Các doanh nghiệp nước ngoài tại Anh làm ăn bất lợi vì Brexit

Theo thoibaonganhang.vn

Các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Vương quốc Anh nhận định đồng bảng giảm giá và nhu cầu yếu hơn sau cú sốc Brexit đã khiến lợi nhuận của họ suy giảm trong quý III vừa qua.

Đồng bảng và nhu cầu giảm mạnh sau cú sốc Brexit.
Đồng bảng và nhu cầu giảm mạnh sau cú sốc Brexit.

Các hãng và công ty nước ngoài như nhà sản xuất ô tô Ford, “ông lớn” về công nghệ HP Inc, hãng hàng không Ryanair và Delta Air Lines Inc, cho biết kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại nước Anh hồi tháng Sáu đã buộc họ phải đánh giá lại các mục tiêu lợi nhuận, lên kế hoạch cắt giảm thêm chi phí. Ngoài ra, việc tăng giá bán tại “xứ sở sương mù” và thu hẹp hoạt động cũng là phương án được lựa chọn.  

Trong khi nhiều công ty của nước Anh tập trung vào thị trường nội địa vẫn đạt kết quả kinh doanh khả quan sau cuộc trưng cầu dân ý, các công ty nước ngoài chứng kiến lợi nhuận của họ giảm sút khi quy đổi ra đồng USD hay Euro.

Theo nhà kinh tế và là chiến lược gia Ian Williams của công ty môi giới chứng khoán Peel Hunt ở London, nếu các công ty/doanh nghiệp chứng kiến đà giảm giá của đồng bảng tiếp diễn thì họ có thể sẽ "đóng băng" hay cắt giảm đầu tư tại nước Anh.   

Tata Consulting (của Ấn Độ), công ty cung cấp dịch vụ ngoại biên cho các công ty của nước Anh, tuần trước thông báo lợi nhuận bị ảnh hưởng khi đồng bảng giảm từ mức 95 rupee đổi 1 bảng xuống 81 rupee = 1 bảng. Nhà sản xuất đồ chơi Hasbro Inc của Mỹ có nguy cơ thiệt hại 25 triệu USD do những biến động tỷ giá, chủ yếu là liên quan đến đồng bảng, trong quý IV/2016.

Hãng hàng không giá rẻ Ryanair cũng đã hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm nay từ 12% xuống 7% do đồng bảng xuống giá. Nhiều công ty nước ngoài cho biết họ sẽ bù lại thiệt hại từ sự sụt giảm của đồng bảng bằng việc tăng giá bán.

Nhà sản xuất hàng xa xỉ LVMH cho biết đã tăng giá bán tại nước Anh 5% hai lần trong năm nay, mà nhu cầu không giảm. Ford đã tăng giá 1,3%, trong khi các đối thủ Peugeot và Renault cũng đã làm như vậy.    

Các công ty và doanh nghiệp nước ngoài tại nước Anh cũng đối phó bằng cách tăng cường cắt giảm chi tiêu. Trong khi đó, một số doanh nghiệp đang thu hẹp hoạt động. Delta Air Lines đang cắt giảm công suất trên các chặng bay qua Đại Tây Dương.   

Tuy nhiên, vào lúc này, hầu hết các công ty đang chờ quá trình đàm phán về Brexit và chờ xem nước Anh sẽ được tiếp cận thị trường chung châu Âu dưới hình thức nào trong tương lai, trước khi đưa ra các quyết định về việc cắt giảm đầu tư tại đó hay di chuyển nhà máy và nhân lực tới các nước khác.