã công bố nghiên cứu cho thấy Mỹ sẽ mất khoảng 1,8 triệu việc làm ngay trong năm đầu tiên rời bỏ NAFTA.
Nếu NAFTA bị hủy bỏ, ngành sản xuất ô tô và các sản phẩm nông nghiệp sẽ chịu tác động nặng nề. Các chuyên gia thương mại thậm chí còn cho rằng cử tri tại vùng trung tâm nước Mỹ, vốn đóng vai trò then chốt trong việc đưa ông Trump vào Nhà Trắng, sẽ chịu thiệt hại lớn nhất về mặt kinh tế từ sự sụp đổ này.
Trong khi đó, tiến triển các thỏa thuận thương mại khác như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã được đổi lại thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút lui, là tín hiệu cho thấy Mỹ có thể phải đánh đổi các lợi ích ở bên ngoài vì mục đích chính trị của mình. Điều này càng củng cố ý kiến cho rằng các nước khác vẫn sẽ thúc đẩy các thỏa thuận thương mại quy mô dù không có Mỹ.
Chuyên gia Edward Alden của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho rằng việc kéo dài lịch trình đàm phán là “tin vui” cho những ai đang muốn né tránh tình trạng kinh tế đình trệ và thị trường hỗn loạn có thể xảy ra nếu NAFTA sụp đổ.
Ông Alden nói: “Tôi cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy cuối cùng đã có nỗ lực thực sự để đạt được các thỏa hiệp cần thiết và hoàn tất thỏa thuận này. Điều này cũng có lợi về mặt chính trị. Nó sẽ khiến việc hoàn tất thỏa thuận diễn ra sau cuộc bầu cử tại Mexico và đồng nghĩa rằng ông Trump bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ và nói rằng ông vẫn đang làm việc vì một NAFTA tốt đẹp hơn thay vì nhiệm vụ khó khăn hơn là cố gắng thuyết phục thỏa thuận được sửa đổi với Quốc hội và cử tri”.