Các nền kinh tế mới nổi đang tăng trưởng chậm lại?

Theo Kinh tế & Dự báo

Ngân hàng HSBC nhận định tăng trưởng kinh tế đang chậm lại ở mức yếu nhất trong vòng 1,5 năm trở lại đây tại tất cả các thị trường mới nổi trên toàn cầu.

Nhận định được đưa ra dựa trên sự sụt giảm xuống mức 51,3 điểm trong tháng 4/2013 từ mức 52,5 điểm trong tháng trước đó của Chỉ số phát triển kinh tế tại các thị trường mới nổi (EMI) do ngân hàng này thực hiện.

http://kinhtevadubao.com.vn/upload/editor/images/Untitled-1(1).jpg

Số liệu thu thập ở khắp các lĩnh vực đều cho thấy sản lượng sản xuất và hoạt động dịch vụ đều có mức tăng trưởng yếu tương tự nhau.

Bản thông cáo do HSBC phát đi cho biết, 3 trong 4 nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đã có mức tăng trưởng sản lượng chậm hơn trong tháng 4, đáng chú ý là Trung Quốc. Brazil là một ngoại lệ mặc dù mức tăng vẫn còn khá khiêm tốn. Ở những nơi khác, hầu hết các nền kinh tế tham gia khảo sát đều có mức tăng trưởng sản lượng sản xuất chậm.

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Indonesia cũng là 2 thị trường đáng chú ý khi tỷ lệ tăng trưởng đơn đặt hàng xuất khẩu mới chậm gần như đình trệ.

Đơn đặt hàng mới tăng chậm ở mức yếu nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Đáng kể là khối dịch vụ tăng chậm ở mức yếu nhất kể từ tháng 5/2009, thời điểm bắt đầu chuỗi tăng trưởng hiện tại.

Lĩnh vực việc làm cũng tăng trưởng ở mức thấp nhất như trong thời kỳ hậu khủng hoảng. Trong khi đó, số lượng đơn hàng tồn động giảm tháng thứ 12 liên tiếp.

Áp lực giá cả cũng ở mức yếu nhất sau gần bốn năm giá cả đầu vào luôn tăng. Giá đầu vào của các nhà sản xuất lần đầu tiên giảm kể từ tháng 9. Trong khi đó, giá cả áp cho hàng hoá và dịch vụ giảm nhẹ theo sau bảy tháng lạm phát liên tục.     

Ông Federic Neumann, Đồng giám đốc Khối Nghiên cứu Kinh tế khu vực châu Á của HSBC, nhận định tăng trưởng kinh tế yếu ở hầu hết các thị trường đã phát triển hiện cũng đang được cảm nhận ở các nước mới nổi. Ví dụ như đơn đặt hàng xuất khẩu mới ở lĩnh vực sản xuất trong tháng 4 đã giảm sau khi tăng trưởng trong suốt quý I năm nay. Trong khi điều này có thể được đánh giá là bình thường bởi sự điều chỉnh tạm thời trong chu kỳ thương mại, nhưng lĩnh vực dịch vụ trong chỉ số PMI giảm nhẹ cho thấy giảm sút diễn ra rộng hơn ở khắp các thị trường mới nổi ngay cả khi các thị trường này cũng vẫn đang tăng trưởng ở một số mặt khác.

Tuy nhiên, cũng theo ông Federic Neumann: “Tăng trưởng ở các thị trường mới nổi đi lùi ngay từ đầu quý 2/2013 không thể hiện sẽ có sự sụt giảm mạnh hơn mà cùng với việc thừa thanh khoản, việc giảm nhẹ đang đem lại một sự hỗ trợ quan trọng cho nhu cầu gần như ở khắp nơi. Dù vậy, tăng trưởng chậm hơn sẽ lộ rõ các điểm yếu của các thị trường mới nổi trước sự tấn công rộng rãi ở các nền kinh tế đã phát triển như tình hình châu Âu đang đình trệ trầm trọng hơn hay những vấn đề khủng hoảng tài chính tái lập có thể lan nhanh ở các thị trường mới nổi”.