Bứt phá nhờ nội lực

Huy Hiếu

(Tài chính) Các viện nghiên cứu của Đức mới đây đều đưa ra dự báo, nền kinh tế nước này sẽ đạt mức tăng trưởng 1,9% trong năm 2014. Đây là những dấu hiệu đáng mừng, chứng minh nền kinh tế trụ cột của Liên minh châu Âu đang dần quay trở lại thời kỳ thịnh vượng.

Triển vọng tươi sáng

Thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng Euro (Eurozone), Đức vẫn đạt tăng trưởng mạnh mẽ, song những năm sau đó đã dần chậm lại. Tăng trưởng năm 2013 của Đức chỉ khiêm tốn ở mức 0,4%. Tuy nhiên, sang đến quý I/2014, kinh tế Đức đã tăng trưởng 0,8%.

Mức tăng trưởng này có được chủ yếu là nhờ hộ gia đình và Chính phủ Đức tăng chi tiêu. Tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng cũng đã mang lại cú hích cho kinh tế Đức. Đầu năm 2004, xuất khẩu hàng hóa giảm, trong khi nhập khẩu tăng đáng kể so với quý IV/2013.

Bứt phá nhờ nội lực - Ảnh 1

Nước Đức hy vọng đà tăng trưởng sẽ được đẩy nhanh hơn trong bối cảnh đà tiêu dùng nội địa đang tăng, các nước trong Eurozone và toàn cầu tiếp tục đà phục hồi từ khủng hoảng. Bên cạnh đó, triển vọng lạc quan của kinh tế Đức còn dựa trên nhiều yếu tố khác như niềm tin của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp được phục hồi đáng kể; Thị trường lao động tăng trưởng mạnh mẽ, cung cấp nhiều việc làm mới...

Tỷ lệ thất nghiệp tại Đức là 6,9%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và dự báo Đức sẽ tạo ra con số kỷ lục hơn 42 triệu việc làm trong năm nay, tăng 240.000 việc làm so với năm 2013.

Hy sinh vì lợi ích tổng thể

Điều đáng nói ở đất nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới này là để đất nước có tăng trưởng ổn định, người dân Đức đã và đang chấp nhận lao động chăm chỉ với thu nhập không cao.

Nước Đức không có quy định về lương tối thiểu, lương là do chủ và thợ thoả thuận. Thù lao cho một giờ công của một số ngành chỉ là 3€, chưa bằng 1/3 mức tối thiểu tại Pháp. Chủ lao động trả lương thấp, nên sản phẩm làm ra có giá thấp dễ bán.

Tuổi về hưu ở Đức lên tới 67, người thất nghiệp chỉ được hưởng trợ cấp trong năm đầu tiên mất việc. Những người không thể lao động chỉ được nhận trợ cấp xã hội khi chứng minh được rằng họ không sở hữu căn hộ hay nhà riêng, không có tiền tiết kiệm trong ngân hàng...

Dĩ nhiên cách hy sinh một phần chính sách xã hội để hỗ trợ chính sách kinh tế cũng đã tạo ra nhiều tranh luận trong nội bộ nước Đức. “Bài toán” lợi ích tổng thể đang được xem xét lại nhưng những gì nước Đức làm đã khiến các nước khác phải ngưỡng mộ.

Ông Quentin Dickinson, phóng viên Đài phát thanh Pháp nói: “Người dân Đức đã phải hy sinh trong nhiều năm, để có được nước Đức vững mạnh như hiện nay so với các nước xung quanh. Khi nhìn vào các chỉ số kinh tế, thấy rõ là nước Pháp đang đuối dần trong khi Đức ngày càng vững mạnh”.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 6 - 2014