Các nền kinh tế hàng đầu thế giới tăng trưởng không đạt kỳ vọng

Hải Đăng

Các số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn gặp nhiều trở ngại trong 3 quý đầu năm 2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 29/10/2015 cho biết, GDP của nền kinh tế hàng đầu thế giới đã tăng 1,5% trong quý III/2015 so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 2,4 điểm phần trăm so với mức tăng 3,9% đạt được trong quý II. Tăng trưởng GDP Mỹ như vậy là khá thấp so với mức tăng 4,3% của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, những số liệu về lao động lại cho thấy những tín hiệu khá tích cực khi chỉ số thất nghiệp trong tháng 10 giảm về mức 5% - mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Đồng thời, mức lương thu nhập bình quân tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ cuộc suy thoái 2007-2009 đến nay, kinh tế Mỹ dù phục hồi nhưng không giữ được tốc độ tăng trưởng nhanh hơn một cách đều đặn. Năm nay, kinh tế Mỹ đối mặt một số trở ngại gồm đồng USD mạnh lên và các công ty dầu khí cắt giảm mạnh vốn đầu tư trong bối cảnh giá dầu giảm sâu. Đồng USD tăng giá khiến hàng hóa xuất khẩu của Mỹ giảm sức cạnh tranh.

Trong quý III, tiêu dùng - lĩnh vực chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế Mỹ - tăng trưởng 3,2%, so với mức tăng 3,6% trong quý II. Giới chuyên gia cho rằng, nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ đang tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ thị trường việc làm khả quan và mức lạm phát thấp.

Sau cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 10 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bàng Mỹ (FED) đã quyết định không tăng lãi suất. Đồng thời, FED cũng để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong tháng 12 trong trường hợp thị trường lao động cải thiện rõ nét hơn và lạm phát có những tín hiệu đạt tới mức mục tiêu 2% trong trung hạn.

Châu Âu

Nền kinh tế châu Âu phục hồi chậm chạp. Theo Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), trong quý III/2015, tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ đạt mức 0,3%. Trong thời gian này, tăng trưởng GDP của Pháp đạt 0,3%, tránh được một thời gian dài tăng trưởng thấp. Thế nhưng, kinh tế Italia không đạt mục tiêu tăng trưởng 0,3%, chỉ đạt 0,2%. GDP của Hy Lạp lại âm 0,5%. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chỉ đạt tăng trưởng 0,3% bất chấp tiêu dùng và chi tiêu chính phủ tăng.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cam kết bơm hơn 1.000 tỷ euro vào nền kinh tế khu vực cho đến tháng 9/2016 để thúc đẩy nhu cầu và tín dụng. Mặc dù vậy, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp ở khu vực đồng tiền chung châu Âu chưa thay đổi nhiều.

Lạm phát của khu vực chỉ nhích nhẹ từ mức –0,1% trong tháng 9 về 0% trong tháng 10. Như vậy, mức lạm phát này vẫn còn cách xa mức mục tiêu 2% của ECB. Theo đó, các nhà lãnh đạo tổ chức này cho rằng họ sẽ không tiến hành tăng lãi suất trong tháng 12 bất chấp các động thái thắt chặt của FED nếu có và xem xét khả năng tiếp tục mở rộng gói kích thích kinh tế.

Có thể thấy các biện pháp nới lỏng và kích thích kinh tế hiện vẫn chưa đem lại kết quả như mong đợi.

Châu Á

Theo số liệu Tổng cục thống kê Trung Quốc, GDP của nước này tăng trưởng 6,9% trong quý III, cao hơn mức dự báo 6,8% được đưa ra trước đó. Khu vực dịch vụ và hoạt động tiêu dùng đã góp phần bù đắp sự suy yếu trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Mặc dù vậy, đây vẫn là quý tăng trưởng thấp nhất kể từ quý 1/2009.

Tổng cục Thống kê Trung Quốc ngày 1/11/2015 công bố, trong tháng 10 chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức giữ nguyên ở mức 49,8 điểm. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất của nước này tiếp tục bị thu hẹp trong tháng 10.

Đây là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số này ở dưới 50 điểm – ngưỡng phân cách giữa co hẹp và suy giảm. Trong khi đó chỉ số PMI phi sản xuất (đo lường hoạt động của các ngành dịch vụ và xây dựng) giảm từ mức 53,4 điểm của tháng 9 xuống còn 53,1 điểm – thấp nhất kể từ tháng 12/2008.

Các số liệu này nhấn mạnh những thách thức đang đe dọa các cỗ máy tăng trưởng đã cũ kỹ của Trung Quốc. Đồng thời, qua đây có thể thấy chính sách nới lỏng tiền tệ của NHTW Trung Quốc vẫn chưa thể tạo lực đẩy cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong khi đó, nền kinh tế Nhật Bản đã trở lại thời kỳ suy thoái khi GDP của nước này suy giảm 0,8% trong quý III sau khi đã giảm 0,7% trong quý II, do sự suy yếu trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp.

Đầu tư doanh nghiệp suy yếu và lượng hàng lưu kho giảm đã kéo giảm tăng trưởng GDP của Nhật Bản khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và viễn cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm khiến nhiều công ty của Nhật cắt giảm chi tiêu và sản lượng. So với quý trước, đầu tư của doanh nghiệp giảm 1,3%.

Dù tăng trưởng được dự báo sẽ phục hồi trong quý IV năm nay, song số liệu nói trên vẫn gây ra áp lực rất lớn đối với Thủ tướng Abe và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda, buộc họ phải đẩy mạnh các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ.

Nhiều chuyên gia nhận định kinh tế Nhật Bản sẽ khó có thể sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc và triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa, dòng vốn đầu tư yếu ớt…