Các công ty Nhật Bản cảnh báo có thể rời khỏi Anh

Theo TTXVN

Chính phủ Nhật Bản ngày 4/9 đã công bố bản kiến nghị yêu cầu của giới doanh nghiệp nước này, trong đó đi kèm với lời cảnh báo rằng các ngân hàng, các hãng chế tạo ô tô và dược phẩm Nhật Bản có thể sẽ rời nước Anh sang các nước châu Âu khác nếu Anh không đạt được một thỏa thuận thương mại phù hợp với Liên minh châu Âu (EU).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, kiến nghị trên được công bố bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra tại TP. Hàng Châu, Trung Quốc. Các doanh nghiệp Nhật Bản lưu ý rằng Anh có thể trở thành một địa chỉ kinh doanh ngày càng kém hấp dẫn.

Trong bản kiến nghị nói trên, giới doanh nghiệp đất nước Mặt Trời mọc khuyến nghị Anh nên tìm cách tránh việc bị áp thuế nhập khẩu từ các nước EU, đồng thời tạo điều kiện cho người lao động di chuyển dễ dàng giữa Anh và châu Âu. Thị trường lao động châu Âu có thể có sự xáo trộn lớn nếu các công dân EU không được đi lại tự do và ở lại Anh và châu Âu.

Hiện tại, đầu tư của Nhật Bản tại Anh chiếm khoảng 50% tổng đầu tư của nước này tại EU. Các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đầu tư kinh doanh tại xứ sở sương mù phải kể tới Nissan, Honda, Mitsubishi, Nomura và Daiwa. Nhật Bản cảnh báo các doanh nghiệp nước này đặt trụ sở châu Âu tại Anh có thể quyết định chuyển trụ sở sang các nước châu Âu khác trong trường hợp nước Anh không còn được hưởng các quy định dành cho thành viên EU sau khi rút khỏi liên minh.

Bản kiến nghị nêu rõ các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư mạnh mẽ vào Anh, nơi được coi là cửa ngõ để họ thâm nhập châu Âu, cũng như thiết lập chuỗi giá trị trên toàn châu lục này. Vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị Chính phủ Anh tìm kiếm các giải pháp hợp lý để giảm thiểu những tác động bất lợi đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại Đảo quốc Sương mù.

Chính phủ Nhật Bản cũng nhấn mạnh lĩnh vực tài chính của Anh cần duy trì được hệ thống “hộ chiếu” chung nhằm giúp các ngân hàng có thể tiếp tục hoạt động trên toàn EU với hộ chiếu họ đã có được ở Anh, tránh việc phải xin một “hộ chiếu” mới hoặc chuyển trụ sở hoạt động sang các nước EU khác.