Các nền kinh tế châu Phi đang trên đà hồi phục

Theo thoibaonganhang.vn

Cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu vào năm 2008 đã ảnh hưởng bất lợi đến châu Phi trong hành trình phát triển để trở thành một châu lục vững mạnh. Nếu như cách đây gần 10 năm, các nền kinh tế tại châu Phi đã từng có tốc độ tăng trưởng và những bước phát triển ấn tượng thì hiện nay, bức tranh đã khác, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chuyển dịch chậm chạp.

Những cải cách điều tiết tại Rwanda có thể được nhân rộng tại châu Phi trong thời gian tới.
Những cải cách điều tiết tại Rwanda có thể được nhân rộng tại châu Phi trong thời gian tới.

Giai đoạn 5 năm vừa qua (2010-2015), trong khi dân số tiếp tục tăng thì tăng trưởng kinh tế bình quân đã giảm xuống mức 3,3%, thấp xa so với mức bình quân là 4,9% trong giai đoạn từ năm 2000–2008. Thực tế đó đã làm cho vấn nạn “nghèo đói” tiếp tục là vấn đề lớn chưa được giải quyết hiệu quả tại  châu Phi.

Tuy nhiên nếu xem xét kỹ lưỡng hơn thì trong 5 năm vừa qua, mọi thứ không quá tệ như phỏng đoán. Châu Phi cũng đã chứng kiến sức bật của một số nền kinh tế và những đổi mới từ các chương trình cải cách sâu rộng đã được thực hiện trong nhiều năm.

Mặc dù GDP tổng thể  của khu vực đã suy giảm từ năm 2010, khi tăng trưởng của các nước xuất khẩu dầu mỏ đi xuống và những ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng liên quan đến chứng khoán tại Sahel và Nam Phi, nhưng tăng trưởng kinh tế tại các nhóm nước khác trong khu vực vẫn gia tăng từ mức 4,1% giai đoạn 2000–2010 lên đến 4,4% giai đoạn 2010–2015.

Tiếp đến, đó là những kết quả tích cực từ các chương trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chương trình đô thị hóa, số hóa; dân số trong độ tuổi lao động dự kiến sẽ vượt lực lượng lao động tại Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 2034.

Trên thực tế, các nước có tốc độ tăng trưởng cao như Côte d’Ivoire, Ethiopia, Kenya và Tanzania đang trong tiến trình giảm dần sự phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa, mà chuyển sang các hoạt động có lợi cho thương mại, đầu tư và tiêu dùng nội địa.

Đồng thời, các nước có tốc độ phát triển thấp hơn có thể cũng sẽ dịch chuyển theo xu hướng đó. Xu hướng này có thể sẽ mở ra một cánh cửa mới cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai, thúc đẩy tiêu dùng nội địa và hỗ trợ cho quá trình công nghiệp hóa.

Nghiên cứu gần đây của McKinsey Global Institute đã chỉ ra rằng, tổng chi tiêu dùng tại  châu Phi ở mức 4 nghìn tỷ USD và đến năm 2025, con số này có thể lên đến 5,6 nghìn tỷ USD, chi dùng hộ gia gia đình sẽ ở mức 2,1 nghìn tỷ USD, và chi tiêu của doanh nghiệp vào khoảng 3,5 nghìn tỷ USD.

Những con số này phản ánh cơ hội của khu vực sản xuất của  châu Phi trong tương lai là rất lớn, và nhiều khả năng châu lục này có thể tăng gần gấp đôi sản lượng sản xuất vào năm 2025 với sự đóng góp của 75% từ sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, hiện các công ty tại khu vực  châu Phi vẫn chưa có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu nội tại, và vẫn phải nhập khẩu khoảng 1/3 lượng thức ăn, đồ uống và các hàng hóa phục vụ tiêu dùng khác.

Trong khi đó, khối ASEAN chỉ nhập khẩu khoảng 20%, khối các nước thị trường chung Nam Mỹ chỉ nhập khẩu khoảng 10%. Thậm chí,  châu Phi còn nhập khẩu 15% lượng xi – măng sử dụng hàng năm, mặc dù có dư dả nguồn nguyên liệu thô để sản xuất.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh và nguồn thu nhập của các công ty lớn và nhỏ trong khu vực vẫn còn rất hạn chế. Thu nhập hàng năm bình quân của các công ty lớn của  châu Phi khoảng 2 tỷ  USD, chỉ bằng một nửa so với các công ty lớn tại Brazil, Ấn Độ, Mexico và Nga.

Ngoài ra, tại  châu Phi, số doanh nghiệp lớn chỉ có khoảng 60%, thấp hơn so với các nền kinh tế mới nổi. Trong khi đó để có thể có những bước tiến dài hơi hơn trong tương lai, thì những công ty lớn sẽ phải có tốc độ tăng trưởng cao hơn, tạo ra nhiều lợi nhuận hơn so với những công ty đồng cấp trên toàn cầu.

Ngoài ra, việc không có một thị trường đồng nhất cũng giới hạn sức bật của các công ty  châu Phi. Cụ thể là hiện châu lục này có 8 khu vực thương mại, nhưng trong đó có nhiều cấu phần trùng lắp và không một khu thương mại nào. Hiện, trong khu vực chỉ có Ai Cập, Morocco, Nigeria và Nam Phi là được xếp trong nhóm 100 quốc gia hàng đầu theo chỉ số kết nối toàn cầu của MGI.

Thêm vào đó, là hiện tại  châu Phi cũng đang phải đối mặt với những rào cản thương mại lớn, ví dụ như hệ thống giao thông không phù hợp, và sự giới hạn sự di chuyển tự do khi người dân  châu Phi cần phải có visa để đi du lịch tại hơn một nửa số nước trong cùng châu lục.

Cuối cùng và cũng rất quan trọng là những rào cản về  pháp lý đối với hoạt động đầu tư vẫn còn tồn tại, mặc dù  châu Phi đã tiến hành hoàn thiện môi trường kinh doanh từ gần hai thập kỷ. Hiện nay hàng rào phi thuế quan vẫn ở mức rất cao, các quy định điều tiết đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể trên thị trường chưa đầy đủ...

Tuy thế, một điểm sáng có thể dễ dàng nhận thấy khi xem xét các bước phát triển của Rwanda kể từ năm 2007, khi quốc gia này thành lập một Ủy ban để thực hiện việc hoàn thiện môi trường kinh doanh.

Trong gần 10 năm, Ủy ban này đã thiết kế một trung tâm một điểm đến - “one - stop” để hỗ trợ thực hiện các hoạt động đầu tư, giám sát việc cấp phép xây dựng, thu phí đăng ký tài sản, gia hạn thời gian làm thủ tục hải quan, thanh tra hải quan trên cơ sở rủi ro.

Với những cải cách trong công tác điều tiết, thứ hạng của Rwanda trong việc nới lỏng các điều kiện kinh doanh đã có sự thay đổi lớn từ vị trí 143 vào năm 2008 lên vị trí số 32 vào năm 2014. Sự thành công này có thể được nhân rộng tại  châu Phi trong thời gian tới.